Thực hiện 4/6 nội dung cải cách từ 01/7/2024, là những nội dung nào?
Chính phủ đề xuất lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với 6 nội dung cải cách theo Nghị quyết 27-NQ/TW (theo kế hoạch trước đó, dự kiến thực hiện từ ngày 01/7/2024), gồm:
(1) Xây dựng 5 bảng lương mới;
(2) Chế độ phụ cấp;
(3) Chế độ tiền thưởng;
(4) Chế độ nâng bậc lương;
(5) Nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương;
(6) Quản lý tiền lương và thu nhập.
Cuối tháng 6/2024, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thì sau nhiều lần họp liên quan đến cải cách tiền lương, Chính phủ đề xuất giải pháp thực hiện Nghị quyết số 27 đối với khu vực công theo lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, khả thi.
Theo đó, thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công của Nghị quyết số 27 đã rõ, đồng thời đủ điều kiện thực hiện ngay từ 01/7/2024.
Tuy nhiên, 02 nội dung chưa thực hiện gồm các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương); cơ cấu lại và sắp xếp thành 9 chế độ phụ cấp mới cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện từng bước, thận trọng do phát sinh nhiều bất cập.
Như vậy, có thể thấy từ 01/7/2024, chúng ta chưa thực hiện bảng lương theo vị trí việc làm nhưng cũng từng bước thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương gồm:
Thứ nhất là về chế độ tiền thưởng
Theo Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP thì sẽ thực hiện chế độ tiền thưởng trên cơ sở thành tích công tác đột xuất và kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định
Quỹ tiền thưởng hằng năm nằm ngoài quỹ khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, được xác định bằng 10% tổng quỹ tiền lương (không bao gồm phụ cấp) theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc và cấp bậc quân hàm của các đối tượng trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.
Thứ hai là về chế độ nâng bậc lương
Theo Kết luận 83-KL/TW thì một trong những nội dung cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW được thực hiện từ 01/7/2024 là:
(3) Hoàn thiện chế độ nâng lương phù hợp với việc chuyển đổi quản lý và trả lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Thứ ba là về nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương
Theo quy định tại Nghị định 73/2024/NĐ-CP, nguồn kinh phó thực hiện chế độ tiền lương ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương gồm:
- Sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên dự toán năm 2024 tăng thêm so với dự toán năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền giao;
- Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2024 sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí.
- Sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2023 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có).
- ...
Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
- Sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên dự toán năm 2024 tăng thêm so với dự toán năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền giao;
- Sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên dự toán năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền giao;
- Sử dụng 50% tăng thu ngân sách địa phương dự toán năm 2024 so với dự toán năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao…
Và thứ tư là về quản lý tiền lương và thu nhập.
Nội dung này được đề cập tại Kết luận 83-KL/TW theo tình thần Nghị quyết số 27-NQ/TW, thực hiện từ 01/7/2024.
Theo đó, hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập. Cụ thể, quy định và hướng dẫn rõ 4 nội dung, gồm:
- Thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức để trả lương, thưởng và kết quả thực thi nhiệm vụ.
- Thẩm quyền của người đứng đầu được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và được quyết định mức chi trả thu nhập gắn với nhiệm vụ được giao.
- Mở rộng áp dụng thí điểm tiền lương tăng thêm đối với một số địa phương khi đủ điều kiện theo chủ trương tại Nghị quyết 27-NQ/TW.
- Cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập phù hợp với nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập.
Khi nào sẽ thực hiện bảng lương theo vị trí việc làm và chế độ phụ cấp mới?
Trước mắt, 4/6 nội dung cải cách như đã nêu trên sẽ được thực hiện từ thời điểm 01/7/2024. Cũng trên tinh thần đó nhiều người còn băn khoăn rằng, đến thời điểm nào sẽ thực hiện bảng lương mới theo vị trí việc làm cũng như chế độ phụ cấp mới.
Liên quan đến điều này, tại khoản 5.2 Điều 5 Kết luận 83 có đề cập đến nội dung:
5.2. Ban Kinh tế Trung ương chủ trì sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và các ban, bộ, ngành có liên quan nghiên cứu đánh giá sự phù hợp, tính khả thi và đề xuất việc thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026 khi Bộ Chính trị ban hành và triển khai thực hiện hệ thống Danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị.
Như vậy, việc thực hiện 05 bảng lương theo vị trí việc làm cũng như 09 chế độ phụ cấp mới của khu vực công sẽ được đề xuất sao cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026. Cũng có nghĩa, sau năm 2026, 2/6 nội dung cải cách còn lại (bảng lương, chế độ phụ cấp mới) sẽ được thực hiện.
Trên đây là thông tin về việc thực hiện 4/6 nội dung cải cách từ 01/7/2024, gồm những gì?