Điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 doanh nghiệp cần chú ý

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 chính thức có hiệu lực từ 01/07/2025 với nhiều nội dung mới tác động trực tiếp đến doanh nghiệp và người lao động. Bài viết tổng hợp những điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 doanh nghiệp cần chú ý, mời bạn đọc theo dõi.

1. Bổ sung đối tượng phải đóng BHXH bắt buộc

So với khoản 1 Điều 2 Luật BHXH số 58/2014/QH13, quy định mới tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã bổ sung thêm một số đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc. Trong đó, doanh nghiệp chú ý đến các đối tượng mới như:

- Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp có hưởng tiền lương;

- Người lao động ký hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất;

- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp không hưởng tiền lương.

Điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 doanh nghiệp cần chú ý
Điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 doanh nghiệp cần chú ý (Ảnh minh họa)

2. Bổ sung trường hợp không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Bên cạnh việc bổ sung đối tượng phải đóng BHXH bắt buộc, tại Điều 2 Luật BHXH 2024 còn chỉ ra một số trường hợp mới không thuộc đối tượng đóng BHXH như:

- Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác đối với người lao động nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên làm việc tại Việt Nam.

- Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, trừ trường hợp thời gian đóng BHXH còn thiếu tối đa 06 tháng.

Doanh nghiệp lưu ý nếu thuộc một trong các trường hợp trên thì không phải đăng ký tham gia BHXH cho người lao động.

3. Doanh nghiệp không cần định kỳ niêm yết công khai thông tin đóng BHXH

Trước đây, khoản 7, 8 Điều 21 Luật BHXH 2014 quy định doanh nghiệp phải niêm yết công khai thông tin về việc đóng BHXH cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng BHXH của ngư­ời lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu định kỳ mỗi 06 tháng.

Hằng năm, doanh nghiệp niêm yết công khai thông tin đóng BHXH của người lao động do cơ quan BHXH cung cấp.

Tuy nhiên tại Luật BHXH mới năm 2024, các quy định trên đã không còn. Do đó doanh nghiệp không cần định kỳ niêm yết công khai thông tin về việc đóng BHXH cho người lao động nữa.

4. Thay đổi về mức tiền làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc tối thiểu, tối đa

Đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, theo Luật BHXH 2014 thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc buộc thấp nhất bằng lương tối thiểu vùng, cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Tại Luật BHXH 2024, nội dung trên đã có sự thay đổi khi xuất hiệm thuật ngữ mới là mức tham chiếu.

Theo đó, điểm đ khoản 1 Điều 31 Luật BHXH 2024 quy định:

Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.

Trong đó Điều 7 Luật này giải thích, mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quyết định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hộ. Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ BHXH.

Điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 doanh nghiệp cần chú ý
Điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 doanh nghiệp cần chú ý (Ảnh minh họa)

5. Hướng dẫn mức đóng BHXH của quản lý doanh nghiệp không hưởng tiền lương

Trước đây Luật BHXH 2014 chưa có hướng dẫn cụ thể về mức đóng BHXH của các chức danh không hưởng tiền lương trong doanh nghiệp như người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên...

Theo khoản 4 Điều 33 Luật BHXH 2024, mức đóng BHXH hằng tháng của các đối tượng trên được quy định bằng 3% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản, 22% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất.

6. Thay đổi về thời hạn đóng BHXH bắt buộc đối người sử dụng lao động

Trước đây khi áp dụng Luật BHXH 2014, Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 hướng dẫn:

- Trường hợp đóng hằng tháng: Hạn đóng chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng.

- Trường hợp đóng 03 hoặc 06 tháng một lần: Hạn đóng chậm nhất đến ngày cuối cùng của phương thức đóng.

Theo khoản 4 Điều 34 Luật BHXH 2024, phương thức, thời hạn đóng BHXH bắt buộc chậm nhất đối với người sử dụng lao động được quy định như sau:

- Trường hợp đóng hàng tháng: Ngày cuối cùng của tháng tiếp theo.

- Trường hợp đóng 03 hoặc 06 tháng một lần: Ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng.

So sánh hai quy định trên có thể thấy, thời hạn đóng BHXH bắt buộc đối với người sử dụng lao động đã được nới ra thêm 01 tháng. Doanh nghiệp được đóng BHXH chậm hơn 01 tháng so với quy định trước đây mà không bị coi là chậm đóng BHXH.

7. Trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên vẫn phải đóng BHXH

Đây là nội dung hoàn toàn mới quy định tại khoản 6 Điều 33 Luật BHXH 2024.

Theo đó, trường hợp trong tháng đầu làm việc hoặc trong tháng đầu trở lại làm việc mà người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên thì vẫn phải đóng BHXH của tháng đó.

Nếu không phải tháng đầu làm việc hoặc không trong tháng đầu trở lại làm việc mà người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên thì người lao động không phải đóng BHXH tháng đó, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận về việc có đóng BHXH cho người lao động tháng đó với căn cứ đóng bằng căn cứ đóng BHXH tháng gần nhất.

8. Thay đổi về lãi suất chậm đóng, trốn đóng BHXH

Tại khoản 3 Điều 122 Luật BHXH 2014 quy đinh người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Theo Điều 40, 41 Luật BHXH 2024, biện pháp xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền và số ngày chậm đóng, trốn đóng vào quỹ BHXH, quỹ BHTN.

Ngoài ra, quy định mới còn bổ sung thêm biện pháp xử lý là không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đối với các trường hợp chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN.

9. Giải thich rõ thế nào là chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN

Tại Luật BHXH 2014 chưa có quy định cụ thể thế nào là chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN.

Đến Luật BHXH 2024, các trường hợp chậm đóng, trốn đóng BHXH đã được làm rõ, phân biệt tại Điều 38, 39 như sau:

Chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN

Trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN

Chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền phải đóng theo hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc, BHTN đã đăng ký kể từ sau ngày đóng BHXH chậm nhất;

- Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BHXH bắt buộc trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định;

- Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BHTN trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia BHTN theo quy định của pháp luật về BHTN;

- Thuộc trường hợp không bị coi là trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN.

Trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây để không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHXH, BHTN cho người lao động:

- Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BHXH bắt buộc;

- Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia BHTN theo quy định của pháp luật về BHTN mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BHTN;

- Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp hơn quy định.

- Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng BHTN thấp hơn quy định của pháp luật về BHTN;

- Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký BHXH bắt buộc sau 60 ngày kể từ ngày đóng BHXH bắt buộc chậm nhất;

- Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký BHTN sau 60 ngày kể từ ngày đóng BHTN chậm nhất theo quy định của pháp luật về BHTN và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định;

- Các trường hợp khác bị coi là trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN theo quy định của Chính phủ.

10. Rút ngắn thời gian cấp sổ BHXH bắt buộc lần đầu

Khoản 4 Điều 28 Luật BHXH 2024 quy định thời gian cấp sổ BHXH bắt buộc lần đầu là 05 ngày làm việc (trước đây là 20 ngày) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, trường hợp không cấp sổ BHXH thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

6 điểm mới tại Thông tư 01/2025/TT-BYT về khám chữa bệnh BHYT từ 01/01/2025

6 điểm mới tại Thông tư 01/2025/TT-BYT về khám chữa bệnh BHYT từ 01/01/2025

6 điểm mới tại Thông tư 01/2025/TT-BYT về khám chữa bệnh BHYT từ 01/01/2025

Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 01/2025/TT-BYT. Theo đó, Thông tư hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2024 với nhiều quy định liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người bệnh, đặc biệt là những người mắc các bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo từ 01/01/2025.