Lương cơ sở tăng, mức đóng và hưởng BHYT thay đổi thế nào?

Ước tính, mức đóng và mức hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) của hàng chục triệu người sẽ thay đổi khi mức lương cơ sở tăng lên 1,39 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2018 tới đây.

Thực hiện chủ trương của Quốc hội tại Nghị quyết 49/2017/QH14, Chính phủ đã ban hành Nghị định 72/2018/NĐ-CP chính thức tăng lương cơ sở 2018 lên mức 1,39 triệu đồng/tháng từ 1/7/2018, thay cho mức 1,3 triệu đồng/tháng.

Việc điều chỉnh mức lương cơ sở không chỉ kéo theo việc tăng mức trợ cấp thai sản, tăng tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà còn làm ảnh hưởng đến cả mức đóng và hưởng BHYT từ 1/7/2018 của nhiều người.

Tăng tiền đóng BHYT với nhiều đối tượng

Theo Nghị định 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014, mức đóng BHYT hàng tháng của người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; Trẻ em dưới 6 tuổi; Người có công với cách mạng; Người thuộc hộ gia đình cận nghèo… bằng 4,5% mức lương cơ sở.

Như vậy, từ ngày 1/7 tới đây, mức đóng BHYT của các đối tượng nêu trên là 62.550 đồng/tháng, thay cho mức 58.500 đồng/tháng trước đây.

Bên cạnh đó, Nghị định 105/2014/NĐ-CP cũng quy định mức đóng BHYT hàng tháng theo hộ gia đình như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở, người thứ 2, thứ 3 và thứ 4 đóng bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Khi mức lương cơ sở tăng lên 1,39 triệu đồng/tháng thì mức đóng của người thứ nhất trong hộ gia đình là 62.550 đồng/tháng và kéo theo mức đóng của người thứ 2 là 43.750 đồng/tháng; người thứ 3 là 37.530 đồng/tháng, người thứ 4 là 31.275 đồng/tháng và từ người thứ 5 là 25.020 đồng/tháng.

Lương sở tăng, mức đóng và hưởng BHYT thay đổi thế nào?

Lương cơ sở tăng, mức đóng và hưởng BHYT từ 1/7/2018 cũng tăng (Ảnh minh họa)

Tăng mức hưởng BHYT của chủ thẻ BHYT

Theo Nghị định 105/2014/NĐ-CP, người đóng BHYT từ đủ 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh. Do đó, từ 1/7, số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh điều chỉnh tăng từ 7,8 triệu đồng lên 8,34 triệu đồng

Bên cạnh đó, Nghị định trên cũng quy định trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh BHYT thấp hơn 15% mức lương cơ sở thì được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh. Theo đó, từ 1/7, chi phí một lần khám chữa bệnh thấp hơn 208.500 đồng sẽ được thanh toán 100% chi phí.

Theo Thông tư 04/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, đối với vật tư y tế chưa được tính chi phí vào giá của dịch vụ kỹ thuật, khám bệnh, ngày giường điều trị hoặc thu trọn gói theo trường hợp bệnh, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán tổng chi phí cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không vượt quá 45 tháng lương cơ sở. Như vậy, từ 1/7, mức thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế trong trường hợp này là 62,55 triệu đồng, thay vì 58,5 triệu đồng như trước.

Xem thêm:

Thẻ BHYT sai thông tin, xử lý thế nào?

Ký hiệu trên thẻ BHYT giúp nhận biết mức tiền được hưởng

Thẻ bảo hiểm y tế sẽ được gắn chip

Luật Bảo hiểm y tế: Những thông tin đáng quan tâm nhất năm 2018

LuatVietnam

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục