Luật Bảo hiểm xã hội 2024 ảnh hưởng thế nào đến quyền lợi người lao động?

Vừa qua, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) mới năm 2024 đã chính thức được thông qua. Vậy Luật BHXH 2024 ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động như thế nào trong thời gian tới?

Luật BHXH 2024 ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động1. Về chế độ ốm đau

1.1 Nghỉ ốm đau nửa ngày cũng được hưởng trợ cấp

Theo khoản 5 Điều 45 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, trường hợp nghỉ ốm đau nửa ngày cũng được hưởng trợ cấp. Theo đó

- Trường hợp ốm đau dưới nửa ngày: Được hưởng mức trợ cấp bằng 1/2 mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày.

- Trường hợp ốm đau từ nửa ngày đến dưới 01 ngày: Mức trợ cấp được tính là 01 ngày.

Đây là quy định mới so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014 khi người lao động nghỉ ốm nửa ngày thì không được giải quyết chế độ ốm đau.

1.2 Giảm thời gian được nghỉ tính hưởng chế độ ốm đau dài ngày

Theo Luật BHXH 2014, trong 180 ngày đầu, người lao động sẽ được hưởng mức ốm đau dài ngày như sau:

Mức hưởng = 75% x Tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ x Số tháng nghỉ hưởng chế độ ốm đau

Tuy nhiên, từ 01/7/2025, người lao động mắc bệnh dài ngày không còn được hưởng trọn chế độ khi nghỉ 180 ngày nữa.

Thay vào đó, để được hưởng mức 75% tiền lương đóng BHXH, người lao động chỉ được:

- Nghỉ 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm.

- Nghỉ 40 ngày nếu đóng BHXH từ đủ 15 năm - dưới 30 năm.

- Nghỉ 60 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên.

(Đây là mức hưởng dành cho người lao động làm việc trong điều kiện bình thường)

Đối với những người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm ở vùng đặc biệt khó khăn thì được hưởng 75% tiền lương đóng BHXH khi:

- Nghỉ 40 ngày (trường hợp đóng BHXH dưới 15 năm)

- Nghỉ 50 ngày (trường hợp đóng từ đủ 15 năm - dưới 30 năm)

- Nghỉ 70 ngày (trường hợp đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên)

1.3 Nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau trên 14 ngày vẫn phải đóng BHXH

Đây là quy định hoàn toàn mới được quy định tại khoản 6 Điều 33 Luật BHXH 2024.Theo đó:

Trường hợp trong tháng đầu làm việc hoặc trong tháng đầu trở lại làm việc mà người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên thì vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.

Như vậy, nếu không trong phải tháng đầu làm việc hay không trong tháng đầu trở lại làm việc mà người lao động nghỉ để hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên thì người lao động không phải đóng BHXH tháng đó.

Còn trường hợp nghỉ từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng đầu làm việc hoặc tháng đầu trở lại công việc thì người lao động vẫn phải đóng BHXH tháng nghỉ đó.

2. Về chế độ thai sản

Luật BHXH 2024 ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động
Luật BHXH 2024 bổ sung nhiều quyền lợi cho người đóng BHXH tự nguyện (Ảnh minh họa)

2.1 Bổ sung quyền lợi cho người lao động đóng BHXH tự nguyện

Từ 01/7/2025, khi Luật BHXH 2024 có hiệu lực, sẽ có 04 chế độ BHXH mà những đối tượng tham gia BHXH tự nguyện được hưởng bao gồm:

  • Trợ cấp thai sản;
  • Hưu trí;
  • Tử tuất;
  • Bảo hiểm tai nạn lao động

Có thể thấy, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã bổ sung thêm 02 chế độ là trợ cấp thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo khoản 4 Điều 2 Luật BHXH 2024, từ 01/7/2025, sẽ có 02 nhóm đối tượng được tham gia BHXH tự nguyện gồm:

(1) Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và không phải là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hay trợ cấp hằng tháng;

(2) Những người đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc làm việc gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả khi thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng vẫn có nội dung thể hiện rằng làm có được trả công, trả lương, chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp quy định pháp luật.

- Cán bộ, công chức, viên chức.

Hiện hành, khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 chỉ quy định người được tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

2.2 Đóng BHXH tự nguyện được hưởng tiền thai sản tới 2 triệu đồng

Theo Điều 95 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, từ 01/7/2025, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng:

- Mức trợ cấp thai sản 02 triệu đồng đối với:

  • Mỗi con được sinh ra.

  • Mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung hoặc bị chết khi chuyển dạ.

- Lao động nữ thuộc dân tộc thiểu số hoặc dân tộc Kinh có chồng là dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo: Được Chính phủ hỗ trợ thêm các chính sách khác khi sinh con.

