1. Học tại chức là gì? Điều kiện tham gia học tại chức
1.1 Học tại chức là gì?
Học tại chức là hình thức đào tạo vừa học, vừa làm. Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 31/2017/TT-BLĐTBXH, đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học là:
“ Đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học là hình thức đào tạo nghề nghiệp không tập trung liên tục, theo đó người học tập trung học tập tại địa điểm đào tạo theo từng học kỳ, đợt học; hết học kỳ, đợt học người học tiếp tục làm công việc của mình tại nơi làm việc”
Những người theo học hệ vừa học vừa làm thường là:
Sinh viên vừa muốn đi học nhưng không muốn ảnh hưởng đến công việc hiện tại;
Những người đi làm muốn nâng cao kiến thức chuyên môn để thăng tiến trong công việc;
Những người muốn thử sức với lĩnh vực mới nhằm mục đích tìm được công việc tốt hơn công việc hiện tại.
1.2 Điều kiện cần có khi tham gia học đại học tại chức
Hiện nay, không có quy định chung về điều kiện đăng ký học đại học theo hình thức vừa làm vừa học. Tuy nhiên, theo các cơ sở đào tạo, để có thể tham gia học tại chức, người học thường cần phải đáp ứng những điều kiện sau:
Có bằng tốt nghiệp bậc trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên; hoặc bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng hoặc trung cấp nghề do các cơ sở đào tạo trong nước cấp. Nếu những văn bằng trên là do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp thì phải được công nhận theo quy định của Bộ GD&ĐT;
Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ tùy thân và các loại giấy tờ khác để hoàn thành thủ tục nhập học theo yêu cầu của cơ sở đào tạo;
Có đủ sức khỏe để đảm bảo cho quá trình học tập được diễn ra thuận lợi; đang không trong thời gian thi hành án hoặc bị truy cứu về trách nhiệm hình sự.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ văn bằng và các giấy tờ liên quan, bạn sẽ nộp hồ sơ xét tuyển và lệ phí xét tuyển vào cơ sở đào tạo mà bạn muốn học.
2. Mất bao lâu để hoàn thành chương trình học đại học tại chức?
Tại Khoản 4 Điều 2 Quy chế đào tạo trình độ đại học, ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian học tập đối với hình thức đào tạo đại học vừa học vừa làm như sau:
“Thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá đối với hình thức đào tạo vừa làm vừa học dài hơn tối thiểu 20% so với hình thức đào tạo chính quy của cùng chương trình đào tạo.”
Khoản 5 Điều 2 Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT cũng nêu rõ:
“Thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khóa học được quy định trong quy chế của cơ sở đào tạo, nhưng không vượt quá 02 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá đối với mỗi hình thức đào tạo. Đối với sinh viên học liên thông đã được miễn trừ khối lượng tín chỉ tích lũy, thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khóa học được xác định trên cơ sở thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa giảm tương ứng với khối lượng được miễn trừ.”
Theo đó, thời gian hoàn thành việc học sẽ phụ thuộc vào chương trình và chuyên ngành mà bạn theo học. Thông thường, thời gian học sẽ từ 2 – 6 năm tuỳ từng chuyên ngành.
3. Ưu và nhược điểm của việc học tại chức
Ưu điểm
Thuận tiện cho người học: Người học vừa có thể bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kỹ năng chuyên môn mà không làm gián đoạn sự nghiệp của mình. Bên cạnh đó, học viên còn có thể áp dụng kiến thức đã học vào công việc hiện tại.
Rút ngắn thời gian học tập nhờ vào việc ưu tiên học các kiến thức trọng tâm: So với hệ đào tạo chính quy, người học tại chức sẽ có thời gian hoàn thành việc học nhanh hơn. Từ đó, bạn có thể sớm xin được việc làm mong muốn hơn, nhất là khi tỉ lệ cạnh tranh cao như hiện nay thì đây là một điều rất quan trọng.
Tỷ lệ cạnh tranh khi dự tuyển thấp, ngoài ra việc học tại chức còn giúp người học nâng cao kỹ năng quản lý thời gian.
Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm thì hệ đào tạo này cũng có kha khá những hạn chế, như là:
Hiệu suất học tập lẫn làm việc giảm nếu bạn không biết phân bổ thời gian học và làm hợp lý. Vì hệ tại chức thường tổ chức học vào buổi tối hoặc cuối tuần;
Công tác tuyển sinh và công tác đào tạo còn rất nhiều hạn chế. Nhất là đối với những cơ sở đào tạo tuyển sinh một cách tràn lan và không kiểm soát chất lượng.
4. So sánh giá trị bằng tại chức và bằng chính quy
Bằng tại chức có giá trị tương đương bằng đại học chính quy vì hệ tại chức cũng có chương trình đào tạo giống với hệ chính quy. Do đó, người học không cần lo lắng sẽ không được các cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp trọng dụng bằng người học hệ chính quy.
Điểm khác biệt cơ bản giữa bằng tại chức và bằng chính quy đó là trên tấm bằng tại chức sẽ được ghi rõ thông tin là hệ đào tạo vừa làm vừa học.
5. Một số lưu ý khi đăng ký hệ vừa học vừa làm
Phải có kế hoạch học tập và làm việc cụ thể; nên đề ra mục tiêu học tập và hoàn thành chúng một cách rõ ràng.
Nếu bạn là người đi làm và muốn chuyển ngành thì nên xác định hướng đi rõ ràng; từ đó có thể chọn ngành học phù hợp với bản thân và kết quả thể chọn được công việc như bản thân mong muốn.
Bạn phải biết cách quản lý của mình, phải biết phân bổ quỹ thời gian hợp lý giữa việc học và làm để không làm ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.
Nên chọn cơ sở đào tạo có uy tín và chất lượng để đảm bảo về mặt đầu ra cũng như tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho bạn. Tránh chọn những cơ sở đào tạo tuyển sinh đại trà không qua chọn lọc, đội ngũ giảng viên thiếu năng lực dẫn đến kết quả cuối cùng không tốt.