Thẻ Căn cước là gì? Cần biết những thông tin nào về thẻ Căn cước?

Từ 01/7/2024, người dân nước ta sẽ có thêm một loại giấy tờ tùy thân mới là thẻ Căn cước. Vậy thẻ Căn cước là gì? Cần biết những thông tin gì về loại giấy tờ này? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây.

 

1. Thẻ căn cước là gì? Gồm những nội dung nào?

Thẻ Căn cước là một trong các giấy tờ tùy thân của người dân, có chứa các thông tin về Căn cước, thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ của công dân Việt Nam, được cấp bởi cơ quan quản lý căn cước.

(theo khoản 11 Điều 3 Luật Căn cước số 26/2023/QH15).

Trong đó, căn cước là tất cả các thông tin cơ bản để xác định một cá nhân, gồm: Thông tin về nhân thân, lai lịch, nhân dạng và sinh trắc học của một cá nhân.

Thẻ Căn cước sẽ gồm các thông tin được in trên thẻ và các thông tin được tích hợp trong mã QR của thẻ này. Cụ thể:

- Các thông tin của cá nhân được in trên thẻ gồm: Ảnh; số định danh; họ tên, chữ đệm khai sinh; ngày tháng năm sinh; giới tính, nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú.

- Thông tin được mã hóa trong mã QR của thẻ Căn cước gồm:

  • Thông tin sinh trắc học của cá nhân: Ảnh khuôn mặt, vân tay và mống mắt của công dân.
  • Các thông tin được in trên thẻ và tên gọi khác, quê quán, dân tộc, nhóm máu, số Chứng minh nhân dân (CMND) 9 số và các thông tin liên quan đến số này, thẻ Căn cước công dân, CMND đã được cấp.
  • Các thông tin liên quan đến cha mẹ, vợ chồng, con, người đại diện, người được đại diện: Họ tên, chữ đệm, số định danh cá nhân, số CMND 9 số, quốc tịch.
  • Thông tin nhân dạng
  • Các thông tin đã được tích hợp vào thẻ Căn cước. Trong đó, có thể kể đến thông tin về sổ bảo hiểm xã hội, thẻ Bảo hiểm y tế, giấy khai sinh, giấy phép lái xe, đăng ký kết hôn… trừ thông tin trên các giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.
Thẻ căn cước là gì

2. Thẻ Căn cước khác gì thẻ Căn cước công dân?

So với thẻ Căn cước công dân, thẻ Căn cước mới có một số thay đổi đáng chú ý như sau:

- Về tên gọi: Đây là sự khác biệt rõ ràng nhất. Thay vì dùng thẻ Căn cước công dân (CCCD) thì từ 01/7/2024, thống nhất sử dụng giấy tờ căn cước là thẻ Căn cước.

Bởi khi nhắc đến thẻ Căn cước công dân là sẽ nghĩ đến một cá nhân cụ thể. Tuy nhiên, khi sử dụng thẻ Căn cước thì bên cạnh các thông tin về cá nhân đó thì còn thể hiện nhiều thông tin liên quan đến công dân.

- Về các nội dung in trên thẻ: Thông tin vân tay, đặc điểm nhận dạng trên thẻ Căn cước công dân đã bị bãi bỏ trên thẻ Căn cước. Thay vào đó, các thông tin này sẽ được thể hiện trong bộ phận lưu trữ hay chính là mã QR của thẻ Căn cước.

- Thay đổi một số thông tin: Quê quán đổi thành nơi đăng ký khai sinh để có độ chính xác cao hơn; thay vì thể hiện nơi thường trú thì thẻ Căn cước đã ghi nơi cư trú để thể hiện được trường hợp công dân không có nơi thường trú mà có thể là nơi tạm trú hoặc nơi ở hiện tại.

- Bổ sung thêm thông tin về mống mắt, ADN, giọng nói trong thẻ Căn cước. Đây là những thông tin không có trên thẻ Căn cước công dân.