* Lưu ý: Điều kiện hưởng trợ cấp thai sản: Phải có thời gian đóng BHXH tự nguyện hoặc vừa đóng BHXH tự nguyện, vừa đóng BHXH bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh. (theo khoản 1 Điều 94 Luật Bảo hiểm xã hội 2024).

2.3 Mọi trường hợp phá thai đều được hưởng thai sản

Theo Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, người lao động bị sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung hoặc khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung hoặc mang thai từ đủ 22 tuần tuổi mà bị sảy/phá thai, thai chết trong tử cung hoặc khi chuyển dạ thì lao động nữ và chồng sẽ được hưởng chế độ thai sản.

Theo đó có thể thấy, mọi trường hợp phá thai đều được hưởng chế độ thai sản, kể cả phá thai ngoài ý muốn.

So với quy định của Luật BHXH 2014, tại Điều 33 chỉ quy định về thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý.

Đồng thời, Luật BHXH 2024 cũng thu hẹp phạm vi số tuần tuổi của thai. Cụ thể:

Luật Bảo hiểm xã hội 2024

Luật Bảo hiểm xã hội 2014

10 ngày (thai <05 tuần tuổi)

10 ngày (thai <05 tuần tuổi)

20 ngày (thai ≥05 tuần tuổi đến <13 tuần tuổi)

20 ngày (thai 05 tuần tuổi đến <13 tuần tuổi)

40 ngày (thai ≥13 tuần tuổi đến <22 tuần tuổi)

40 ngày (thai từ 13 tuần tuổi đến <25 tuần tuổi)

50 ngày (thai ≥22 tuần tuổi)

50 ngày (thai ≥25 tuần tuổi)

3. Về chế độ hưu trí

3.1 Bổ sung chế độ hưu trí 

Về trợ cấp hưu trí xã hội, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã bổ sung chương III quy định riêng về vấn đề này.

Theo đó, Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định, công dân Việt Nam khi đủ các điều kiện sau được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội:

(1) Đủ 75 tuổi trở lên.

(2) Không được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hàng tháng.

(3) Có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp xã hội.

Ngoài ra, công dân khi có đủ các điều kiện sau cũng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội:

  • Đủ 70 - dưới 75 tuổi

  • Thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo

  • Không được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hàng tháng.

  • Có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp xã hội.

Theo Khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, trợ cấp hưu trí xã hội là loại hình BHXH do ngân sách nhà nước bảo đảm cho người cao tuổi đủ điều kiện theo quy định.

Theo đó, việc bổ sung trợ cấp hưu trí là vô cùng cần thiết, góp phần đảm bảo cuộc sống sau này cho những người lao động về hưu mà không có lương hưu hay trợ cấp BHXH hằng tháng.

Tới đây, cứ định kỳ 03 năm, Chính phủ sẽ rà soát, xem xét lại đề điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội sao cho phù hợp.

3.2 Đóng bảo hiểm tối thiểu 15 năm được hưởng lương hưu

Đây là một trong những quy định quan trọng được rất nhiều người lao động quan tâm.

Theo đó, tại Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng thay vì phải đóng đủ 20 năm theo quy định cũ.

Điều này làm tăng cơ hội cho những người đã trót rút BHXH 1 lần trước đó vẫn có thể kịp thời gian đóng 15 năm BHXH.

Đồng thời, tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH muộn (45 - 47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục vẫn có thể tích lũy đủ 15 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu hằng tháng.

Lưu ý: Quy định giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm được hưởng lương hưu chỉ áp dụng đối với các trường hợp được quy định tại Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 chứ không áp dụng cho những đối tượng nghỉ hưu sớm hơn so với quy định.

3.3 Từ 01/7/2025, nhận lương hưu càng "lợi" hơn nhiều so với rút BHXH 1 lần

Nhằm tăng quyền lợi, tính hấp dẫn và khuyến khích người lao động hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần, Luật BHXH 2024 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định sau:

- Giảm điều kiện hưởng lương hưu để việc hưởng lương hưu dễ dàng hơn (giảm từ 20 năm xuống còn 15 năm) (Điều 64)

- Được hưởng trợ cấp hằng tháng khi đủ tuổi nghỉ hưu, từng đóng BHXH dù không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp xã hội (khoản 1 Điều 23)

- Vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng (khoản 6 Điều 23)

- Người lao động trong thời gian bị mất việc mà chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết các khó khăn tài chính (Điều 6)

- Nếu đang hưởng trợ cấp hằng tháng mà chết thì thân nhân sẽ được hưởng trợ cấp một lần cho những tháng chưa nhận kèm hưởng một lần trợ cấp mai táng.

Luật BHXH 2024 ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động
Luật BHXH 2024 mang đến nhiều chính sách an sinh ý nghĩa, quan trọng tới NLĐ

4. Một số quy định khác ảnh hưởng tới quyền lợi người lao động

4.1 Phạt doanh nghiệp khi chậm/trốn đóng BHXH cho người lao động

Việc chậm hoặc trốn đóng BHXH gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động.

