Lợi dụng hình ảnh “sao" Việt để quảng cáo, có thể bị phạt tù

Hoa hậu Việt Nam 2012 Đặng Thu Thảo đã từng rất bức xúc khi bị kẻ xấu lợi dụng hình ảnh quảng cáo một sản phẩm lợi sữa mà mình không hề sử dụng. Không chỉ Hoa hậu mà rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng từng trở thành “nạn nhân” của hành vi này. Theo quy định pháp luật, hành vi lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo sẽ bị xử lý nghiêm.


Hệ lụy khôn lường từ việc lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo

Tháng 03/2017, vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh rất bất ngờ khi hình ảnh của mình bị đem ra quảng cáo… thuốc chữa ngủ ngáy, bài viết còn làm giả lời của nhạc sĩ Anh Quân khi chia sẻ được di truyền bệnh ngủ ngáy từ cha của mình.

Mới đây nhất, tháng 10/2018, hình ảnh Hoa hậu Đặng Thu Thảo cùng con gái mới sinh bị quảng cáo rộng rãi cho sản phẩm ngũ cốc lợi sữa. Kẻ mạo danh “tự soạn” một bài phỏng vấn trực tiếp Hoa hậu với lối dẫn dắt có thể làm người đọc tin tưởng để mua sản phẩm.

Việc quảng cáo mạo danh người nổi tiếng nhằm lợi dụng uy tín, sự nổi tiếng của họ với mục đích lừa đảo bán hàng kém chất lượng hiện nay ngày càng phổ biến hơn. Hàng triệu người tiêu dùng nếu không tìm hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ mặt hàng, chỉ vì yêu thích và tin nhầm là thần tượng của mình đã sử dụng và kiểm chứng sản phẩm rồi mà mua về dùng thì không biết hậu quả sẽ nghiêm trọng đến đâu.

Lợi dụng hình ảnh “sao

Hình ảnh của người nổi tiếng được sử dụng tràn lan để quảng cáo trái phép (Ảnh Internet)


Mức phạt khi sử dụng trái phép hình ảnh người nổi tiếng

Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải được sự đồng ý của người đó và phải trả thù lao cho hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Sử dụng hình ảnh của người khác sai quy định thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Hành vi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý cũng là hành vi bị cấm tại khoản 8 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012.

Cụ thể, tại điểm b khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng khi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý. Đối với cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Biện pháp khắc phục hậu quả lúc này là buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.

Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

Như vậy, pháp luật đã quy định về mức xử phạt đối với hành vi quảng cáo mạo danh người nổi tiếng rất cụ thể. Nếu thấy hình ảnh của mình bị sử dụng không xin phép, gây hậu quả xấu, các nghệ sĩ có thể nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp, xử lý vừa bảo vệ quyền lợi của mình và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.

Xem thêm:

Có được phép quảng cáo trong thang máy?

Khi nào được dùng từ “nhất”, “số 1” trong quảng cáo?

Treo biển quảng cáo thế nào để không bị phạt?

Quảng cáo trên tivi: Chiếu quá 5 phút, phạt trăm triệu đồng

Luật Quảng cáo: Tổng hợp những nội dung đáng chú ý nhất 2019

LuatVietnam

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục