Cân điêu, bán thiếu cho khách bị xử lý thế nào?

Hành vi cân điêu, bán thiếu cho khách diễn ra phổ biến trong hoạt động bán lẻ ở những sạp hàng rong, những điểm bán hàng tại các khu tham quan du lịch, lễ hội,… Vậy hành vi cân điêu, bán thiếu cho khách bị xử lý thế nào?


Bán hàng thiếu cho khách bị phạt hành chính thế nào?

Hiện này, việc cân thiếu đối với hoạt động bán lẻ thường sử dụng cân đồng hồ lo xo, cần bàn hoặc cân đĩa bằng cách điều chỉnh làm cho sai lệch về số đo. Các cân này được xếp vào loại phương tiện đo nhóm 02 theo Thông tư 07/2019/TT-BKHCN.

Theo đó, trường hợp cân thiếu hàng hàng hóa cho khách có thể bị xử phạt vi phạm về đo lường đối với phép đo nhóm 02 được quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 119/2017/NĐ-CP như sau:

Hành vi vi phạm về phép đo trong mua, bán hàng hóa mà lượng của hàng hóa, dịch vụ đó có sai lệch quá phạm vi sai số cho phép theo yêu cầu kỹ thuật đo lường đối với phép đo do tổ chức, cá nhân công bố hoặc do cơ quan có thẩm quyền quy định để thu lợi bất hợp pháp mà:

Mức phạt

(Áp dụng với tổ chức)

Số tiền thu lợi bất hợp pháp có được đến 10 triệu đồng

Phạt 05 - 10 triệu đồng

Số tiền thu lợi bất hợp pháp có được từ trên 10 - 50 triệu đồng

Phạt 10 - 20 triệu đồng

Số tiền thu lợi bất hợp pháp có được từ trên 50 - 100 triệu đồng

Phạt 20 - 40 triệu đồng

Số tiền thu lợi bất hợp pháp có được từ trên 100 - 200 triệu đồng

Phạt 40 - 60 triệu đồng

Số tiền thu lợi bất hợp pháp có được từ trên 200 - 300 triệu đồng

Phạt từ 01 - 02 lần số tiền thu lợi bất hợp pháp

Số tiền thu lợi bất hợp pháp có được từ trên 300 - 400 triệu đồng

Phạt từ 02 - 03 lần số tiền thu lợi bất hợp pháp

Số tiền thu lợi bất hợp pháp có được từ trên 400 - 500 triệu đồng

Phạt từ 03 - 04 lần số tiền thu lợi bất hợp pháp

Số tiền thu lợi bất hợp pháp có được từ trên 500 triệu đồng

Phạt từ 04 - 05 lần số tiền thu lợi bất hợp pháp

Đồng thời, khoản 2 Điều 3 Nghị định này cũng nêu rõ:

2. Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức. Đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền được giảm đi một nửa, trừ quy định tại các Điều 11, 12 và 13 của Nghị định này.

Như vậy, nếu cá nhân vi phạm các hành vi tương tự sẽ bị phạt tiền bằng nửa mức phạt nêu trên. Cùng với đó, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm theo khoản 3 Điều 14 Nghị định 119/2017.

can dieu ban thieu bi xu ly the nao

Cân điêu bán thiếu bị xử lý thế nào? (Ảnh minh họa)


Cân điêu bán thiếu khi nào bị xử lý hình sự?

Hành vi cân điêu, bán thiếu cho khách có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa dối khách hàng theo quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo đó, người nào trong việc mua, bán hàng hóa mà cân, đong, đo, đếm hàng hóa hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

-  Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Thu lợi bất chính từ 05 đến dưới 50.000.000 đồng.

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 - 05 năm nếu:

- Có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

- Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.


Tại sao có quy định nhưng rất ít trường hợp bị phạt vì cân điêu bán thiếu?

Thực trạng cân điêu, bán thiếu đang diễn ra hàng ngày và người tiêu dùng thì vẫn đang chịu thiệt thòi về nó.

Khi phát hiện cửa hàng, tổ chức kinh doanh có hành vi gian lận trong cân đo thì người dân có thể trình báo cho cơ quan có thẩm quyền như: Cục Quản lý thị trường, UBND, công an… nơi có trụ sở của cửa hàng, tổ chức vi phạm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân.

Tuy nhiên, trên thực tế, khi phát hiện ra hành vi này, nhiều người dân phần lớn chỉ cãi nhau với người bán hàng sau đó thỏa thuận lại về giá cả hoặc trả lại hàng,…

Mặc khác, người dân cũng không mặn mà với việc tố giác hành vi sai phạm với cơ quan chức năng bởi giá trị của hàng hóa cân thiếu không quá lớn, thường chỉ vài nghìn cho đến mấy chục nghìn, với những mặt hàng giá trị lớn có thể lên đến hàng trăm nghìn,…

Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc dù pháp luật có quy định nhưng thực tế số vụ việc vi phạm về cân đong hàng hóa bị xử lý chưa đáng kể. Từ đó gây thiệt hại và mất lòng tin cho người tiêu dùng. Đồng thời còn ảnh hưởng bất lợi cho cả những người kinh doanh chân chính khác.

Vì vậy, nếu phát hiện vi phạm, người dân nên tố giác đến cơ quan chức năng để bảo về quyền lợi chính đáng cho bản thân.

Trên đây là giải đáp về mức phạt đối với hành vi cân điêu bán thiếu hàng hóa cho khách. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục