Luật Bảo hiểm y tế: Những thông tin đáng quan tâm nhất năm 2018

Bảo hiểm y tế (BHYT) là hình thức bảo hiểm bắt buộc nhằm đem lại lợi ích chăm sóc sức khỏe tối thiểu cho mọi người. Luật Bảo hiểm y tế cùng những văn bản hướng dẫn cụ thể hóa các quy định trong lĩnh vực này. Bài viết dưới đây tổng hợp 09 vấn đề mới nhất, đáng lưu ý nhất về chính sách bảo hiểm y tế.

1. Những đối tượng bắt buộc phải mua BHYT

Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế 2014 quy định những nhóm đối tượng sau bắt buộc phải tham gia BHYT: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng; Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng; Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng; Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Từ ngày 01/12/2018, Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế sẽ chính thức có hiệu lực. Từ thời điểm này, sẽ có thêm nhiều đối tượng được bổ sung vào nhóm tham gia BHYT do Nhà nước đóng, như:

- Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế;

- Thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 - 1975;

- Người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở.

Tương tự, nhóm tham gia BHYT do người sử dụng lao động đóng cũng được bổ sung thêm đối tượng là thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong quân đội…

Luật Bảo hiểm y tế: Những thông tin đáng quan tâm nhất năm 2018

Nhiều đối tượng bắt buộc phải mua BHYT (Ảnh minh họa)


2. Mức đóng BHYT mới nhất của người lao động

Mức đóng BHYT hàng tháng theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế 2014 tối đa bằng 6% tiền lương tháng hoặc mức lương cơ sở… tùy từng đối tượng.

Cụ thể, theo Nghị định 46/2018/NĐ-CP, mức đóng BHYT mới nhất của các đối tượng như sau:

- Người lao động, cán bộ công chức, viên chức đóng bằng 4,5% lương tháng.

- Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng đóng 4,5% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động;

-  Người nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đóng bằng 4,5% tiền lương tháng trước khi nghỉ thai sản.

- Người đang thất nghiệp đóng bằng 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp….

Riêng trường hợp người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định về bảo hiểm xã hội thì không phải đóng BHYT nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.

3. Người có BHYT được hưởng thêm nhiều quyền lợi từ 1/12/2018

Điều 27 Nghị định 146/2018/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung quy định về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Trong đó, bổ sung quy định quỹ BHYT thanh toán trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh (KCB) gửi mẫu bệnh phẩm, chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác để thực hiện dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh.

Với điểm mới này, nếu bệnh nhân khám tại tuyến xã, phường, sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cơ bản thay vì chỉ khám "chay".

Ngoài ra, Nghị định 146/2018/NĐ-CP cũng quy định trường hợp người có thẻ BHYT đang điều trị nội trú nhưng thẻ BHYT hết hạn sử dụng. Theo đó, chi phí KCB được thanh toán trong phạm vi được hưởng và mức hưởng cho đến khi ra viện, nhưng không quá 15 ngày kể từ ngày thẻ hết hạn.

Xem thêm: Áp dụng giá khám chữa bệnh BHYT mới từ 15/7

4. Khám chữa bệnh tuyến xã được BHYT chi trả 100%

Khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế 2014 sửa đổi Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 về mức hưởng BHYT. Cụ thể hóa những quy định trên, Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP đã quy định rõ 5 trường hợp được hưởng 100% chi phí KCB, đặc biệt 100% chi phí KCB tại tuyến xã sẽ được quỹ BHYT thanh toán.

Luật Bảo hiểm y tế: Những thông tin đáng quan tâm nhất năm 2018

100% chi phí KCB tại tuyến xã được quỹ BHYT thanh toán (Ảnh minh họa)

Nghị định 146/2018/NĐ-CP cũng có một số quy định mới về mức hưởng BHYT, cụ thể:

- Trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến, sau đó được cơ sở nơi tiếp nhận chuyển tuyến đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức hưởng quy định tại Khoản 3 Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế, trừ các trường hợp sau:

+ Cấp cứu;

+ Đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh khác ngoài phạm vi chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

+ Tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Người tham gia BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã giáp ranh của tỉnh giáp ranh được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP khi khám tại trạm y tế tuyến xã giáp ranh của tỉnh giáp ranh.