Bởi mống mắt là một trong các đặc trưng cơ bản của công dân, giúp phân biệt người này với người khác đồng thời giúp cho trường hợp không lấy được vân tay thì vẫn có đặc điểm khác để xác định tính danh của một cá nhân.

>> Thẻ Căn cước mẫu mới có gì khác với thẻ Căn cước công dân?

Các bước thực hiện để được cấp thẻ Căn cước
Các bước thực hiện để được cấp thẻ Căn cước (Ảnh minh họa)

3. Trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước mới nhất

Không giống thẻ Căn cước công dân chỉ cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, thẻ Căn cước từ 01/7/2024 sẽ được cấp cho các đối tượng nêu tại Điều 19 Luật Căn cước 2023 là công dân Việt Nam và đảm bảo số tuổi cũng như điều kiện sau đây:

- Nếu từ đủ 14 tuổi trở lên: Phải thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước.

- Nếu từ dưới 14 tuổi: Khi có nhu cầu thì có thể thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước.

Do thủ tục cấp thẻ Căn cước của người dưới 14 tuổi với người từ đủ 14 tuổi trở lên khác nhau nên tại bài viết này, thủ tục cấp thẻ của hai đối tượng sẽ như sau:

Tiêu chí

Với người < 14 tuổi

Với người ≥ 14 tuổi

Hồ sơ cấp thẻ Căn cước

Phiếu thu nhận thông tin căn cước

Trình tự, thủ tục

Bước 1: Đến cơ quan quản lý căn cước cấp thẻ Căn cước

Bước 2: Người < 06 tuổi thực hiện thông qua cổng dịch vụ công/ứng dụng định danh quốc gia/liên thông đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước

Bước 3: Thu nhận thông tin nhân dạng, sinh trắc học.

Lưu ý: Không thu nhận thông tin nhân dạng, sinh trắc học với người < 06 tuổi.

Bước 4: Nhận giấy hẹn có thời gian trả hồ sơ.

Bước 1: Đến cơ quan quản lý căn cước cấp thẻ Căn cước

Bước 2: Đối chiếu, kiểm tra thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Nếu chưa có thông tin thì cập nhật, điều chỉnh thông tin của người yêu cầu.

Bước 3: Thu nhận thông tin nhân dạng, sinh trắc học gồm các thông tin: Ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt.

Bước 4: Kiểm tra và ký vào phiếu thu nhận thông tin căn cước.

Bước 5: Nhận giấy hẹn trả thẻ Căn cước.

Cơ quan có thẩm quyền

- Thực hiện online qua Cổng dịch vụ công/ứng dụng định danh điện tử.

- Với người < 6 tuổi mà chưa đăng ký khai sinh thì thực hiện liên thông đăng ký khai sinh với cấp thẻ Căn cước (nếu có nhu cầu)

- Cơ quan quản lý căn cước thuộc:

  • Công an cấp huyện nơi công dân cư trú
  • Công an cấp tỉnh nơi công dân cư trú
  • Thuộc Bộ Công an nếu thuộc trường hợp do Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an quyết định.

Mức phí phải nộp

Hiện chưa có thông tin cụ thể về mức phí cấp thẻ Căn cước. Tuy nhiên, nếu cấp thẻ Căn cước lần đầu thì không phải nộp lệ phí (theo khoản 2 Điều 38 Luật Căn cước năm 2023).

Ngoài ra, các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước đều phải nộp lệ phí trừ các trường hợp:

- Cấp đổi khi đủ tuổi phải cấp đổi thẻ Căn cước và theo yêu cầu khi thông tin trên thẻ thay đổi vì sắp xếp lại đơn vị hành chính.

- Có soi sót về các thông tin được in trên thẻ Căn cước do lỗi của cơ quan quản lý Căn cước.

Thời gian giải quyết

07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ

Mẫu thẻ Căn cước mới

4. Trường hợp cấp lại, cấp đổi, bị thu hồi, bị giữ thẻ Căn cước

- Các trường hợp cấp lại thẻ Căn cước

  • Bị mất/bị hư hỏng không sử dụng được trừ trường hợp đến độ tuổi phải cấp đổi thẻ Căn cước.
  • Người đã thôi quốc tịch Việt Nam được trở lại quốc tịch Việt Nam.

