Sử dụng tài sản của người khác để chữa cháy có cần bồi thường tài đó không? Cùng tìm hiểu quy định pháp luật mới nhất trong bài viết.
1. Sử dụng tài sản của người khác để chữa cháy có cần bồi thường không?
Điều 34 Luật Phòng cháy và chữa cháy quy định về việc bồi thường thiệt hại do sử dụng tài sản để chữa cháy:
“1. Khi có cháy, người và phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân đều có thể được huy động để chữa cháy và phục vụ chữa cháy; khi nhận được lệnh huy động phải chấp hành ngay. Phương tiện, tài sản được huy động bị thiệt hại hoặc nhà, công trình bị phá dỡ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 38 của Luật này được bồi thường theo quy định của pháp luật.”
Đồng thời, Điều 27 Nghị định 136/2020/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 10/01/2021) thì nội dung này được quy định như sau:
"Phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được huy động để chữa cháy và phục vụ chữa cháy phải được hoàn trả ngay sau khi kết thúc chữa cháy. Trường hợp phương tiện, tài sản được huy động mà bị tổn hao; nhà, công trình bị phá dỡ theo quy định tại các điểm c, d khoản 1 Điều 38 Luật Phòng cháy và chữa cháy thì được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật."
Như vậy trong trường hợp phải huy động tài sản, phương tiện của người dân, cơ quan, doanh nghiệp tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ mà bị thiệt hại thì nhà nước có chính sách bồi thường phù hợp.
2. Mức bồi thường khi sử dụng tài sản của người khác để chữa cháy
Từ ngày 01/7/2025, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 số 55/2024/QH15 có hiệu lực quy định:
“3. Phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được huy động tham gia cứu nạn, cứu hộ phải được hoàn trả ngay sau khi kết thúc cứu nạn, cứu hộ; trường hợp bị mất, hư hỏng, bị thiệt hại do việc huy động trực tiếp gây ra thì được bồi thường.
Người có thẩm quyền quyết định huy động có trách nhiệm thực hiện việc bồi thường. Mức bồi thường và việc chi trả bồi thường được thực hiện như đối với người có tài sản trưng dụng theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.”
Theo đó, mức bồi thường và việc chi trả bồi thường được thực hiện như đối với người có tài sản trưng dụng theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản trong trường hợp
- Bồi thường thiệt hại trong trường hợp tài sản bị mất: Việc bồi thường bằng tiền căn cứ vào giá thị trường của tài sản cung loại hoặc tài sản có cùng tiêu chuẩn trên thị trường, bồi thường chi phí mua bảo hiểm và lệ phí trước bạ (nếu có)
- Bồi thường thiệt hại trong trường hợp tài sản bị hư hỏng: Sửa chữa, khôi phục lại và hoàn trả cho người có tài sản hoặc bồi thường các khoản chi phí để tự sửa chữ, khôi phục lại tài sản.
- Bồi thường thiệt hại về thu nhập do việc sử dụng tài sản trực tiếp gây ra: Căn cứ vào mức thiệt hại thu nhập thực tế tính từ tài sản được trưng dụng đến ngày hoàn trả tài sản.
(Điều 35, Điều 36, Điều 37 Luật Trưng mua trưng dụng tài sản đang áp dụng 2025)
Việc bồi thường thiệt hại tài sản dùng để chữa cháy thể hiện sự công bằng và khuyến khích người dân tham gia vào công tác PCCC, góp phần bảo vệ cộng đồng. Đồng thời, giúp lực lượng PCCC an tâm thực hiện nhiệm vụ mà không lo ngại về vấn đề pháp lý liên quan đến tài sản.

3. Quyền và trách nhiệm của người cứu hỏa
Theo quy định Điều 38 Luật Phòng cháy chữa cháy năm 2001 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013):
"Điều 38. Quyền và trách nhiệm của người chỉ huy chữa cháy
1. Người chỉ huy chữa cháy thuộc lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có các quyền sau đây:
a) Huy động ngay lực lượng và phương tiện của lực lượng phòng cháy và chữa cháy để chữa cháy;
b) Quyết định khu vực chữa cháy, các biện pháp chữa cháy, sử dụng địa hình, địa vật lân cận để chữa cháy;
c) Cấm người và phương tiện không có nhiệm vụ qua lại khu vực chữa cháy; huy động người và phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để chữa cháy;
d) Quyết định phá dỡ nhà, công trình, vật chướng ngại và di chuyển tài sản trong tình thế cấp thiết để cứu người, ngăn chặn nguy cơ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng".
Theo đó, người chỉ huy chữa cháy có quyền huy động tài sản của tổ chức, cá nhân để chữa cháy trong tình huống cấp bách. Đồng thời, người dân cũng có trách nhiệm tham gia chữa cháy khi có yêu cầu.
Trên đây là giải đáp về việc sử dụng tài sản của người khác để chữa cháy có cần bồi thường tài sản dùng để chữa cháy không?