Xem thêm: Thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng từ khi nào?


5. Mua BHYT tự nguyện ở đâu?

Với những người không bắt buộc tham gia BHYT theo quy định Luật Bảo hiểm y tế, mua BHYT tự nguyện là một việc cần thực hiện. Vậy mua BHYT tự nguyện ở đâu, giá tiền như thế nào?

Người mua BHYT tự nguyện có thể liên hệ với một trong những địa điểm dưới đây để đăng ký mua hoặc được tư vấn chi tiết nhất:

- Đại lý bán BHXH;

- Cơ quan BHXH của xã, phường, thị trấn nơi người mua cư trú.

Lưu ý rằng người mua BHYT tự nguyện bắt buộc phải tham gia theo hình thức hộ gia đình và tự liên hệ tại địa phương. Bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh không phải là đơn vị bán BHYT.

Hồ sơ tham gia BHYT tự nguyện được hướng dẫn chi tiết tại Công văn 3170/BHXH-BT. Mức đóng BHYT theo hộ gia đình hiện nay được quy định là 62.550 đồng/tháng cho thành viên đầu tiên và giảm dần đối với các thành viên còn lại như hướng dẫn tại Nghị định 72/2018/NĐ-CP.

Xem thêm: Hướng dẫn mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.


6. Từ 2018, mã thẻ BHYT và mã sổ Bảo hiểm xã hội là một


Một số thông tin ghi trên thẻ BHYT sẽ được thay đổi:

Đây là nội dung được cụ thể hóa tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi, bổ sung theo Luật Bảo hiểm y tế 2014.

Trước đây, nội dung “Thời hạn sử dụng: Từ … đến …” được in tại mặt trước của thẻ BHYT. Thông tin này khiến chủ thẻ dễ dàng nắm bắt thời hạn bắt đầu hiệu lực và vô hiệu của thẻ nhưng giới hạn thời gian sử dụng thẻ. Kể từ 2018, nội dung này chính thức bị loại bỏ.

Từ 2018, mỗi người sẽ có một mã số định danh riêng ghi nhận quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN và các chế độ chính sách bảo hiểm trọn đời của người đó. Mã này được in dưới dòng chữ “THẺ BẢO HIỂM Y TẾ” trên thẻ.

Xem thêm: 5 nội dung trên Thẻ bảo hiểm y tế mới nhất.
 

Luật Bảo hiểm y tế: Những thông tin đáng quan tâm nhất năm 2018

Nhiều thông tin trên thẻ BHYT đã được thay đổi từ năm 2018 (Ảnh minh họa)


Liên hệ cơ quan nào khi thông tin thẻ BHYT sai?

Thực tiễn cho thấy trường hợp thông tin cá nhân trên thẻ BHYT của chủ thẻ như họ tên, giới tính, ngày sinh, địa chỉ bị sai khá nhiều. Việc này gây bất tiện khi đi khám BHYT, chủ thẻ cần liên hệ ngay với cơ quan BHXH nơi mình đăng ký để được đổi thẻ miễn phí mà không cần khai báo thêm thông tin.

Trường hợp sai với thẻ BHYT đã đủ thời hạn 05 năm liên tục, chủ thẻ cung cấp thêm thông tin về cơ quan đã tiến hành đăng ký BHYT trước đây. Cơ quan BHXH tại đây có trách nhiệm rà soát dữ liệu để cấp lại thẻ đúng cho người tham gia ngay trong ngày làm việc.

Xem thêm: Thẻ BHYT sai thông tin, xử lý thế nào?                 


