Trong những năm gần đây, số vụ đình công diễn ra tại các khu công nghiệp ngày một gia tăng. Tuy nhiên mấy người lao động biết được quyền lợi của mình sẽ bị ảnh hưởng thế nào trong thời gian đình công.
Ai là người quyết định quyền lợi của người lao động khi đình công?
Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động (khoản 1 Điều 209 Bộ luật Lao động)
Có thể thấy, pháp luật xác định rõ việc đình công phải dựa trên tinh thần, ý chí tự nguyện của người lao động, không ai có thể bắt ép người lao động tham gia đình công. Vì vậy, chính bản thân người lao động là người quyết định quyền lợi của mình khi có đình công xảy ra.
Pháp luật quy định thế nào về quyền lợi khi đình công của người lao động? (Ảnh minh họa)
Quyền lợi của người lao động thay đổi thế nào khi đình công?
Không thể đánh đồng quyền lợi của những người lao động tham gia đình công và không tham gia đình công. Do đó, Điều 218 Bộ luật Lao động 2012 đã đặt ra hai nhóm quyền lợi cho những đối tượng này, cụ thể:
* Đối với người lao động không tham gia đình công:
- Được trả lương ngừng việc (vì lý do đình công) theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
- Được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về lao động.
* Đối với người lao động tham gia đình công:
Không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác.
Đình công là sự phản ứng của tập thể lao động muốn đòi lại những lợi ích chính đáng mà mình đáng được hưởng, tuy nhiên, có nhiều con đường khác nhẹ nhàng hơn để giải quyết nhằm đạt được mục đích này. Chính vì vậy, người lao động nên cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định có tham gia đình công hay không để không ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.
Xem thêm:
Cuộc đình công nào được coi là bất hợp pháp?
Khi nào người lao động được đình công?
Thùy Linh