Do vậy, tại Luật BHXH 2024 đã bổ sung các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều chế tài xử lý đối với tình trạng chậm đóng hoặc trốn đóng BHXH. Cụ thể:

- Chậm đóng BHXH, trốn đóng BHXH: Phạt 0.03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (Điều 40, 41 Luật BHXH 2024).

- Xử phạt hành chính hoặc thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

- Bồi thường cho người lao động nếu không đóng hoặc đóng không đầy đủ, kịp thời, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động (khoản 8 Điêu 13 Luật BHXH 2024)

Hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động được quy định cụ thể tại Điều 39 Luật BHXH 2024.

4.2 Thay đổi về mức tiền làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc tối thiểu và tối đa

Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 31 Luật BHXH 2024, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.

Theo đó, mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH.

Do vậy, tới đây, mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tối thiểu và tối đa được quy định như sau:

Đối tượng

Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất

Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH cao nhất

BHXH tự nguyện

Mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn (1,5 triệu đồng/tháng).

20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng

BHXH bắt buộc

Bằng mức tham chiếu

20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng

Còn tại Luật BHXH 2014 (Điều 87, Điều 89) thì mức đóng của người lao động tham gia BHXH tự nguyện, bắt buộc căn cứ theo mức chuẩn hộ nghèo mức lương cơ sở và lương tối thiểu vùng. Theo đó:

Đối tượng

Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất

Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH cao nhất

BHXH tự nguyện

Mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn (1,5 triệu đồng/tháng).

20 lần mức lương cơ sở (hiện nay là 46,8 triệu đồng/tháng).

BHXH bắt buộc

- Vùng I: 4.960.000 đồng/tháng,

- Vùng II: 4.410.000 đồng/tháng

- Vùng III: 3.860.000/tháng

- Vùng IV: 3.450.000/tháng

20 lần mức lương cơ sở (hiện nay là 46,8 triệu đồng/tháng).

4.3 Được cắt giảm nhiều giấy tờ, thủ tục hành chính

Rút ngắn thời gian cấp sổ BHXH cho người tham gia BHXH bắt buộc lần đầu

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan BHXH có trách nhiệm cấp sổ bảo hiểm xã hội; trường hợp không cấp sổ bảo hiểm xã hội thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thay thế sổ BHXH giấy bằng sổ bảo hiểm bản điện tử từ 01/01/2026

Căn cứ Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, chậm nhất là ngày 01/01/2026, người lao động sẽ được cấp sổ BHXH bằng bản điện tử. Sổ BHXH bản điện tử có giá trị pháp lý và hiệu lực thi hành ngang bản giấy.

Lưu ý: Sổ BHXH giấy vẫn sẽ được cấp nếu người tham gia BHXH có yêu cầu.

Tất cả các dữ liệu, thông tin ghi nhận việc đóng, hưởng và giải quyết chế độ BHXH và các thông tin liên quan cần thiết khác đều sẽ được cập nhật chính xác, kịp thời trên sổ BHXH điện tử và được quản lý theo quy định.

4.4 Mở rộng đối tượng người lao động phải đóng BHXH bắt buộc

So với quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, khoản 1 Điều 31 Luật BHXH 2024 đã bổ sung thêm một số đối tượng người lao động là công dân Việt Nam phải tham gia BHXH bắt buộc bao gồm:

- Người lao động ký hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên làm việc không trọn thời gian (thời gian làm việc linh hoạt).

- Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc có thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng vẫn có nội dung thể hiện rằng làm việc được trả công, trả lương, chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên theo quy định.

- Chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh.

- Vợ hoặc chồng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cử đi công tác nhiệm kỳ cùng thành viên cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được hưởng chế độ sinh hoạt phí...

- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn doanh nghiệp.

- Thành viên Ban kiểm soát/kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương.

- Người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Với mức hưởng tương đương với mức đóng góp, việc đóng BHXH bắt buộc phần nào giúp người lao động được bảo vệ khỏi những rủi ro, hưởng các quyền lợi về y tế, chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất.

Trên đây là cập nhật của LuatVietnam về vấn đề Luật BHXH 2024 ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động như thế nào trong thời gian tới?

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Theo quy định tại Điều 11 Luật BHYT 2008, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2024 thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm là chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế. Vậy trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT?

Điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 doanh nghiệp cần chú ý

Điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 doanh nghiệp cần chú ý

Điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 doanh nghiệp cần chú ý

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 chính thức có hiệu lực từ 01/07/2025 với nhiều nội dung mới tác động trực tiếp đến doanh nghiệp và người lao động. Bài viết tổng hợp những điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 doanh nghiệp cần chú ý, mời bạn đọc theo dõi.