Mỗi doanh nghiệp đều cần thiết phải có kỷ luật lao động để hoạt động hiệu quả, hướng mục đích của từng người lao động vào một mục đích chung. Với những người vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng mà người lao động phải chịu một hình thức xử lý kỷ luật lao động thích đáng.
Kỷ luật lao động giành cho ai?
Theo Điều 118 Bộ luật Lao động 2012, kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh trong nội quy lao động.
Mọi người lao động đều có nghĩa vụ phải chấp hành nội quy lao động. Người nào không chấp hành, chấp hành không nghiêm túc sẽ bị xử lý kỷ luật.
Các hình thức xử lý kỷ luật lao động (Ảnh minh họa)
Các hình thức xử lý kỷ luật lao động
Điều 125 Bộ luật Lao động 2012 quy định 03 nhóm hình thức xử lý kỷ luật lao động mà người sử dụng lao động có thể áp dụng. Ngoài các hình thức này, người sử dụng lao động không được áp dụng bất cứ hình thức xử lý kỷ luật nào khác.
1 - Khiển trách
Đây là hình thức kỷ luật nhẹ nhất đối với người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động. Việc hành vi nào áp dụng hình thức khiển trách do người sử dụng lao động quy định trong nội quy lao động.
Ví dụ: Ăn mặc sai quy định; Hút thuốc lá tại nơi cấm hút;…
2 - Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức
Đây là hai hình thức kỷ luật riêng biệt, người sử dụng lao động được lựa chọn để áp dụng cho phù hợp.
Thông thường, “cách chức” được áp dụng khi người lao động đang giữ một chức vụ nhất định. Song không phải bất cứ vi phạm nào họ đều bị cách chức, bởi hành vi vi phạm đó có thể không ảnh hưởng đến phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý của người vi phạm.
Ví dụ: Nội quy lao động quy định “Người nào đi muộn quá 30 phút thì bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng hoặc cách chức”. Anh A là Trưởng phòng Hành chính, đi muộn 30 phút do hỏng xe. Doanh nghiệp có thể xử lý kỷ luật anh A bằng việc kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng thay vì cách chức.
Hình thức xử lý kỷ luật lao động nào nặng nhất? (Ảnh minh họa)
3 - Sa thải
Đây là hình thức xử lý kỷ luật nặng nhất được áp dụng với hành vi vi phạm nghiêm trọng.
Tránh việc lạm quyền của người sử dụng lao động cũng như để bảo vệ người lao động, pháp luật định ra 3 nhóm hành vi mà người lao động phải chịu hình thức kỷ luật sa thải tại Điều 126 Bộ luật Lao động 2012:
- Nhóm 1:
+ Trộm cắp;
+ Tham ô;
+ Đánh bạc;
+ Cố ý gây thương tích;
+ Sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc;
+ Tiết lộ bí mật kinh doanh, công nghệ;
+ Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;
+ Gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động.
- Nhóm 2:
+ Bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật;
+ Bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.
Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật.
- Nhóm 3:
Tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng trong thời gian quy định tại Nghị định 148/2018/NĐ-CP:
+ 05 ngày làm việc cộng dồn trong 01 tháng (30 ngày), kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc;
+ 20 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm (365 ngày), kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc.
Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng theo Điều 13 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH bao gồm:
+ Thiên tai, hỏa hoạn dù đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể có mặt để làm việc;
+ Bản thân, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp, đứa trẻ mà người lao động mang thai hộ đang nuôi bị ốm có giấy xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền;
+ Các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.
Tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm mà người sử dụng lao động quyết định hình thức xử lý kỷ luật cho phù hợp, đảm bảo tính răn đe và tinh thần nhân văn của quan hệ lao động.
Xem thêm:
Mách nước doanh nghiệp để xử lý kỷ luật lao động được suôn sẻ
Nghỉ làm không phép mấy ngày bị sa thải?
Thùy Linh