7. Hướng dẫn tra cứu mã thẻ BHYT

Việc tra cứu thông tin BHYT của người tham gia bảo hiểm được hướng dẫn theo nội dung của Quyết định 595/QĐ-BHXH căn cứ trên những quy định của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành.

Hiện nay, Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cập nhật đầy đủ dữ liệu và tính năng. Người tham gia có thể tìm hiểu đầy đủ các thông tin liên quan đến không chỉ BHYT mà còn toàn bộ quá trình tham gia BHXH của mình:

* Tra cứu quá trình tham gia BHXH:

- Bước 1: Truy cập website Cổng Thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chọn Mục Tra cứu quá trình tham gia BHXH tại góc bên phải màn hình:

Luật Bảo hiểm y tế: Những thông tin đáng quan tâm nhất năm 2018

Giao diện màn hình tra cứu quá trình tham gia BHXH (Ảnh minh họa)

- Bước 2: Điền thông tin theo thẻ BHYT đã đăng ký:

Các thông tin bao gồm:

+ Tỉnh/Thành phố;

+ Cơ quan BHXH;

+ Số CMND

+ Họ tên;

+ Mã số BHXH;

+ Số điện thoại;

+ Mã xác thực.

Sau đó, thực hiện tìm kiếm.

Thông tin trả về cung cấp cho người sử dụng toàn bộ chi tiết quá trình tham gia bảo hiểm từ thời gian, mức đóng, tình trạng, ...

* Tra cứu giá trị sử dụng thẻ BHYT:

Trường hợp người tham gia không nhớ thời hạn sử dụng thẻ BHYT của mình, có thể thực hiện tra cứu trên Cổng Thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo các bước sau:

- Bước 1: Truy cập website Cổng Thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chọn Mục Tra cứu giá trị sử dụng thẻ BHYT tại góc bên phải màn hình:

Luật Bảo hiểm y tế: Những thông tin đáng quan tâm nhất năm 2018

Giao diện màn hình Tra cứu giá trị sử dụng thẻ BHYT (Ảnh minh họa)

- Bước 2: Điền các trường thông tin gắn dấu sao: Mã thẻ BHYT, Họ tên, Ngày sinh, Mã xác thực. Sau đó, click Tra cứu.

Luật Bảo hiểm y tế: Những thông tin đáng quan tâm nhất năm 2018

Bước 2. Điền thông tin tra cứu giá trị sử dụng thẻ BHYT (Ảnh minh họa)

Hoàn thành 2 bước trên, người tra cứu có thể biết chính xác mức hưởng và quyền lợi hưởng BHYT của mình. Chi tiết về khoản thanh toán mà cơ quan BHXH đã trả cho đối tượng tại những lần khám, chữa bệnh trước cũng được hiển thị toàn bộ.

Luật Bảo hiểm y tế: Những thông tin đáng quan tâm nhất năm 2018

Kết quả tra cứu thời hạn sử dụng thẻ BHYT (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, người tham gia cũng có thể thực hiện tra cứu các thông tin Mã số BHXH, cơ quan bảo hiểm, đơn vị tham gia BHXH, tra cứu điểm, đại lý thu BHYT trên Cổng thông tin điện tử này.


8. Thủ tục và mẫu đơn đăng ký BHYT

Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/04/2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn chi tiết trình tự thủ tục tham gia BHYT.

Hồ sơ:

Trường hợp 1: Người tham gia chỉ đăng ký BHYT.

01 Bộ hồ sơ gồm:

- Đối với người chỉ tham gia BHYT:

+ Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS);

+ Đối với người hiến bộ phận cơ thể người, phải kèm theo Giấy ra viện có ghi rõ thông tin về việc hiến nội tạng;

+ Đối với người được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn, phải kèm theo Giấy tờ chứng minh theo quy định tại Phụ lục 03 Quyết định 595/QĐ-BHXH.

- Đối với UBND xã, đơn vị quản lý: Danh sách người tham gia BHYT (Mẫu D03-TS).

