- 1. Đất cơ sở tôn giáo là đất gì?
- 2. Ai có thẩm quyền quản lý đất cơ sở tôn giáo?
- 3. Điều kiện cấp Sổ đỏ cho cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất
- 4. Cơ sở tôn giáo không được chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho đất
- 5. Thời hạn sử dụng đất của cơ sở tôn giáo
- 6. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai mà một bên là cơ sở tôn giáo
1. Đất cơ sở tôn giáo là đất gì?
Đất cơ sở tôn giáo là đất do cơ sở tôn giáo sử dụng gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo.
Đất cơ sở tôn giáo là đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp. Nội dung này được quy định rõ tại khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai 2013 như sau:
“2. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
b) Đất xây dựng trụ sở cơ quan;
…
g) Đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng;”.
2. Ai có thẩm quyền quản lý đất cơ sở tôn giáo?
Thẩm quyền là quyền chính thức được xem xét để kết luận và định đoạt, quyết định một vấn đề. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền quản lý đối với đất cơ sở tôn giáo.
Thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được thể hiện qua một số quy định sau:
- Có thẩm quyền giao đất đối với cơ sở tôn giáo (theo điểm b khoản 1 Điều 59 Luật Đất đai 2013).
- Có thẩm quyền thu hồi đất đối với cơ sở tôn giáo (theo điểm a khoản 1 Điều 66 Luật Đất đai 2013).
- Có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) đối với cơ sở tôn giáo (theo khoản 1 Điều 105 Luật Đất đai 2013).
Lưu ý: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ủy quyền cho cơ quan tài nguyên và môi trường cùng cấp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
3. Điều kiện cấp Sổ đỏ cho cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất
Khoản 4 Điều 106 Luật Đất đai 2013 quy định cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất được cấp Sổ đỏ (công nhận quyền sử dụng đất) khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Được Nhà nước cho phép hoạt động;
- Không có tranh chấp;
- Không phải là đất nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho sau ngày 01/7/2004.
4. Cơ sở tôn giáo không được chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho đất
Cơ sở tôn giáo không được thực hiện quyền chuyển đổi (đổi đất), chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Nội dung này được quy định rõ tại khoản 2 Điều 181 Luật Đất đai 2013 như sau:
“2. Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.”.
5. Thời hạn sử dụng đất của cơ sở tôn giáo
Tương tự như đất tín ngưỡng, đất cơ sở tôn giáo có thời hạn sử dụng là ổn định lâu dài. Nội dung này được quy định rõ tại Điều 125 Luật Đất đai 2013 như sau:
“Người sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài trong các trường hợp sau đây:
1. Đất ở do hộ gia đình, cá nhân sử dụng;
…
7. Đất cơ sở tôn giáo quy định tại Điều 159 của Luật này”.
6. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai mà một bên là cơ sở tôn giáo
Căn cứ Điều 203 Luật Đất đai 2013, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thuộc Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, cụ thể:
- Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết.
- Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
+ Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
+ Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền như sau: Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là cơ sở tôn giáo thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết;
Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Trên đây là một số quy định về đất cơ sở tôn giáo như loại đất, thời hạn sử dụng, thẩm quyền cấp Sổ đỏ, Sổ hồng hoặc một số quy định về cơ quan có thẩm quyền quản lý. Nếu bạn đọc cần giải đáp thêm hãy gọi đến tổng đài 1900.6192 để được giải thích rõ.