- Các trường hợp cấp đổi thẻ Căn cước

  • Khi công dân đủ 14, 25 và 40, 60 tuổi và thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước.
  • Các thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh, ngày tháng năm sinh bị thay đổi, cải chính.
  • Thông tin về nhân dạng bị thay đổi.
  • Thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay được bổ sung.
  • Khi công dân thực hiện xác định lại giới tính/chuyển đổi giới tính.
  • Thông tin in trên thẻ Căn cưcó bị sai sót.
  • Do người được cấp thẻ Căn cước yêu cầu khi có thông tin trên thẻ Căn cước thay đổi vì sắp xếp đơn vị hành chính.
  • Số định danh cá nhân được xác lập lại.
  • Theo yêu cầu của người được cấp thẻ Căn cước.

- Các trường hợp bị thu hồi thẻ Căn cước:

  • Công dân thuộc một trong các trường hợp liên quan đến quốc tịch như: Bị tước quốc tịch, được thôi quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhận quốc tịch Việt Nam.
  • Do cấp sai thẻ Căn cước.
  • Do tẩy xóa, sửa chữa thẻ Căn cước.

- Các trường hợp bị giữ thẻ Căn cước:

  • Đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành án phạt tù.
  • Đang chấp hành các biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

5. Câu hỏi thường gặp về thẻ Căn cước

Sau khi biết các thông tin liên quan để giải đáp vấn đề thẻ Căn cước là gì, dưới đây là tổng hợp các câu hỏi thường gặp về loại giấy tờ mới này. Cụ thể:

5.1 Trẻ em có bắt buộc cấp thẻ Căn cước không?

Căn cứ Điều 19 Luật Căn cước năm 2023, trẻ em cũng là một trong các đối tượng được cấp thẻ Căn cước từ 01/7/2024. Tuy nhiên, việc cấp thẻ này với trẻ em sẽ được xem xét là bắt buộc hay không với các độ tuổi khác nhau:

- Nếu trẻ em là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì thuộc trường hợp bắt buộc phải cấp thẻ Căn cước.

- Nếu trẻ em là người dưới 14 tuổi thì không bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước. Việc cấp thẻ Căn cước trong trường hợp này chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của trẻ em hoặc của người đại diện theo pháp luật của trẻ em đó.

Phải chia thành hai trường hợp với hai độ tuổi khác nhau như vậy là do theo Điều 1 Luật Trẻ em số 102/2016/QH13, để được coi là trẻ em thì phải có độ tuổi dưới 16.

Do đó, theo từng độ tuổi khác nhau, căn cứ Luật Căn cước ở trên, sẽ có hai trường hợp khác nhau như trên.

Có phải đổi từ thẻ CCCD sang thẻ Căn cước không?
Có phải đổi từ thẻ CCCD sang thẻ Căn cước không? (Ảnh minh họa)

5.2 CMND/CCCD còn hạn có phải đổi thẻ Căn cước không?

Với thẻ Căn cước công dân:

Theo quy định chuyển tiếp tại Điều 46 Luật Căn cước 2023, thẻ Căn cước công dân được cấp trước 01/7/2024 sẽ vẫn được sử dụng đến hết thời hạn in trên thẻ trừ trường hợp:

- Công dân có yêu cầu chuyển thẻ Căn cước công dân đang còn hạn sang thẻ Căn cước.

- Căn cước công dân hết hạn từ 15/01/2024 đến trước 30/6/2024 thì được sử dụng tiếp đến hết 30/6/2024. Sau ngày này, tức 01/7/2024, người có thẻ Căn cước công dân hết hạn trong thời gian trên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước.

