1. Quy định mới của Quy chế tuyển sinh đại học
Thông tư 06/2025/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 05/5/2025 sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.
Theo đó, Quy chế tuyển sinh đại học có nhiều điểm mới như:
- Sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ trong tuyển sinh
- Quy định mới về cách thức tính điểm, quy đổi điểm:
Tổng điểm khuyến khích không quá 10% tổng điểm tối đa
Xét điểm môn Toán/Ngữ văn không dưới 25%
Quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển không quá 50%
Xét điểm học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 không dưới 25%
- Một ngành không được có nhiều mã xét tuyển, chỉ tiêu riêng
- Thí sinh là người nước ngoài phải đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ theo yêu cầu ngành
- Bổ sung yêu cầu trong kế hoạch tuyển sinh và phạm vi tuyển sinh
- Phạm vi đề thi không vượt quá phạm vi kiến thức chương trình THPT
- Công bố thí sinh được tuyển thẳng trước khi đăng ký xét tuyển
- Nhà trường phải chịu trách nhiệm và chủ động giải quyết sai sót trong tuyển sinh
- Bỏ phương thức xét tuyển sớm trong tuyển sinh đại học
- Thay đổi về ngưỡng đầu vào các ngành đào tạo
Xem chi tiết: Điểm mới của Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025

2. Chính sách cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số
Trẻ em, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo từ ngày 01/5/2025 sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị định 66/2025/NĐ-CP như sau:
- Đối với trẻ em nhà trẻ bán trú:
Hỗ trợ tiền ăn trưa: Mỗi trẻ em nhà trẻ được hỗ trợ mỗi tháng là 360.000 đồng và được hưởng không quá 09 tháng/năm học.
- Đối với học sinh bán trú và học viên bán trú:
Hỗ trợ tiền ăn: Mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng là 936.000 đồng và được hưởng không quá 09 tháng/năm học;
Hỗ trợ tiền nhà ở: Mỗi học sinh bán trú, học viên bán trú phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí chỗ ở trong trường hoặc học sinh lớp 1, lớp 2, học sinh khuyết tật có nhu cầu tự túc chỗ ở gần trường để người thân chăm sóc thì mỗi tháng được hỗ trợ 360.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học;
Hỗ trợ gạo: Mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học;
Học sinh bán trú lớp 1 là người dân tộc thiểu số có học tiếng Việt trước khi vào học chương trình lớp 1 thì được hưởng thêm 01 tháng các chính sách quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều này.
- Đối với học sinh dân tộc nội trú và học sinh dự bị đại học:
Học bổng chính sách: Quy định tại Điều 9 Nghị định số 84/2020/NĐ-CP;
Khen thưởng: Trong năm học, học sinh đạt danh hiệu “Học sinh Xuất sắc” được thưởng 800.000 đồng/học sinh; học sinh đạt danh hiệu “Học sinh Giỏi” được thưởng 600.000 đồng/học sinh;
Trang cấp đồ dùng cá nhân và học phẩm, tiền tàu xe;
Hỗ trợ gạo: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.
3. Quy định mới về liên kết đào tạo với nước ngoài
Thông tư 07/2025/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ chính thức có hiệu lực từ ngày 05/5/2025.
Theo đó, hình thức liên kết đào tạo giữa đại học Việt Nam và nước ngoài các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ được quy định như sau:
- Liên kết đào tạo trực tiếp được triển khai tối đa 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo thực hiện thông qua hệ thống đào tạo trực tuyến.
- Liên kết đào tạo trực tuyến bảo đảm trên 50% tổng khối lượng của chương trình đào tạo được thực hiện thông qua hệ thống đào tạo trực tuyến và chỉ áp dụng đối với trình độ đại học.
- Liên kết đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến bảo đảm từ trên 30% đến 50% tổng khối lượng của chương trình đào tạo được thực hiện thông qua hệ thống đào tạo trực tuyến và chỉ áp dụng đối với trình độ đại học và trình độ thạc sĩ.
Trên đây là các chính sách mới về giáo dục có hiệu lực tháng 5/2025. Mời bạn đọc tham gia Group VBPL - Giáo dục và Đào tạo để cập nhật nhanh nhất các văn bản mới về giáo dục.