Có được chuyển mục đích sử dụng đất tôn giáo sang đất ở không?

Đất tôn giáo là loại đất được sử dụng vào mục đích tương đối đặc biệt, do đó sẽ có một số quyền liên quan đến đất này bị hạn chế. Vậy, có được chuyển mục đích sử dụng đất tôn giáo không? Theo dõi bài viết sau để hiểu rõ vấn đề này.

1. Đất tôn giáo được dùng vào mục đích gì?

Tại Khoản 9 Điều 9 Luật Đất đai 2024 nêu:

“3. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:

a) Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;

b) Đất xây dựng trụ sở cơ quan;

g) Đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo (sau đây gọi là đất tôn giáo); đất sử dụng cho hoạt động tín ngưỡng (sau đây gọi là đất tín ngưỡng);

…”.

Bên cạnh đó, Điều 213 Luật đất đai 2024 quy định về mục đích sử dụng đất tôn giáo như sau:

Điều 213. Đất tôn giáo

1. Đất tôn giáo bao gồm đất xây dựng cơ sở tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và công trình tôn giáo hợp pháp khác.

2. Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đất xây dựng cơ sở tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.

3. Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng đất không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ nhu cầu thực tế về hoạt động tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương để quy định hạn mức và quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trên địa bàn tỉnh.

5. Việc sử dụng đất tôn giáo kết hợp với thương mại, dịch vụ phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 218 của Luật này.

6. Trường hợp Nhà nước thu hồi đất tôn giáo quy định tại khoản 2 Điều này thì được bố trí địa điểm mới phù hợp với quỹ đất của địa phương và sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ.

Như vậy, theo các quy định nêu trên, có thể thấy đất tôn giáo được sử dụng vào các mục đích như xây dựng cơ sở tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và công trình tôn giáo hợp pháp khác.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức và quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trên địa bàn tỉnh dựa theo nhu cầu thực tế về hoạt động tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương.

chuyển mục đích sử dụng đất tôn giáo
Có được chuyển mục đích sử dụng đất tôn giáo sang đất ở không? (Ảnh minh họa)

2. Có được chuyển mục đích sử dụng đất tôn giáo sang đất ở không?

Chuyển mục đích sử dụng đất là một trong những quyền của người sử dụng đất. Tuy nhiên không phải mọi trường hợp đều được chuyển mục đích sử dụng đất. Vậy có được chuyển mục đích sử dụng đất tôn giáo sang đất ở không?

Chuyển mục đích sử dụng đất là hành vi làm thay đổi về mục đích sử dụng đất so với loại đất ban đầu. Theo đó, pháp luật đất đai hiện hành cho chuyển mục đích sử dụng đất tôn giáo sang đất ở khi đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Cụ thể, tại điểm đ khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai 2024 quy định về những trường hợp chuyển mục đích phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó có:

đ) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;

Như vậy, trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất tôn giáo sang đất ở được xác định là chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở (đất làm trường, trụ sở… dành cho tôn giáo) sang đất ở (đất xây dựng nhà ở cho người tu hành, tăng ni,...) sang đất ở.

Do đó, trường hợp này người sử dụng đất được chuyển mục đích sử dụng đất khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).

3. Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất đối với cơ sở tôn giáo thế nào?

Căn cứ Nghị định 102/2024/NĐ-CP, hồ sơ, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất được tiến hành theo các bước sau:

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ

Căn cứ khoản 2, 5 Điều 44 và Điều 48 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, khi hộ gia đình, cá nhân muốn chuyển mục đích sử dụng đất (đối với trường hợp phải xin phép) cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ như sau:

- Trường hợp không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư theo pháp luật về đầu tư cần chuẩn bị:

  • Đơn xin chuyển mục đích sử dụng theo Mẫu 02c tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 102/2024/NĐ-CP.

- Trường hợp thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư theo pháp luật về đầu tư cần chuẩn bị:

  • Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo Mẫu 02c tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 102/2024/NĐ-CP;
  • Bản sao văn bản phê duyệt dự án đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư; văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (nếu có);
  • Một trong các giấy chứng nhận quy định tại khoản 21 Điều 3, khoản 3 Điều 256 Luật Đất đai 2024 hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024 hoặc quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ.

Bước 2. Nộp hồ sơ

Nơi nộp hồ sơ:

  • Cách 1: Bộ phận Một cửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã;
  • Cách 2: Văn phòng đăng ký đất đai;
  • Cách 3: Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 3. Tiếp nhận hồ sơ

Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và xử lý, giải quyết yêu cầu.

Bước 4. Trả kết quả

Thời gian chuyển mục đích sử dụng đất là không quá 20 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ (theo khoản 6 Điều 44 Nghị định 102/2024/NĐ-CP).

Trên đây là giải đáp về chuyển mục đích sử dụng đất tôn giáoMọi vấn đề còn vướng mắc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp cụ thể.
Đánh giá bài viết:
Bài viết đã giải quyết được vấn đề của bạn chưa?
Rồi Chưa
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục