1. Triết học là gì?
Đối với người Trung Quốc, triết học có nghĩa là tri thức, trí tuệ; là sự hiểu biết sâu sắc của con người.
Ở Ấn Độ, triết học có ý nghĩa là chiêm ngưỡng, là con đường dẫn dắt con người đến với lẽ phải.
Ở phương Tây, triết học sớm xuất hiện ở Hy Lạp. Đối với người Hy Lạp, triết học có nghĩa là tình yêu đối với sự thông thái. Nó mang hàm ý là tính định hướng, đồng thời nhấn mạnh khát vọng tìm kiếm chân lý của con người.
Như vậy, dù có nguồn gốc từ phương Đông hay phương Tây, triết học đều có ý nghĩa là một hình thái ý thức xã hội, biểu thị khả năng nhận thức, đánh giá của con người.
Đã có rất nhiều định nghĩa khác nhau về triết học, nhưng tất cả đều có ý nghĩa giống nhau: Triết học nghiên cứu thế giới với tư cách là một chỉnh thể, tìm ra những quy luật chung nhất chi phối sự vận động của chỉnh thể đó nói chung; của con người trong cuộc sống cộng đồng, của xã hội loài người nói riêng và thể hiện nó một cách có hệ thống dưới dạng duy lý.
Cùng với sự ra đời của triết học Mác-Lênin, “Triết học là hệ thống tri thức lý luận chung nhất của con người về thế giới; về vị trí, vai trò của con người trong thế giới ấy.”
2. Triết học ra đời vào thời gian nào và ở đâu?
Triết học ra đời ở cả phương Đông và phương Tây gần như cùng một thời điểm (khoảng từ thế kỷ VIII đến thế kỷ VI trước Công nguyên) tại một số trung tâm văn minh lớn của nhân loại thời cổ đại như: Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp.
Triết học không xuất hiện ngẫu nhiên, mà chỉ xuất hiện khi:
Con người đã tích lũy được cho mình một vốn hiểu biết nhất định. Từ đó, họ có thể tìm ra được cái chung từ những sự kiện, hiện tượng riêng lẻ.
Khi xã hội đã hình thành tầng lớp lao động trí óc. Lúc này, họ đã có thể đưa ra các học thuyết và lý luận dựa trên sự nghiên cứu và hệ thống hoá các quan điểm, quan niệm rời rạc lại với nhau.
Như vậy, chúng ta có thể thấy triết học ra đời từ thực tiễn, do nhu cầu của thực tiễn. Do đó, có thể nói triết học có nguồn gốc nhận thức và nguồn gốc xã hội.
3. Những vấn đề cơ bản của triết học là gì?
Theo Ăngghen: "Vấn đề cơ bản lớn của mọi triết học, đặc biệt là của triết học hiện đại, là vấn đề quan hệ giữa tư duy với tồn tại”
Như vậy, vấn đề cơ bản của triết học sẽ có hai mặt, mà mỗi mặt sẽ phải trả lời cho một câu hỏi lớn:
Mặt thứ nhất: Vật chất là gì? Ý thức là gì? Ý thức và vật chất có mối quan hệ như thế nào?
Mặt thứ hai: Vấn đề về sự nhận thức; con người có thể nhận thức được thế giới hay không?
4. Các chủ nghĩa và học thuyết trong triết học
Có 2 trường phái lớn được hình thành trong quá trình các nhà triết học giải quyết mặt thứ nhất trong các vấn đề cơ bản của triết học.
Những nhà triết học cho rằng thế giới tự nhiên và vật chất là cái có trước; đồng thời, vật chất quyết định ý thức của con người được coi là các nhà duy vật. Họ tạo ra các học thuyết khác nhau tạo thành các trường phái khác nhau của chủ nghĩa duy vật.
Ngược lại, những nhà triết học cho rằng ý thức, tinh thần có trước giới tự nhiên và vật chất được gọi là các nhà duy tâm. Họ tạo ra các học thuyết khác nhau tạo thành các trường phái khác nhau của chủ nghĩa duy tâm.