Trường hợp 2: Đối với người lao động đăng ký tham gia mới, điều chỉnh đóng BHYT cùng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT.

01 Bộ hồ sơ gồm:

- Đối với người lao động:

+ Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS);

+ Giấy tờ chứng minh được hưởng quyền lợi cao hơn (nếu có);

+ Hợp đồng lao động.

- Đối với đơn vị quản lý:

+ Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS);

+ Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-TS);

+ Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).

Thủ tục:

- Người tham gia BHXH bắt buộc: Nộp hồ sơ, đóng tiền cho đơn vị nơi đang làm việc;

- Người chỉ tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình hoặc được ngân sách Nhà nước hỗ trợ: Nộp hồ sơ, đóng tiền cho Đại lý thu, nhà trường hoặc cơ quan BHXH huyện.

Cũng theo Quyết định 595/QĐ-BHXH, thẻ BHYT cấp mới sẽ được cơ quan BHXH cấp trong vòng 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.


9. Trốn đóng BHYT cho người lao động, doanh nghiệp bị phạt nặng  

Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định rất cụ thể mức xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm về BHYT. Cụ thể, phạt tiền đối với hành vi không đóng BHYT cho toàn bộ số người lao động có trách nhiệm tham gia BHYT của người sử dụng lao động theo một trong các mức sau đây:

- Từ 500.000 đồng đến 01 triệu  đồng, khi vi phạm dưới 10 người lao động;

- Từ 01 triệu đồng đến 05 triệu đồng, khi vi phạm từ 10 đến dưới 50 người lao động;

- Từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng, khi vi phạm từ 50 đến dưới 100 người lao động…

- Từ 20 triệu đồng đến 30 triệu  đồng, khi vi phạm từ 1.000 người lao động trở lên.

Ngoải ra, người vi phạm còn bị áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc hoàn trả chi phí khám, chữa bệnh mà đối tượng tham gia BHYT đã tự chi trả…

Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) đã bổ sung tội danh liên quan đến BHYT, gồm: Tội gian lận BHYT (Điều 215); Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216), theo đó:

- Tội trốn đóng BHYT cho người lao động được cụ thể hóa tại Điều 216 BLHS năm 2015. Hình phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với cá nhân; doanh nghiệp bị phạt tiền lên đến 03 tỷ đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung;

- Tội gian lận BHYT quy định tại Điều 215 Bộ luật Hình sự 2015. Người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 10 năm và kèm theo các hình phạt bổ sung khác như: Phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Trên đây là tổng hợp của LuatVietnam về 08 điểm mới, nổi bật và đáng chú ý của chính sách bảo hiểm y tế mới nhất. Hiện nay, trên hệ thống của LuatVietnam cũng đã cập nhật đầy đủ các văn bản liên quan trong lĩnh vực BẢO HIỂM, quý khách hàng có thể tham khảo thêm tại đây.

Một số mẫu đơn về Bảo hiểm y tế


Xem thêm:

Thế nào là khám bệnh trái tuyến?

Lương cơ sở tăng, mức đóng và hưởng BHYT thay đổi thế nào?

Các trường hợp không được hưởng BHYT 2018

Có được đi khám BHYT vào thứ 7, Chủ nhật?

Lý do thẻ BHYT không còn ghi hạn sử dụng


LuatVietnam

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Lợi dụng hình ảnh “sao" Việt để quảng cáo, có thể bị phạt tù

Lợi dụng hình ảnh “sao

Lợi dụng hình ảnh “sao" Việt để quảng cáo, có thể bị phạt tù

Hoa hậu Việt Nam 2012 Đặng Thu Thảo đã từng rất bức xúc khi bị kẻ xấu lợi dụng hình ảnh quảng cáo một sản phẩm lợi sữa mà mình không hề sử dụng. Không chỉ Hoa hậu mà rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng từng trở thành “nạn nhân” của hành vi này. Theo quy định pháp luật, hành vi lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo sẽ bị xử lý nghiêm.