Ước tính, Việt Nam có gần 60% người trưởng thành sử dụng tài khoản ngân hàng. Hiện nay thẻ ngân hàng, đặc biệt là thẻ tín dụng được sử dụng phổ biến như một phương tiện thanh toán không cần tiền mặt. Tuy nhiên, chính điều này lại ẩn chứa nhiều rủi ro.
Nhiều vụ việc thông tin thẻ tín dụng bị phát tán
Một trong những thông tin đang khiến rất nhiều người dùng thẻ ngân hàng lo lắng là việc 31.000 giao dịch thẻ ngân hàng tại Việt Nam đã bị tung lên mạng vào ngày 6/11/2018, trong đó có thông tin về số thẻ tín dụng (đã che mờ 06 chữ số ở giữa), ngày giờ giao dịch, số tiền giao dịch và một số thông tin khác. Những thông tin này được cho là của các khách hàng đã từng thực hiện giao dịch thanh toán bằng thẻ tín dụng tại một trung tâm điện máy.
Đến tối ngày 07/11/2018, 16 chữ số trên thẻ tín dụng của 31.000 giao dịch nêu trên đã bị hacker phát tán hoàn toàn trên internet. Các chuyên gia tài chính khẳng định rằng, để lấy được tiền từ thẻ, hacker cần có thêm thông tin về ngày hết hạn của thẻ. Mặc dù vậy, việc lộ gần như toàn bộ thông tin của hàng vạn thẻ tín dụng đang khiến những người dùng thẻ như ngồi trên đống lửa.
Thực tế, những vụ việc lộ thông tin thẻ tín dụng của khách hàng không hề hiếm gặp. Trước đó, vào đầu năm 2018, cũng đã xảy ra sự việc một trang web chuyên cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến được cho là đã làm lộ số thẻ tín dụng của khách hàng…
31.000 thông tin thẻ ngân hàng đã bị phát tán vào ngày 06/11/2018 (Ảnh Vnexpress)
Người dùng thẻ nên tự bảo vệ mình như thế nào?
Theo Thông tư 19/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng (tổ chức phát hành thẻ) phải có nghĩa vụ bảo mật thông liên quan đến hoạt động thẻ; thực hiện đầy đủ các quy trình kỹ thuật nghiệp vụ để bảo mật thông tin chủ thẻ. Thế nhưng trong nhiều trường hợp, rủi ro có thể đến từ các đơn vị bán hàng, cung cấp dịch vụ hoặc đến từ các hacker…
Để tránh rủi ro bị mất tiền khi lộ thông tin thẻ ngân hàng, người dùng thẻ nên biết cách để tự bảo vệ mình. Cần làm gì để không bị lộ thông tin thẻ ngân hàng? Lời khuyên của các chuyên gia tài chính như sau:
- Tuyệt đối không cung cấp thông tin về thẻ như số thẻ, ngày hết hạn, ba số phía sau thẻ… cho bất kỳ ai và ở bất kỳ đâu. Đồng thời, người dùng luôn cần phải giữ thẻ ở bên mình.
- Khi dùng thẻ để thanh toán mua hàng tại siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại, nhà hàng…, luôn theo dõi mọi thao tác của nhân viên thanh toán để tránh trường hợp thông tin của thẻ có thể bị sao chụp lại.
- Không truy cập vào đường link được gửi qua tin nhắn, email, mạng xã hội… để thực hiện vào các giao dịch thanh toán; chỉ thực hiện giao dịch chuyển tiền, thanh toán qua website chính thức của ngân hàng hoặc các website có biểu tượng Verified by Visa và/ hoặc MasterCard SecureCode.
- Cần đăng ký dịch vụ tin nhắn thông báo thay đổi số dư tự động của ngân hàng để giám sát chặt chẽ mọi biến động trên tài khoản thẻ;
- Không đặt mật khẩu quá ngắn và quá dễ đoán. Để tránh bị quên mật khẩu, người đặt mật khẩu là dãy số/kí tự đơn giản, dễ đoán, điều này cũng có thể làm tăng nguy cơ bị lộ thông tin thẻ…
Ngoài ra, trong trường hợp bị mất thẻ hoặc có nghi ngờ bị lộ thông tin thẻ, theo Điều 19 của Thông tư 19/2016/TT-NHNN, người dùng thẻ phải thông báo ngay cho ngân hàng. Sau đó, ngân hàng phải thực hiện ngay việc khóa thẻ và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra.
Xem thêm:
Dùng 1 chiếc thẻ ATM phải chịu bao nhiêu loại phí?
2 năm nữa, chuyển toàn bộ thẻ ATM sang thẻ chip?
Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo không mở hộ tài khoản ngân hàng
LuatVietnam