Chủ nghĩa duy vật
Cho đến hiện tại, chủ nghĩa duy vật có ba hình thức cơ bản:
Chủ nghĩa duy vật chất phác: được hình thành vào thời cổ đại, điển hình là các học thuyết thời cổ đại ở Hy Lạp, Trung Quốc và Ấn Độ. Triết học giai đoạn này sử dụng giới tự nhiên để giải thích cho tự nhiên mà không viện cớ vào Thần linh hay Thượng đế
Chủ nghĩa duy vật siêu hình: Hình thức này có thời kì đỉnh cao vào thế kỷ thứ XVII, XVIII. Triết học giai đoạn này chịu sự tác động mạnh mẽ của tư duy siêu hình do đó không thể phản ánh đúng hiện thực. Tuy nhiên, chủ nghĩa duy vật siêu hình cũng đã góp phần vào việc chống lại chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo.
Chủ nghĩa duy vật biện chứng: là hình thức phát triển cao nhất trong lịch sử phát triển của chủ nghĩa duy vật, do C.Mác và Ph.Ăngghen xây dựng vào những năm 40 của thế kỷ XIX và được V.I.Lênin phát triển trong giai đoạn sau này.
Ngay từ khi vừa ra đời, chủ nghĩa duy vật biện chứng đã có thể khắc phục được những hạn chế của hai hình thức cơ bản trước nhờ vào việc kế thừa tinh hoa của những thời đại trước. Đồng thời, nó đã tận dụng được triệt để các thành tựu khoa học lúc đương thời.
Việc coi một sự vật hay một hiện tượng luôn ở trong trạng thái phát triển và xem xét nó trong mối quan hệ với các sự vật và hiện tượng khác là nét đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng; từ đó tạo nên sự đúng đắn, khoa học trong việc lý giải và cải tạo thế giới.
Chủ nghĩa duy tâm
Có hai hình thức cơ bản trong chủ nghĩa duy tâm, đó là:
Chủ nghĩa duy tâm chủ quan: hình thức này của chủ nghĩa duy tâm thừa nhận tính thứ nhất của ý thức con người nhưng lại phủ nhận sự tồn tại khách quan của hiện thực.
Chủ nghĩa duy tâm khách quan: hình thức này của chủ nghĩa duy tâm cũng thừa nhận tính thứ nhất của ý thức nhưng theo họ ý thức, ý niệm, tinh thần nói chung là cái có trước và tồn tại độc lập bên ngoài con người.
Các tôn giáo thường sử dụng các học thuyết duy tâm làm cơ sở lý luận cho quan điểm của mình. Bởi vì, chủ nghĩa duy tâm trong triết học cho rằng ý thức là cái có trước và sản sinh ra giới tự nhiên. Như vậy, có thể nói chủ nghĩa duy tâm gián tiếp thừa nhận sự sáng tạo ra thế giới. Tuy nhiên, trong thế giới quan tôn giáo, lòng tin là thứ đóng vai trò chủ đạo và là cơ sở cốt yếu. Còn chủ nghĩa duy tâm triết học lại là những học thuyết dựa trên cơ sở tri thức và lý trí. Đây là điểm khác nhau cơ bản giữa hai trường phái này.
Thuyết không thể biết
Đại đa số các nhà triết học đều thừa nhận khả năng nhận thức thế giới của con người. Thuyết không thể biết là học thuyết triết học phủ nhận khả năng nhận thức thế giới của con người.
Theo thuyết này, con người không thể hiểu được đối tượng hoặc nếu có đi chăng nữa thì cũng chỉ có thể hiểu được hình thức bề ngoài. Bởi vì, trong quá trình nhận thức, các hình ảnh về đối tượng mà các giác quan của con người cung cấp có tính xác thực không cao.
5. Ảnh hưởng của triết học Mác-Lênin đối với đời sống xã hội
Triết học Mác-Lênin có vai trò rất quan trong đời sống xã hội. Cụ thể là:
Triết học Mác-Lênin giúp con người nhận ra mối quan hệ giữa thế giới quan và vị trí của con người trong thế giới quan ấy.
Việc tìm hiểu, bồi dưỡng kiến thức về bộ môn này giúp con người có cái nhìn khách quan về sự vật và biết tôn trọng sự vật. Từ đó, giúp con người có thể xem xét, đối xử với sự vật một cách mềm dẻo, linh hoạt.
Xây dựng cho con người những quan niệm đúng đắn về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống.