Cao điểm tuần tra giao thông dịp Tết: Chú ý các lỗi vi phạm sau

Cuối năm là thời điểm giao thông diễn biến phức tạp nên lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) trên cả nước sẽ tổ chức đợt cao điểm tuần tra, xử lý vi phạm. Do vậy, người dân tham gia giao thông dịp cận Tết cần hết sức lưu ý.


Đợt cao điểm tuần tra giao thông dịp Tết diễn ra trong bao lâu?

Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong các dịp Tết và Lễ hội xuân 2022, ngày 13/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện 1725/CĐ-TTg, yêu cầu tổ chức đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông từ ngày 15/12/2021 đến hết ngày 14/02/2022.

Do vậy, trong thời gian này, lực lượng CSGT tại các địa phương sẽ đẩy mạnh việc ra quân tuần tra để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm nên người dân khi đi đường cần chú ý và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về giao thông.

Ngoài việc xử phạt vi phạm, Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung tuyên truyền, phổ biến quy định về giao thông và phòng chống Covid-19 khi đi đường với những nội dung như: Đã uống rượu, bia - không lái xe; không phóng nhanh, vượt ẩu; không chở quá số người; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn; đeo khẩu trang khi tham gia giao thông…

cao diem tuan tra giao thong dip tet


CSGT tập trung xử phạt những lỗi nào trong đợt cao điểm dịp Tết?

Mọi hành vi vi phạm giao thông nếu bị phát hiện thì đều bị xử phạt vi phạm. Theo Công điện 1725/CĐ-TTg, trong đợt cao điểm tuần tra giao thông dịp Tết này, CSGT sẽ tập trung kiểm tra để phát hiện và xử lý đối với các lỗi sau:

- Không đội mũ bảo hiểm:

Người đi xe máy, xe máy điện, xe đạp điện hoặc người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm nhưng cài quai không đúng quy cách đều sẽ bị phạt.

Mức phạt là từ 400.000 - 600.000 đồng (theo điểm b khoản 4 và khoản 6 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

- Vi phạm về nồng độ cồn:

Chỉ cần có nồng độ cồn trong hơi thở hoặc trong máu, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt vi phạm.

Tùy vào phương tiện và mức độ nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở mà mức phạt với người vi phạm sẽ là khác nhau:

+ Từ 06 - 40 triệu đồng: Ô tô (Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

+ Từ 02 - 08 triệu đồng: Xe máy (Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

+ Từ 03 - 18 triệu đồng: Xe máy chuyên dùng, máy kéo (Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

+ Từ 80.000 - 600.000 đồng: Xe đạp (Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Xem thêm: Chi tiết mức phạt nồng độ cồn đối với tài xế vi phạm

- Vi phạm về sử dụng ma túy:

Khi điều khiển phương tiện mà trong người có chất ma túy, người tham gia giao thông xe bị xử phạt như sau:

+ Ô tô: Từ 30 - 40 triệu đồng (điểm c khoản 10 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

+ Xe máy: Từ 06 - 08 triệu đồng (điểm h khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

+ Máy kéo, xe máy chuyên dùng: Từ 16 - 18 triệu đồng (điểm c khoản 7 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

- Vi phạm về tốc độ:

Tùy thuộc vào tốc độ vượt quá và phương tiện vi phạm, người điều khiển có thể bị phạt như sau:

+ Ô tô: Từ 800.000 - 12 triệu đồng (Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

+ Xe máy: Từ 300.000 - 05 triệu đồng (Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

+ Máy kéo, xe máy chuyên dùng: 400.000 - 05 triệu đồng (Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Xem thêm: Trường hợp nào chạy xe quá tốc độ mà không bị xử phạt?

- Chở quá trọng tải:

Nếu vận chuyển hàng hóa vượt trọng tải cho phép, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt từ 800.000 - 12 triệu đồng, tùy thuộc vào mức quá tải (Điều 24 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Xem thêm: Chi tiết mức xử phạt xe quá tải mới nhất

- Chở quá số người quy định:

Căn cứ Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, hành vi chở quá số người quy định sẽ bị phạt nếu:

+ Xe đến 9 chỗ chở quá từ 02 người trở lên.

+ Xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ chở quá từ 03 người trở lên.

+ Xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ chở quá từ 04 người trở lên.

+ Xe trên 30 chỗ chở quá từ 05 người trở lên.

Khi đó, tùy từng loại xe mà người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt từ 400.000 - 02 triệu đồng/người vượt quá nhưng tổng mức phạt tối đa là 70 triệu đồng.

Xem thêm: Mức phạt lỗi chở quá số người quy định

- Đua xe trái phép:

Hành vi đua xe trái phép sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng, tùy vào loại phương tiện vi phạm (theo khoản 19 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Xem thêm: Đua xe và cổ vũ đua xe trái phép: Chú ý mức phạt

- Vi phạm liên quan đến nâng giá vé xe khách:

Trường hợp tự ý thu giá vé xe khách cao hơn quy định, cả lái xe và phụ xe đều sẽ bị xử phạt theo quy định Nghị định 100/2019/NĐ-CP:

+ Người điều khiển: Phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng (Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

+ Phụ xe: Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng (Điều 31 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Trên đây là một số lỗi vi phạm mà người dân cần chú ý trong đợt cao điểm tuần tra giao thông dịp Tết. Nếu bị xử phạt không đúng với nội dung bài viết, bạn đọc gọi ngay tổng đài 1900.6199 để được các chuyên gia pháp lý LuatVietnam hỗ trợ giải đáp.

>> Từ 01/01/2022, tăng mạnh mức phạt các lỗi vi phạm giao thông
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên có bị xử phạt?

Vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên có bị xử phạt?

Vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên có bị xử phạt?

Từ 01/01/2025 mức phạt đối với hành vi vượt đèn đỏ tăng nặng. Người điều khiển phương tiện cũng cẩn thận, “dè chừng” hơn khi lưu thông. Một trong những vướng mắc nhiều người gửi về LuatVietnam đó là vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên có bị phạt?