Dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người đã tìm đến giải pháp vay tiền của các công ty tài chính để giải quyết khó khăn trước mắt. Thế nhưng, cũng chính vì thế mà đã phải nhận “trái đắng”.
1. Lãi suất cho vay của công ty tài chính
Lãi suất cho vay của các công ty tài chính đến nay vẫn là một vấn đề gây tranh cãi khi rất nhiều công ty tài chính cho vay với mức lãi suất cao, nhưng vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ mà không hề bị pháp luật xử lý.
Vậy thực chất thì lãi suất mà các công ty này được phép áp dụng là bao nhiêu? Theo Bộ luật Dân sự, lãi suất cho vay không được vượt quá 20%/năm. Thế nhưng, riêng với các tổ chức tín dụng, Thông tư 39 năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại quy định tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng.
Theo đó, các công ty tài chính đang áp dụng triệt để quy định cởi mở này. Thực tế, mức lãi suất các công ty này đang áp dụng cao hơn rất nhiều so với ngân hàng, ví dụ như công ty tài chính FE Credit, công ty này công khai mức lãi suất là 2,59% - 7.08%/tháng
Do đó, người vay tiền cần phải tìm hiểu kỹ mức lãi suất của công ty tài chính có nằm trong khả năng trả nợ của mình hay không, trước khi đặt bút ký hợp đồng vay.
2. Trường hợp liên tục bị gọi điện, nhắn tin làm phiền
Nhiều người vay tiền công ty tài chính sau đó phải “cạch đến già” không những vì lãi suất quá cao, mà còn vì các cuộc điện thoại bất kể ngày đêm của các công ty này.
Theo quy định của Thông tư 43/2016, được sửa đổi bởi Thông tư 18/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, công ty tài chính chỉ được gọi điện, nhắn tin nhắc nợ khách hàng tối đa 05 lần/ngày và phải trong khoảng thời gian từ 7h sáng đến 21 giờ. Đồng thời, không được dùng biện pháp đe dọa khách hàng để đòi nợ.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các công ty tài chính không được gọi điện cho người thân của khách hàng để nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ.
Như vậy, người vay cần biết những quy định trên để “đáp trả” lại công ty tài chính nếu như mình và người thân của mình bị gọi điện, nhắn tin làm phiền quá nhiều.
3. Trường hợp “bùng nợ” của các công ty tài chính
Trên Facebook, rất nhiều hội nhóm có tên “Hội Bùng nợ của các app vay tiền được ra đời. Trong các hội nhóm này, thành viên hào hứng chia sẻ với nhau những cách vay tiền của công ty tài chính rồi trốn nợ.
Hợp đồng vay giữa công ty tài chính với khách hàng là một hợp đồng dân sự.
Trong trường hợp người vay thật sự không có điều kiện trả nợ thì có thể bị khởi kiện ra Tòa án dân sự và phải đóng án phí. Sau khi thua kiện, trường hợp vẫn không trả được nợ thì công ty tài chính sẽ yêu cầu thi hành án.
4. Trường hợp bị đăng ảnh lên mạng, xúc phạm, vu khống
Để truy tìm và buộc khách hàng trả nợ, nhiều nhân viên của công ty tài chính đã đòi nợ bằng cách dùng những lời lẽ đe dọa, xúc phạm, bôi nhọ, thậm chí là vu khống khách hàng trên mạng.
Đây là một hành vi vi phạm pháp luật. Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi này sẽ bị xử phạt đến 20 triệu đồng, thậm chí bị xử lý về Tội làm nhục người khác hay tội vu khống theo Bộ luật Hình sự 2015.
Như vậy, nếu bị đăng ảnh trên Facebook, bị xúc phạm danh dự hoặc vu khống, người vay hoàn toàn có quyền yêu cầu công ty tài chính gỡ bỏ những hình ảnh đó và tố cáo tới cơ quan công an để xử lý vi phạm theo quy định.
5. Đừng tự biến mình thành nợ xấu
Lãi suất chậm trả của các công ty tài chính ở mức rất cao. Do đó, người vay chỉ cần chậm trả một vài ngày, số tiền phải trả cao hơn nhiều lần số tiền vay ban đầu.
Ngoài ra, trong trường hợp này, người vay còn đang tạo ra nợ xấu. Từ đó, sẽ rất khó để có thể làm thủ tục vay tiền từ bất cứ công ty, tổ chức nào khác trong tương lai.
Vì vậy, hãy xem xét kỹ về khả năng trả nợ của mình trước khi quyết định vay tiền của công ty tài chính.
Việc vay tiền các công ty tài chính có ưu điểm nổi trội là giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản, nhưng điều quan trọng hơn với người vay là nên lựa chọn một tổ chức uy tín để vay tiền với lãi suất phù hợp, không đòi nợ theo phong cách xã hội đen.
Nếu đang có thắc mắc liên quan đến việc vay tiền các công ty tài chính, bạn đọc có thể liên hệ với LuatVietnam thông qua số tổng đài: 1900.6192.
>> Vay FE credit không trả có làm sao không?