Năm 2019, 3 điều cần lưu ý khi công chứng tại nhà

Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở tổ chức hành nghề thường được gọi là công chứng ngoài hay công chứng tại nhà. Tuy nhiên, công chứng tại nhà cần lưu ý những điều sau đây:

Các trường hợp được công chứng tại nhà

Điều 44 Luật Công chứng 2014 nêu rõ, việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Trừ trường hợp:

- Người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được;

- Người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù;

- Có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở tổ chức hành nghề công chứng.

Như vậy, có 3 trường hợp được công chứng ngoài trụ sở, việc này giúp giảm bớt thời gian đi lại cho khách hàng, đáp ứng nhu cầu của người yêu cầu công chứng.

Người yêu cầu công chứng phải ghi rõ: Lý do, địa điểm, thời gian yêu cầu công chứng vào Phiếu yêu cầu công chứng.

Công chứng ngoài trụ sở không đúng quy định nêu trên sẽ bị phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng (khoản 1 Điều 14 Nghị định 110/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2015/NĐ-CP)

Năm 2019, 3 điều cần lưu ý khi công chứng tại nhà

3 lưu ý khi công chứng tại nhà (Ảnh minh họa)

Công chứng viên phải chứng kiến việc ký văn bản

Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên (Điều 48 Luật Công chứng 2014)

Quy định là vậy nhưng thực tế cho thấy, khi công chứng tại nhà, không hiếm trường hợp công chứng viên không phải là người chứng kiến việc ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng, thường là thư ký công chứng viên - người mang hồ sơ cho khách ký và chứng kiến việc ký, điểm chỉ này.

Theo điểm d khoản 2 Điều 14 Nghị định 110/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2015/NĐ-CP, phạt tiền từ 3 - 7 triệu đồng đối với công chứng viên không chứng kiến việc người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch ký hoặc điểm chỉ vào hợp đồng, giao dịch.

Không bắt buộc phải điểm chỉ

Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký.

Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng ngón trỏ phải. Nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái. Trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác, ghi rõ việc điểm chỉ bằng ngón nào, của bàn tay nào.

Việc điểm chỉ cũng có thể thực hiện đồng thời với việc ký trong các trường hợp sau:

- Công chứng di chúc;

- Người yêu cầu công chứng đề nghị;

- Công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.

Do đó, việc điểm chỉ là không bắt buộc, song đa phần các công chứng viên đều đề nghị người yêu cầu công chứng thực hiện đồng thời việc ký và điểm chỉ vào văn bản công chứng.

Xem thêm:

Phân biệt công chứng và chứng thực

Luật Công chứng: 8 điểm đáng chú ý nhất năm 2018

Hậu Nguyễn

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục