Ủy quyền xử lý kỷ luật lao động - những điều cần biết

Xử lý kỷ luật lao động là một trong những phương thức tốt nhất để người sử dụng lao động quản lý, duy trì nề nếp, trật tự trong nội bộ doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý khi ủy quyền xử lý kỷ luật lao động.

Nguyên tắc xử lý kỷ luật lao động

Tránh việc chủ sử dụng lạm dụng kỷ luật lao động để chèn ép người lao động, pháp luật đặt ra 05 nguyên tắc khi xử lý kỷ luật lao động:

- Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động và đảm bảo cho người lao động được quyền bào chữa;

- Không áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm;

- Khi có nhiều hành vi vi phạm thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất;

- Không xử lý kỷ luật đối với người lao động đang trong thời gian:

+ Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;

+ Tạm giữ, tạm giam;

+ Chờ kết quả điều tra và kết luận đối với hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý tại nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động,…

+ Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

- Không xử lý người lao động vi phạm kỷ luật khi mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi.

(Điều 123 Bộ luật Lao động 2012)

Ủy quyền xử lý kỷ luật lao động

Lưu ý khi ủy quyền xử lý kỷ luật lao động (Ảnh minh họa)

Thời gian xử lý kỷ luật lao động

Để khắc phục và xử lý kịp thời sai phạm, tối đa 06 tháng, kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm, người sử dụng lao động được xử lý kỷ luật người lao động.

Trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời gian này sẽ được kéo dài đến 12 tháng.

(Điều 124 Bộ luật Lao động 2012)

Ủy quyền xử lý kỷ luật lao động

Theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP, người giao kết hợp đồng lao động sẽ là người có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động.

Đối với trường hợp ủy quyền giao kết hợp đồng, theo khoản 4 Điều 12 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH, người được ủy quyền chỉ được triệu tập và chủ trì cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, đồng thời, được ra quyết định xử lý kỷ luật theo hình thức khiển trách.

Còn các hình thức xử lý kỷ luật khác thì sau khi kết thúc cuộc họp, người được ủy quyền giao kết hợp đồng có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ, đề nghị người sử dụng lao động xem xét, ra quyết định và tổ chức thực hiện theo quyết định được ban hành.

Để xử lý nghiêm minh và răn đe có hiệu quả, tránh trường hợp người lao động tái phạm, người sử dụng lao động nên lưu ý kỹ những vấn đề nêu trên. Ngoài ra, để hiểu rõ hơn về vấn để kỷ luật lao động, độc giả có thể tìm hiểu tại đây.

Thùy Linh

 

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục