Trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội ngày một gia tăng. Vậy pháp luật hiện hành đã có những chế tài nào nhằm ngăn chặn tình trạng này để bảo vệ người lao động?
Trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động (Ảnh minh họa)
Nhẹ - xử phạt vi phạm hành chính
Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP phân định 03 mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo đó:
Mức 1: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với doanh nghiệp không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
Mức 2: Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có một trong các hành vi:
- Chậm đóng;
- Đóng không đúng mức quy định;
- Đóng không đủ số người thuộc diện tham gia.
Mức 3: Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với doanh nghiệp không đóng cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia.
Bên cạnh việc bị phạt tiền, doanh nghiệp còn buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả bằng việc:
(1) Truy nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng;
(2) Đóng số tiền lãi của số tiền chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với hành vi vi phạm tương xứng mức phạt (2) và (3) nêu trên.
Xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội (Ảnh minh họa)
Nặng - truy cứu trách nhiệm hình sự
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà cá nhân, doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội trốn đóng sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 với các mức từ thấp đến cao, cụ thể:
* Đối với người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội
(1) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với hành vi gian dối hoặc thủ đoạn khác để không đóng/không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên, thuộc một trong những trường hợp sau, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm:
a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
(2) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm, khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;
d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 nêu trên.
(3) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, nếu phạm một trong các tội:
a) Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;
c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 nêu trên.
(4) Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
* Đối với doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội
- Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 nêu trên;
- Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 nêu trên;
- Phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 nêu trên.
Dù do nguyên nhân chủ quan hay khách quan để dẫn đến tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội thì cá nhân hay doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng đều sẽ bị pháp luật xử lý thích đáng.
Xem thêm:
Không đóng BHXH, cả người lao động và doanh nghiệp đều bị phạt
Các khoản thu nhập không tính đóng BHXH bắt buộc năm 2019
Có được cấp lại sổ BHXH khi đã mất?
Thùy Linh