Nghiên cứu sinh là gì? Làm thế nào để trở thành nghiên cứu sinh?

Thuật ngữ “nghiên cứu sinh” là gì? Điều kiện dự tuyển nghiên cứu sinh bao gồm những gì? Mất bao lâu để hoàn thành chương trình đào tạo? Hãy theo dõi bài viết này để giải đáp những câu hỏi trên.

1. Khái niệm nghiên cứu sinh là gì?

Theo Điều 59 Luật Giáo dục đại học năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2014, “người học là người đang học tập và nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục đại học, gồm sinh viên của chương trình đào tạo đại học; học viên của chương trình đào tạo thạc sĩ; nghiên cứu sinh của chương trình đào tạo tiến sĩ.”
Nghiên cứu sinh là gì?
Nghiên cứu sinh là gì? (Ảnh minh họa)

Như vậy, nghiên cứu sinh là tên gọi chung của những người đã hoàn thành chương trình đào tạo đại học hoặc thạc sĩ, tiếp tục tham gia các khóa trình nghiên cứu khoa học; kết quả cuối cùng mà họ hướng đến là bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Hay đơn giản hơn, đây là tên gọi chung của những người đang theo học trình độ tiến sĩ tại các trường đại học, học viện nghiên cứu, cơ sở tư nhân mà nơi này  được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo trình độ tiến sĩ.

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo và bảo vệ luận án tiến sĩ thành công, người học sẽ có được công nhận và trao học vị tiến sĩ. Vậy bạn cần đáp ứng những điều kiện gì để trở thành một nghiên cứu sinh?

2. Điều kiện để trở thành nghiên cứu sinh 

Tại Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ được ban hành kèm theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục được cho phép đào tạo trình độ tiến sĩ. Cụ thể là:

2.1 Yêu cầu đối với người dự tuyển nghiên cứu sinh

Yêu cầu chung:

Tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT quy định về điều kiện chung đối với người dự tuyển tiến sĩ như sau:

“a) Đã tốt nghiệp thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học hạng giỏi trở lên ngành phù hợp, hoặc tốt nghiệp trình độ tương đương bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam ở một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù phù hợp với ngành đào tạo tiến sĩ;

b) Đáp ứng yêu cầu đầu vào theo chuẩn chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và của chương trình đào tạo tiến sĩ đăng ký dự tuyển;

c) Có kinh nghiệm nghiên cứu thể hiện qua luận văn thạc sĩ của chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu; hoặc bài báo, báo cáo khoa học đã công bố; hoặc có thời gian công tác từ 02 năm (24 tháng) trở lên là giảng viên, nghiên cứu viên của các cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học và công nghệ;

d) Có dự thảo đề cương nghiên cứu và dự kiến kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa”

Như vậy, điều kiện đầu tiên là người dự tuyển phải có bằng thạc sĩ đúng với ngành tham gia dự tuyển, hoặc bằng đại học loại giỏi trở lên đúng với ngành tham gia dự tuyển (tùy từng trường hợp mà sẽ có thể yêu cầu xét thêm những văn bằng, chứng chỉ bổ sung).

Điều kiện để trở thành nghiên cứu sinh là gì?
Điều kiện để trở thành nghiên cứu sinh? (Ảnh minh họa)

Những yêu cầu khác:

Theo khoản 2 Điều 7 của Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT, người dự tuyển nghiên cứu sinh còn phải đáp ứng một số yêu cầu khác như:

- Nếu là công dân Việt Nam thì phải có một trong các văn bằng sau, để chứng minh về năng lực ngoại ngữ, như sau:

  • Bằng tốt nghiệp đại học trở lên do nước ngoài cấp sau khi học toàn thời gian bằng tiếng nước ngoài;

  • Bằng tốt nghiệp trình độ đại học ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp;

  • Có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ như: TOEFL iBT từ 46 trở lên; IELTS từ 5.5 trở lên… còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký dự tuyển hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ khác tương đương trình độ bậc 4 (theo khung năng ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) do Bộ Giáo dục Giáo dục Đào tạo công bố.

- Nếu là công dân nước ngoài, muốn đăng ký theo học chương trình đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam bằng tiếng Việt thì “phải có chứng chỉ tiếng Việt tối thiểu từ bậc 4 trở lên theo khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài và phải đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ thứ hai do cơ sở đào tạo quyết định, trừ trường hợp là người bản ngữ của ngôn ngữ được sử dụng trong chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ.”