Với giấy Chứng minh nhân dân

Tương tự như thẻ Căn cước công dân, theo khoản 2 Điều 46 Luật Căn cước 2023, Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau 31/12/2024 thì được sử dụng đến hết thời hạn này. Nếu CMND hết hạn từ ngày 15/01/2024 đến trước 30/6/2024 thì được sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

Đặc biệt, các quy định về sử dụng CCCD/CMND trong các văn bản được ban hành trước ngày 01/7/2024 thì được áp dụng như với thẻ Căn cước cho đến khi có văn bản pháp luật khác sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Các giấy tờ liên quan có số CMND/CCCD thì không phải đi thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND/CCCD trên các giấy tờ đã cấp.

Có thể liệt kê một số loại giấy tờ như: Sổ đỏ, hộ chiếu…

Xem chi tiết: 4 loại giấy tờ cần cập nhật khi CMND bị "khai tử"

Quét thẻ Căn cước sẽ
Quét thẻ Căn cước sẽ "biết" những loại giấy tờ nào được tích hợp? (Ảnh minh họa)

5.3 Giấy tờ nào sẽ được tích hợp vào thẻ Căn cước?

Không giống thẻ Căn cước công dân tại Luật Căn cước công dân, từ ngày 01/7/2024, Điều 20, Điều 22 Luật Căn cước mới đã liệt kê cụ thể các loại giấy tờ sẽ được tích hợp vào thẻ Căn cước gồm:

- Giấy tờ về xuất cảnh như hộ chiếu, giấy thông hành… nếu nước ta có ký kết điều ước/thỏa thuận quốc tến với nước ngoài về việc cho phép người dân của nhau được sử dụng thẻ Căn cước thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau.

- Thông tin của thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn… do Thủ tướng Chính phủ quyết định trừ giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.

5.4 Thẻ Căn cước có định vị không?

Tại Điều 3 dự thảo Thông tư về mẫu thẻ Căn cước có đề xuất, mặt sau của thẻ Căn cước có mã QR và bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa 03 dòng MRZ.

Theo đó, các thông tin được lưu trữ tại mã QR gồm họ tên, số định danh của cha mẹ, vợ chồng, con, số CMND 09 số của người đó…

Dù hiện nay chưa có mẫu thẻ Căn cước mới chính thức nhưng về cơ bản, mã QR trong thẻ Căn cước có lẽ sẽ tương tự như mã QR của thẻ Căn cước công dân, chỉ là sẽ lưu trữ được nhiều thông tin hơn.

Còn riêng về tính bảo mật thì đây được coi là một trong những công nghệ có tính bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, tích hợp được nhiều thông tin… và cũng tương tự như thẻ Căn cước công dân gắn chip, con chip trong thẻ Căn cước cũng sẽ không có chức năng định vị để theo dõi công dân.

5.5 Tại sao người dân nên đi làm thẻ Căn cước?

Bởi nhiều nguyên nhân, người dân nên đi làm thẻ Căn cước từ ngày 01/7/2024, trong đó có thể kể một số lý do dưới đây:

- Được miễn phí khi cấp thẻ Căn cước lần đầu.

- Lưu trữ được thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, vân tay, giọng nói…

- Tích hợp nhiều loại giấy tờ và có thể sử dụng thẻ Căn cước thay cho các loại giấy tờ đó.

- Các thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành… được tích hợp đa dạng, đầy đủ hơn các loại giấy tờ khác…

Và còn rất nhiều lợi ích khác của thẻ Căn cước. Do đó, sau khi biết rõ “thẻ Căn cước là gì” và những thông tin liên quan, có thể thấy, loại giấy tờ này là rất quan trọng với mỗi công dân.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Hướng dẫn thủ tục miễn kiểm định ô tô lần đầu từ 01/01/2025

Hướng dẫn thủ tục miễn kiểm định ô tô lần đầu từ 01/01/2025

Hướng dẫn thủ tục miễn kiểm định ô tô lần đầu từ 01/01/2025

Bài viết hướng dẫn đầy đủ thủ tục miễn kiểm định ô tô lần đầu từ 01/01/2025. Theo đó, cơ sở đăng kiểm sẽ lập hồ sơ phương tiện để cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định mà chủ xe không phải đưa xe đến cơ sở đăng kiểm để thực hiện việc kiểm tra, đánh giá.