Với mục đích bảo vệ sức khỏe cho lao động nữ, pháp luật tạo cơ hội để lao động nữ được nghỉ ngơi trong những ngày “đèn đỏ”. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách tận dụng chút thời gian quý báu này.
Thời gian hành kinh: nghỉ 30 phút/ngày
Trong những ngày hành kinh hay những ngày "đèn đỏ", cơ thể phụ nữ dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, khó chịu do phải chịu những cơn đau bụng, đau lưng,… Để bảo vệ sức khỏe của lao động nữ trong những ngày này, Điều 7 Nghị định 85/2015/NĐ-CP nêu rõ:
- Lao động nữ được nghỉ hành kinh mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trong một tháng;
- Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
- Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi lao động và nhu cầu của lao động nữ.
Chính vì vậy, nghỉ 30 phút/ngày trong những ngày “đèn đỏ” là quyền của lao động nữ nhưng đồng thời cũng là nghĩa vụ của người sử dụng lao động.
Không cho nghỉ hành kinh, doanh nghiệp có thể bị phạt
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 18 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp có thể bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu không cho lao động nữ nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian hành kinh.
Số tiền này có thể là ít so với quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp, tuy nhiên, với doanh nghiệp có nhiều lao động nữ thì số tiền bị phạt khi không thực hiện nghĩa vụ này không phải là con số nhỏ.
Do đó, đảm bảo để lao động nữ được nghỉ là cách tốt nhất để doanh nghiệp duy trì được chất lượng lao động cũng như tránh mất một khoản tiền không đáng.
Cách nghỉ hành kinh nào không bị ngại? (Ảnh minh họa)
Cách để đôi bên đều được lợi
Trong những ngày “đèn đỏ”, năng suất làm việc của nhiều chị em chỉ còn 70 - 80%, ít nhiều ảnh hưởng tới công việc chung. Chính vì vậy, với mục đích “xốc” lại tinh thần, các doanh nghiệp cần tạo môi trường làm việc thoải mái và thông cảm, thấu hiểu hơn để lao động nữ không thấy ái ngại khi chia sẻ những điều tế nhị.
Có nhiều cách để lao động nữ thông báo cho người sử dụng lao động về thời gian này. Sau đây là một số gợi ý:
Cách 1. Xin phép trực tiếp
Nhiều người cho rằng đây là chuyện tế nhị, nói ra thì vô duyên, nhưng suy cho cùng, đó là chu trình trong hoạt động của cơ thể con người, là chủ đề bình thường. Do vậy, cả lao động nữ và cấp trên (kể cả là nam) nên xóa bỏ sự ngại ngùng này.
Hàng tháng, nữ nhân viên có thể trực tiếp xin phép sếp của mình với thời gian nghỉ 30 phút và không cần giải thích. Trường hợp sếp là nam và vẫn cảm thấy khó nói thì có thể nhắn tin hoặc báo với bộ phận chấm công hay bộ phận nhân sự. Cách làm này vừa tế nhị lại không ảnh hưởng đến cấp trên.
Cách 2. Viết đơn xin nghỉ
Xóa bỏ tâm lý e ngại là điều nên làm, tuy nhiên, trong trường hợp không thể xin phép trực tiếp, người lao động có thể viết đơn xin phép “nghỉ 30 phút”. Chắc hẳn khi đọc đến lá đơn này, ai cũng hiểu được lý do, dù sếp là nam và còn độc thân.
Để được chấp thuận, trong đơn, người lao động nên ghi rõ khoảng thời gian xin nghỉ, đồng thời, nên cam kết thời gian nghỉ là chính xác, tránh tình trạng nói dối hoặc cố tình xin nghỉ để được về sớm.
Ví dụ:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------- oOo ---------
ĐƠN XIN PHÉP
Nghỉ 30 phút
Kính gửi: - Giám đốc Công ty ABC;
- Quản đốc Tổ dệt/Công ty ABC.
Tên tôi là: Nguyễn Thị A
Sinh ngày: 08/08/19xx
Hiện đang công tác tại: Dây chuyền 2 - Tổ Dệt - Công ty ABC
Tôi xin phép được nghỉ 30 phút trong 03 ngày: Từ ngày 26/3/2019 đến ngày 28/3/2019.
Lý do xin nghỉ: Những ngày này là khoảng thời gian tôi hành kinh theo khoản 5 Điều 155 Bộ luật Lao động.
Tôi xin cam kết thời gian nghỉ trên là chính xác. Rất mong Giám đốc cùng các cơ quan xem xét chấp thuận.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
XXXX, ngày 26 tháng 3 năm 2019
Người làm đơn
(Ký, ghi rõ họ tên)
Nguyễn Thị A
Cách 3. Đăng ký ngày nghỉ
Đây là cách tốt nhất vừa tiện cho lao động nữ, vừa giúp doanh nghiệp có thể quản lý được ngày nghỉ của nhân viên. Bằng việc đăng ký vào sổ ngày nghỉ, lao động nữ có thể ghi rõ thời gian nghỉ và lý do xin nghỉ mà không phải e ngại bất cứ ai.
Cuối tháng, bộ phận chấm công của doanh nghiệp có thể căn cứ vào đây để đánh giá mức độ chuyên cần cũng như có thể so sánh giữa các tháng để theo dõi tính trung thực, sự tự giác của nhân viên.
Thông thường, các doanh nghiệp thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ dựa trên sự tin tưởng. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp lo sợ lao động nữ sẽ lạm dụng hoặc thậm chí nói dối để được nghỉ hành kinh? Vậy thì cách tốt nhất để quản lý là đánh vào túi tiền của người lao động thông qua việc đánh giá chuyên cần. Rõ ràng, nếu nghỉ nhiều thì người lao động sẽ không có thưởng.
Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp nên có bộ phận quản lý chuyên sâu thực hiện việc giám sát này, đơn cử là bộ phận chấm công, tổ trưởng của các tổ nhóm,…. Những người này nên là nữ để tiện trong việc theo dõi tình hình sức khỏe của chị em, điều tiết việc nghỉ ngơi, tổ chức và sắp xếp công việc phù hợp, hiệu quả.
Thùy Linh