Pháp chế doanh nghiệp là một hướng đi cho người học luật bên cạnh các nghề khác như luật sư, kiểm sát viên, công chứng viên... Vậy, công việc của pháp chế doanh nghiệp là gì?
Công việc của pháp chế doanh nghiệp là làm gì?
Công việc của pháp chế doanh nghiệp không có khuôn mẫu chung, mỗi doanh nghiệp sẽ có những khác biệt nhất định, tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp, ngành, nghề kinh doanh, quy mô hoạt động… của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, có thể nhóm công việc của pháp chế doanh nghiệp thành các đầu mục sau:
- Tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo doanh nghiệp trong việc xây dựng, bổ sung, sửa đổi điều lệ doanh nghiệp, xây dựng và ban hành nội dung, quy chế của doanh nghiệp, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Đại diện pháp lý cho doanh nghiệp: Tổ chức pháp chế thay mặt cho chủ doanh nghiệp tham gia giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động; tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện pháp lý theo ủy quyền của chủ doanh nghiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp và người lao động.
- Quản tri rủi ro cho doanh nghiệp: Trong đó dự báo, đánh giá và kiểm soát rủi ro là quan trọng, đặc biệt là khi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế bởi lợi nhuận càng cao rủi ro càng lớn.
Cụ thể hơn, các công việc thường thấy của nhân viên pháp chế doanh nghiệp gồm:
- Tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, là công việc thường xuyên, phổ biến nhất khi làm pháp chế: Tư vấn cho người quản trị, điều hành doanh nghiệp, các phòng ban và nhân sự của doanh nghiệp về mọi vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp khi được yêu cầu.
Có thể bao gồm: thuế, tài chính, vay, thế chấp, mua, bán tài sản, chứng khoán, đầu tư, lao động, chuyển nhượng cổ phần …
- Tư vấn, hỗ trợ hoạt động quản trị, điều hành nội bộ tại doanh nghiệp, như: Soạn thảo, thẩm định các dự thảo quy chế, quy định quản lý và các văn bản quan trọng khác của doanh nghiệp theo sự phân công của lãnh đạo; hỗ trợ soạn thảo, rà soát các văn bản doanh nghiệp cần ban hành trong hoạt động hàng ngày như: công văn, quyết định, thông báo, tờ trình, biên bản…
- Công việc liên quan đến tư vấn hợp đồng: Tham gia đàm phán, thương thảo các hợp đồng của doanh nghiệp với các đối tác; rà soát, hiệu chỉnh: các bản dự thảo hợp đồng do các đối tác, khách hàng, các bộ phận chuyên môn gửi, cấp dưới trình…
- Tư vấn, đại diện cho doanh nghiệp tham gia giải quyết tranh chấp: Nghiên cứu hồ sơ, tư vấn cho doanh nghiệp có khởi kiện hay không, tư vấn phương án, lập tờ trình xin ý kiến về việc khởi kiện; chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, soạn thảo đơn khởi kiện, các giấy tờ, tài liệu cần ký để kèm theo đơn khởi kiện; nộp hồ sơ khởi kiện, thực hiện các thủ tục để Tòa án/Trọng tài thương mại thụ lý vụ tranh chấp…
- Các loại việc khác liên quan: Đại diện thực hiện các công việc ngoài tố tụng: thủ tục xin cấp các loại giấy phép đại diện cho doanh nghiệp làm việc với cơ quan nhà nước đối với bất kỳ việc gì khi có yêu cầu; cập nhật văn bản pháp luật, chính sách pháp luật mới của nhà nước liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp …
Tóm lại, nhân sự pháp chế doanh nghiệp, tùy là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, tùy phạm vi phân công công việc, có thể phụ trách hoặc phối hợp thực hiện các công việc trên.
Một số yêu cầu của pháp chế doanh nghiệp
Để làm tốt công việc của một nhân sự pháp chế doanh nghiệp, chúng ta cần biết trước về yêu cầu cần đáp ứng của nghề này. Có thể kể đến một số yêu cầu cơ bản đối với nghề pháp chế doanh nghiệp như:
Trình độ chuyên môn
Cần nắm vững các kiến thức cơ bản của pháp luật theo tiêu chuẩn đào tạo ngành Luật của trường đại học. Cụ thể là kiến thức luật về doanh nghiệp, tài sản, thuế, hợp đồng, giao dịch bảo đảm,...
Đồng thời, khi đi làm, doanh nghiệp hoạt động trong ngành, nghề nào thì cần phải nghiên cứu thêm pháp luật quy định pháp luật của ngành nghề đó.
Kỹ năng nghề nghiệp
Nhân sự pháp chế doanh nghiệp phải có được các kỹ năng làm việc nhất định, cụ thể là:
- Kỹ năng tư vấn, gồm các kỹ năng tiếp xúc với người giao việc trong doanh nghiệp, kỹ năng xác định yêu cầu tư vấn, kỹ năng tìm kiếm và giải quyết các vấn đề pháp lý trong phạm vi tư vấn, kỹ năng viết một báo cáo pháp lý cho người giao việc để hoàn tất yêu cầu công việc (yêu cầu tư vấn) đó;
- Kỹ năng tư vấn về hợp đồng, bao gồm các kỹ năng như: kỹ năng tư vấn lựa chọn loại giao dịch, kỹ năng soạn thảo, rà soát hợp đồng, kỹ năng hỗ trợ việc giao kết, thực hiện, chấm dứt, thanh lý hợp đồng;
- Kỹ năng tư vấn nội bộ, gồm kỹ xây dựng các văn bản mang tính “lập quy” trong doanh nghiệp: quy trình, quy định, quy chế, kỹ năng soạn thảo văn bản với các loại hình văn bản trong doanh nghiệp, bao gồm kỹ năng xây dựng nội dung văn bản và kỹ năng trình bày thể thức văn bản;
- Kỹ năng tư vấn cho doanh nghiệp phương án xử lý khi phát sinh tranh chấp, kỹ năng đại diện cho doanh nghiệp tham gia giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, gồm kỹ năng trình bày, kỹ năng tranh luận trực tiếp…;
- Kỹ năng chung như kỹ năng xây dựng, quản lý, cập nhật và lưu trữ các hồ sơ pháp lý, văn bản pháp luật…
Bên cạnh đó, chuyên viên pháp chế doanh nghiệp cũng không thể thiếu các kỹ năng mềm như: kỹ năng giao tiếp; kỹ năng xây dựng và duy trì quan hệ công việc; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng quản lý thời gian …
Để trang bị cho bản thân những yêu cầu cơ bản mà nhân sự pháp chế doanh nghiệp phải có như đã nói ở trên, nhất là kiến thức pháp luật cơ bản về hoạt động của doanh nghiệp và kỹ năng làm việc, sinh viên hãy bắt đầu sớm nhất có thể từ khi còn ngồi trên giảng đường.
Để có kỹ năng làm việc, sinh viên có thể tích lũy bằng cách học kinh nghiệm từ người khác thông qua việc tham gia các khóa học về đào tạo kỹ năng ở trường, hoặc khóa đào tạo pháp chế tại Học viện ICA - khóa học do LuatVietnam đồng hành tổ chức thực hiện.
Liên hệ:
Fanpage: https://www.facebook.com/phapche.edu.vn
Website: https://phapche.edu.vn/
Hotline: 0564.646.646