Nếu đáp ứng đầy đủ những điều kiện trên, bạn sẽ nhận được quyết định công nhận nghiên cứu sinh từ cơ sở đào tạo, bao gồm: tên nghiên cứu sinh, tên đề tài nghiên cứu dự kiến, ngành đào tạo, người hướng dẫn hoặc người đồng hướng dẫn, đơn vị chuyên môn sẽ quản lý nghiên cứu sinh, thời gian đào tạo, kế hoạch học tập và nghiên cứu toàn khóa của nghiên cứu sinh.

2.2 Điều kiện được cấp bằng và trở thành tiến sĩ

Tại khoản 1 Điều 19 Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT, nghiên cứu sinh sẽ được công nhận kết quả và cấp bằng tiến sĩ khi đáp ứng những yêu cầu sau:

“a) Luận án của nghiên cứu sinh đã được Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo đồng ý thông qua;

b) Nghiên cứu sinh đã nộp cho cơ sở đào tạo (cả bản in và bản điện tử) luận án hoàn chỉnh cuối cùng có chữ ký của nghiên cứu sinh, xác nhận của người hướng dẫn; xác nhận của Chủ tịch Hội đồng đánh giá luận án sau khi đã hoàn thành chỉnh sửa, bổ sung luận án (nếu có);

c) Nghiên cứu sinh đã nộp Thư viện Quốc gia Việt Nam (cả bản điện tử và bản in) tóm tắt luận án và toàn văn luận án hoàn chỉnh cuối cùng có chữ ký của nghiên cứu sinh, chữ ký của người hướng dẫn và xác nhận của cơ sở đào tạo”

Sau khi bạn đáp ứng đầy đủ những điều trên, cơ sở đào tạo sẽ tiến hành đăng luận án của bạn trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo này trong thời gian quy định. Sau thời gian quy định này, cơ sở đào tạo sẽ tiến hành lập hồ sơ xét và ban hành quyết định công nhận trình độ tiến sĩ cho bạn.

Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày quyết định công nhận trình độ tiến sĩ có hiệu lực. Cơ sở đào tạo sẽ tiến hành cấp bằng tiến sĩ cho bạn.

Vậy mất bao lâu bạn mới hoàn thành xong chương trình đào tạo tiến sĩ?

3. Thời gian tiêu chuẩn đào tạo bậc tiến sĩ là bao lâu?

Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT có quy định về thời gian đào tạo bậc tiến sĩ như sau:

“Thời gian đào tạo tiêu chuẩn của trình độ tiến sĩ từ 03 năm (36 tháng) đến 04 năm (48 tháng) do cơ sở đào tạo quyết định, bảo đảm phần lớn nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian này; mỗi nghiên cứu sinh có một kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nằm trong khung thời gian đào tạo tiêu chuẩn phê duyệt kèm theo quyết định công nhận nghiên cứu sinh”.

Việc đào tạo trình độ tiến sĩ sẽ được tổ chức theo hệ đào tạo chính quy. Nghiên cứu sinh phải đảm bảo hoàn thành chương trình đào tạo và nghiên cứu tại cơ sở đào tạo theo đúng thời gian đã quy định.

Mất bao lâu để hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ?
Mất bao lâu để hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ? (Ảnh minh họa)

Người học có thể hoàn thành sớm chương trình đào tạo và nghiên cứu nhưng không quá một năm (12 tháng) so với kế hoạch đào tạo. Đồng thời, người học cũng được tạo điều kiện để bảo lưu chương trình học tập và nghiên cứu nếu có nhu cầu. Tuy nhiên, tổng thời gian đào tạo không được vượt quá 6 năm (72 tháng), tính từ lúc bạn nhận được quyết định công nhận nghiên cứu sinh đến thời điểm bạn hoàn thành chương trình đào tạo và bảo vệ luận án tiến sĩ.

Như vậy, thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ sẽ có thể kéo dài từ 3 đến 6 năm kể từ khi quyết định công nhận nghiên cứu sinh có hiệu lực.

Đoạn kết

Trên đây là tổng hợp tất cả thông tin về khái niệm “nghiên cứu sinh là gì?” và những điều kiện được cấp và công nhận bằng tiến sĩ cũng như thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ. Mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về quá trình dự tuyển và đào tạo trình độ tiến sĩ.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4

Mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4

Mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4

Trò chơi điện tử trên mạng đang trở nên ngày càng thịnh hành đối với mọi lứa tuổi. Do đó, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã ban hành các quy định dành riêng cho việc cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4 trên mạng cùng với mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4.