Dịp 08/3: Điểm lại 11 quyền lợi dành riêng cho lao động nữ

Theo thống kê, lao động nữ là một trong những bộ phận có số lượng khá cao trên thị trường lao động, đóng góp nhiều vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Cùng điểm lại quyền lợi dành riêng cho lao động nữ nhân ngày 08/3.

quyen loi cho lao dong nu

1. Được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 năm/lần

Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 quy định, hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động.

Cùng với đó, khoản 1 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng nêu rõ, khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành tại phụ lục Thông tư 32/2023/TT-BYT.


2. Trong thời gian hành kinh được nghỉ 30 phút/ngày

Theo quy định tại khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tính vào giờ làm việc và hưởng đủ lương theo hợp đồng lao động.

Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận nhưng tối thiểu là 03 ngày làm việc/tháng.

Trường hợp không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý thì người lao động sẽ được trả thêm tiền lương tương ứng với thời gian được nghỉ mà vẫn làm việc.

Nếu không cho lao động nữ nghỉ trong thời gian hành kinh nghỉ, người sử dụng lao động sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng (theo điểm d khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).


3. Nuôi con dưới 12 tháng được nghỉ 60 phút/ngày

Khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Nếu không cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ, người sử dụng lao động sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng (theo điểm đ khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).


4. Được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi mang thai

Theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật Lao động 45/2019/QH14, lao động nữ mang thai nếu tiếp tục làm việc mà có ảnh hưởng xấu tới thai nhi và có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh thì có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Trường hợp này vẫn được coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng hợp pháp dù không đảm bảo thời gian báo trước theo quy định của pháp luật.


5. Được tạm hoãn hợp đồng lao động khi mang thai

Điều 138 Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép lao động nữ mang thai mà có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi, được quyền tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Khi tạm hoãn hợp đồng, lao động nữ mang thai phải thông báo cho người sử dụng kèm theo xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh. 


6. Không bị xử lý kỷ luật khi mang thai và nuôi con nhỏ

Căn cứ điểm d khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật đối với người lao động đang trong thời gian mang thai; nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Do đó, nếu vi phạm nội quy lao động trong thời gian mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người lao động sẽ không bị xử lý kỷ luật.

Tuy nhiên, hết thời gian mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng thì lao động nữ vẫn có thể bị xử lý kỷ luật do thời hiệu xử lý kỷ luật lao động có thể kéo dài.

quyen loi cho lao dong nu 2


7. Sa thải phụ nữ mang thai có thể bị phạt đến 3 năm tù 

Theo Điều 162 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), nếu sa thải trái pháp luật đối với phụ nữ mang thai, người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người sử dụng lao động là cá nhân có thể bị phạt tiền từ 100 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 - 03 năm.


8. Không bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do mang thai

Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019 nghiêm cấm người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng với lao động nữ vì lý do có thai, người sử dụng lao động có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng (theo điểm i khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP). 


9. Không phải làm đêm, làm thêm, đi công tác xa khi mang thai

Theo khoản 1 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 (nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo) sẽ không phải làm việc bân đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa.

Tuy nhiên, nếu người lao động đồng ý thì người sử dụng lao động vẫn được được sử dụng người lao nữ mang thai làm đêm, làm thêm giờ, đi công tác xa.


10. Bình đẳng với lao động nam về lương, thưởng, thăng tiến

Theo khoản 1 Điều 78 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người sử dụng lao động có trách nhiệm:

- Thực hiện quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam;

- Thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, thăng tiến, trả công lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ốm đau, thai sản, các chế độ phúc lợi khác về vật chất và tinh thần. 


11. Được hưởng chế độ thai sản

Theo quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 58/2014/QH13, trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày. Trường hợp ở xa cơ sở khám, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.

Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc tối đa 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi; 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi; 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi; 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên

(theo Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014).

Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng (theo Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Trên đây là thông tin về 11 quyền lợi cho lao động nữ nhân ngày 08/3 năm nay. Nếu còn thắc mắc, hãy nhấc máy gọi ngay đến tổng đài 19006192 của chúng tôi để được giải đáp chi tiết.
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mẫu Công văn hỏi đáp gửi Chi cục Thuế chuẩn nhất 2024

Mẫu Công văn hỏi đáp gửi Chi cục Thuế chuẩn nhất 2024

Mẫu Công văn hỏi đáp gửi Chi cục Thuế chuẩn nhất 2024

Khi có khúc mắc trong về thuế, doanh nghiệp có thể gửi Công văn hỏi đáp gửi Chi cục Thuế quản lý để được hướng dẫn giải quyết theo quy định của pháp luật. Mời bạn đọc tải ngay mẫu Công văn hỏi đáp gửi Chi cục Thuế được nhiều người sử dụng nhất tại bài viết này.