Nơi cư trú của cá nhân là nơi nào?
Quyền tự do cư trú là quyền hiến định của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Tuy nhiên, nơi cứ trú là căn cứ quan trọng để nhà nước quản lý dân cư một cách thống nhất và đồng bộ.
Điều 40 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống.
Còn theo Điều 11 Luật Cư trú 2020, nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.
Như vậy, nơi cư trú của công dân là nơi công dân đó thường xuyên sính sống, có thể là nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú của công dân đó.
Cũng theo Luật Cư trú năm 2020, nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú.
Trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại.
Việc xác định nơi cư trú có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cá nhân:
- Bảo đảm sự ổn định các quan hệ dân sự về quản lý nhà nước về cư trú đối với cá nhân.
- Là nơi thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự, nơi phát sinh và tiếp nhận hàng loạt các sự kiện pháp lý, ví dụ là nơi mở thừa kế khi công dân chết, nơi xác định cá nhân đã chết, hoặc mất tích, nơi Tòa án có quyền giải quyết các giấy tờ mà cá nhân là bị đơn...
Xem thêm: Phân biệt “nơi cư trú”, “nơi thường trú”, “nơi tạm trú”
Cách xác định nơi cư trú của cá nhân
Xác định theo nơi thường trú hoặc tạm trú
Mỗi người chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi sinh sống ổn định, lâu dài.
Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định; có thể là nhà ở hoặc tàu, thuyền, phương tiện khác nhằm mục đích để ở và phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.
(Theo khoản 1 Điều 2 Luật Cư trú 2020 thì “Chỗ ở hợp pháp là nơi được sử dụng để sinh sống, thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của công dân, bao gồm nhà ở, tàu, thuyền, phương tiện khác có khả năng di chuyển hoặc chỗ ở khác theo quy định của pháp luật”).
Xác định theo nơi thực tế đang sinh sống
Nơi cư trú của người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú là nơi ở hiện tại của người đó; trường hợp không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống. Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại (Điều 19 Luật Cư trú).
Ngoài ra, việc xác định nơi cư trú của cá nhân cũng được xác định theo chủ thể, như (Điều 12 - 18 Luật Cư trú 2020):- Người chưa thành niên: Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống. Người chưa thành niên có quyền có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý, cho phép hoặc pháp luật có quy định, nơi cư trú của người chưa thành niên có thể do Tòa án quyết định trong trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được nơi cư trú.
- Người học tập, công tác, làm việc trong lực lượng vũ trang:+ Nơi cư trú của sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, sinh viên, học viên các trường Quân đội nhân dân là nơi đơn vị của người đó đóng quân, trừ trường hợp sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng có nơi cư trú khác.
- Người sinh sống, người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển: là nơi đăng ký phương tiện đó, trừ trường hợp có nơi cư trư khác theo quy định của Luật này.
Đối với phương tiện không phải đăng ký hoặc có nơi đăng ký phương tiện không trùng với nơi thường xuyên đậu, đỗ thì nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề lưu động là nơi phương tiện đó thường xuyên đậu, đỗ....
>> Không đăng ký tạm trú, chủ trọ hay người thuê trọ bị phạt?
>> Không có nơi thường trú, tạm trú phải khai báo thông tin cư trú