Lao động nữ được nghỉ 30 phút ngày “đèn đỏ” là một trong trong quy định thể hiện chính sách bảo vệ quyền lợi của lao động nữ. Không thực hiện quy định này, doanh nghiệp có thể sẽ bị phạt.
Ngày "đèn đỏ", lao động nữ được nghỉ 30 phút/ngày
Trong những ngày "đèn đỏ", cơ thể phụ nữ sẽ rơi vào tình trạng mệt mỏi và dễ nhiễm bệnh hơn. Đồng thời, phụ nữ sẽ phải chịu những cơn đau bụng, đau lưng, đau đầu dữ dội do sự thay đổi nội tiết tố… Do đó, để bảo vệ sức khỏe của phụ nữ trong những ngày này, Bộ luật Lao động cũng quy định: Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút (khoản 5 Điều 155).
Nội dung này tiếp tục được Chính phủ hướng dẫn tại Nghị định 85/2015/NĐ-CP như sau:
- Trong thời gian hành kinh, lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trong một tháng;
- Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
- Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dung lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi lao động và nhu cầu của lao động nữ.
Như vậy, nghỉ 30 phút/ngày trong ngày “đèn đỏ” là quyền lợi chính đáng của lao động nữ; cho phép lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong những ngày này là nghĩa vụ của doanh nghiệp.
Theo Bộ luật Lao động, lao động nữ nghỉ 30 phút ngày “đèn đỏ” (Ảnh minh họa)
Không cho lao động nữ nghỉ ngày "đèn đỏ", doanh nghiệp bị phạt
Hiện nay, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lao động được áp dụng theo mức xử phạt quy định tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP.
Theo điểm b, khoản 1 Điều 18 của Nghị định này, doanh nghiệp không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng. Với hành vi không cho lao động nữ nghỉ 60 phút/ngày trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, doanh nghiệp sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Khoảng cách từ luật đến thực tế còn…quá xa
Không thể phủ nhận, quy định cho lao động nữ nghỉ 30 phút/ngày trong những ngày "đèn đỏ" là một quy định hết sức nhân văn của các nhà làm luật. Thế nhưng, quy định này có được áp dụng trong thực tế hay không lại là một vấn đề khác.
Để được hưởng quyền lợi của mình, lao động nữ cần lên tiếng, còn nếu không, coi như bị mất quyền lợi. Thực tiễn cho thấy, rất ít lao động nữ nào mạnh dạn đề nghị với chủ sử dụng lao động về việc cho nghỉ 30 phút/ngày trong ngày "đèn đỏ". Vì đây là chuyện tế nhị, nên thường lao động nữ thường rất ngại lên tiếng, nhất là khi chủ sử dụng lao động là nam giới.
LuatVietnam