Ai có quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động?

Xử lý kỷ luật là một trong những phương pháp giúp doanh nghiệp duy trì nề nếp, nâng cao hiệu quả hoạt động. Để tránh bị khiếu nại, khiếu kiện thì buộc quyết định xử lý kỷ luật phải được ban hành bởi người có thẩm quyền.

Khi nào doanh nghiệp được kỷ luật người lao động?

Theo Bộ luật Lao động năm 2012, người sử dụng lao động chỉ được kỷ luật người lao động khi chứng minh được lỗi của người đó và trong thời gian 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm hoặc 12 tháng nếu hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của người sử dụng lao động.

Đặc biệt lưu ý, doanh nghiệp không được xử lý kỷ luật đối với người lao động có hành vi vi phạm không quy định trong nội quy lao động.

Đồng thời, doanh nghiệp chỉ được áp dụng một trong 04 hình thức xử lý kỷ luật với 01 hành vi vi phạm: khiển trách; kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức hoặc sa thải.

Trường hợp có nhiều hành vi vi phạm thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.

Xem chi tiết trình tự xử lý kỷ luật lao động tại đây.

Ngoài ra, không xử lý kỷ luật với người lao động đang trong thời gian:

- Nghỉ ốm đau, điều dưỡng;

- Nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;

- Đang bị tạm giữ, tạm giam;

- Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm có khả năng bị kỷ luật sa thải;

- Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản;

- Người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi;

- Mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình mà vi phạm kỷ luật.

Thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động

Ai có quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động? (Ảnh minh họa)

Thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động

Khoản 12 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP quy định: Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động.

Cụ thể đây là:

- Người đại diện theo pháp luật quy định tại điều lệ của doanh nghiệp, hợp tác xã (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng Giám đốc…);

- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức có tư cách pháp nhân;

- Người được các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân ủy quyền làm người đại diện;

- Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động;

- Người được người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức ủy quyền bằng văn bản về việc giao kết hợp đồng lao động.

Việc xử lý kỷ luật lao động có thể ảnh hưởng tới thu nhập, thậm chí là việc làm của người lao động. Chính vì vậy, để tránh bị khiếu nại, khiếu kiện cũng như để răn đe những lao động khác trong doanh nghiệp, người sử dụng lao động phải tuyệt đối tuân thủ thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong xử lý kỷ luật lao động.

>> Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật lao động nào cho đúng?

Thùy Linh

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục