Lãi suất cho vay của các công ty tài chính là một trong những chủ đề gây nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây. Vậy pháp luật quy định lãi suất của các công ty tài chính là bao nhiêu?
Quy định của pháp luật về lãi suất của các công ty tài chính
Theo Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất cho vay không được vượt quá 20%/năm. Tuy nhiên, các công ty tài chính lại không được điều chỉnh bởi Bộ Luật Dân sự như thông thường, mà được điều chính bởi các luật chuyên ngành.
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 9 Thông tư 43/2016/TT-NHNN, lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính được thực hiện theo quy định của Ngân hàng nhà nước về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng.
Trong đó, tại Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định:
Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng…
Như vậy, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể mức lãi suất trần và mức lãi suất tối đa đối với hình thức vay tiêu dùng của các công ty tài chính.
Tuy nhiên, lãi suất do các công ty tài chính tự điều chỉnh phải được Ngân hàng Nhà nước thông qua và cho phép áp dụng.
Vay tiền qua công ty tài chính: Cẩn thận với lãi suất “cắt cổ”
Thực tế cho thấy, dịch vụ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tại Việt Nam hiện nay đang áp dụng mức lãi suất mức trung bình khoảng từ 20 - 50%/năm, cao hơn rất nhiều so với lãi suất vay ngân hàng.
Ngoài ra, các điều khoản trong hợp đồng vay tiền của các công ty tài chính cũng có nhiều điểm bất lợi cho người vay như: tính lãi suất theo số dư nợ gốc, lãi suất có thể thay đổi tùy vào hồ sơ vay và lịch sử tín dụng từng khách hàng, phí chậm trả cao…
Theo đó, nếu trả tiền không đúng hạn, người vay sẽ phải chịu lãi suất chậm trả rất cao. Chỉ cần trả chậm một vài ngày, số tiền phải trả có thể còn cao hơn nhiều lần số tiền vay ban đầu, trả càng chậm thì phí phạt càng cao.
Cần làm gì để tự bảo vệ bản thân khi vay tiền công ty tài chính?
Trước khi quyết định ký kết hợp đồng vay tiền qua công ty tài chính, người vay cần tìm hiểu thật rõ ràng về lãi suất, phí chậm trả và các điều khoản cam kết.
Đồng thời, cân nhắc kỹ về số tiền vay và khả năng tài chính của bản thân, không nên đăng ký khoản vay quá khả năng chi trả.
Quan trọng hơn, người vay cần thực hiện nghiêm túc hợp đồng, trả nợ đúng hạn theo hợp đồng đã ký.
Nếu cố tình trả chậm hoặc bùng tiền, khách hàng cũng như người thân của họ sẽ bị công ty tài chính liên tục nhắn tin, gọi điện để nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ. Ngoài ra, người vay còn bị đánh giá là có nợ xấu, gây khó khăn cho các khoản vay sau này.Trên đây là một số thông tin về: Lãi suất của các công ty tài chính là bao nhiêu? Nếu có thắc mắc khác về lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
>> Không trả được nợ cho công ty tài chính do Covid-19, cần làm gì?