Khi nào không cần lập hóa đơn?
Theo khoản 1 Điều 18 Thông tư 39/2014/TT-BTC, bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.
Tuy không phải lập hóa đơn nhưng người bán phải lập Bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ.
Ngoài ra, hàng hóa được xuất kho nhưng luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất thì không phải lập hóa đơn (khoản 7 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC)
Như vậy, chỉ có 02 trường hợp trên là không phải lập hóa đơn, tất cả các trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ còn lại phải lập hóa đơn theo quy định.
Lưu ý: Thông tư 39/2014/TT-BTC và Thông tư 26/2015/TT-BTC có hiệu lực đến ngày 31/10/2020. Từ ngày 01/11/2020 sẽ bị thay thế bởi Thông tư 68/2019/TT-BTC.
Bán hàng mà không xuất hóa đơn bị xử lý thế nào? (Ảnh minh họa)
Mức phạt khi bán hàng mà không xuất hóa đơn
Khoản 4 Điều 11 Thông tư 10/2014/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 176/2016/TT-BTC quy định:
- Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên cho người mua theo quy định.
- Cùng với việc bị xử phạt, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải lập hóa đơn giao cho người mua.
Bên cạnh đó, theo điểm e khoản 1 Điều 13 Thông tư 166/2013/TT-BTC hành vi không xuất hóa đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hoá, dịch vụ đã bán và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế nếu bị Cơ quan Thuế kết luận là hành vi trốn thuế thì bị xử lý như sau:
Mức phạt | Trường hợp áp dụng | |
Mức 1 | Phạt tiền 01 lần tính trên số thuế trốn, số thuế gian lận. | - Có hành vi không xuất hóa đơn được xác định là hành vi trốn thuế nhưng vi phạm lần đầu. - Người nộp thuế vi phạm lần thứ hai mà có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên. Xem chi tiết: Tình tiết giảm nhẹ khi trốn thuế. |
Mức 2 | Phạt tiền 1,5 lần tính trên số thuế trốn. | Có hành vi không xuất hóa đơn được xác định là hành vi trốn thuế, gian lận thuế trong các trường hợp: - Vi phạm lần đầu, có tình tiết tăng nặng hoặc - Vi phạm lần thứ hai, có một tình tiết giảm nhẹ. |
Mức 3 | Phạt tiền 02 lần tính trên số thuế trốn. | Có hành vi không xuất hóa đơn được xác định là hành vi trốn thuế, gian lận thuế trong các trường hợp: - Vi phạm lần thứ hai mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc - Vi phạm lần thứ ba và có một tình tiết giảm nhẹ. |
Mức 4 | Phạt tiền 2,5 lần tính trên số thuế trốn. | Có hành vi không xuất hóa đơn được xác định là hành vi trốn thuế, gian lận thuế trong các trường hợp: - Vi phạm lần thứ hai mà có một tình tiết tăng nặng hoặc - Vi phạm lần thứ ba mà không có tình tiết giảm nhẹ. |
Mức 5 | Phạt tiền 03 lần tính trên số tiền thuế trốn. | Có hành vi không xuất hóa đơn được xác định là hành vi trốn thuế, gian lận thuế trong các trường hợp: - Vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết tăng nặng trở lên hoặc - Vi phạm lần thứ ba có tình tiết tăng nặng hoặc - Vi phạm từ lần thứ tư trở đi. |
Lưu ý: Ngoài các mức phạt trên, người có hành vi trốn thuế, gian lận thuế sẽ phải nộp đủ số tiền thuế trốn, gian lận vào ngân sách Nhà nước. |
Ngoài ra, nếu hành vi không xuất hóa đơn khi bán hàng mà cấu thành Tội trốn thuế sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Kết luận: Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ mà không lập, xuất hóa đơn bị xử lý như sau:
- Xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn với mức phạt cao nhất là 20 triệu đồng;
- Nếu bị Cơ quan Thuế kết luận là hành vi trốn thuế, gian lận thuế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế với mức phạt theo số lần tính trên số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận.
- Nếu hành vi không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ mà cấu thành Tội trốn thuế sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (theo Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015).
>> 7 điểm đáng chú ý nhất của Thông tư 68 về hóa đơn điện tử
Khắc Niệm