Ở các thành phố hiện nay có một số lượng lớn người dân ngoại tỉnh đến sinh sống, học tập và làm việc. Thế nhưng, vẫn rất nhiều người trong số họ không đi làm thủ tục đăng ký tạm trú, cho dù đây là thủ tục bắt buộc.
Từ ngày 01/7/2021, người dân cần đặc biệt lưu ý phải đi làm đăng ký tạm trú nếu như đang sinh sống từ 30 ngày trở lên ở ngoài phạm vi cấp xã nơi đăng ký thường trú, vì một số lý do như sau:
1. Đăng ký tạm trú để làm Căn cước công dân gắn chip
Ngày 01/7/2021, Thông tư 59/2021/TT-BCA có hiệu lực thi hành, trong đó có quy định:
Công dân trực tiếp đến cơ quan Công an có thẩm quyền tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân nơi công dân thường trú, tạm trú để đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Như vậy, theo quy định nêu trên, kể từ ngày 01/7/2021, người dân có thể đến nơi đăng ký tạm trú để làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân gắn chip, thay vì phải về quê - nơi đăng ký thường trú - như trước đây.
Đây là lý do từ ngày 01/7/2021, người dân đang sinh sống xa quê, nên đi làm thủ tục đăng ký tạm trú ngay tại nơi mình đang làm việc, học tập, để có thể làm Căn cước công dân gắn chip ngay tại đây.
4 lý do cần đi làm tạm trú ngay từ ngày 01/7/2021 (Ảnh minh họa)
2. Đăng ký tạm trú để không bị xóa đăng ký thường trú
Luật Cư trú 2020 cũng có hiệu lực từ ngày 01/7/2021, quy định mới nhiều trường hợp bị xóa đăng ký thường trú. Một trong số đó là:
Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng.
Có thể hiểu, từ 01/7/2021, nếu như vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên thì cần phải đăng ký tạm trú hoặc khai báo tạm vắng tại nơi thường trú, nếu không làm một trong hai thủ tục này, sẽ bị xóa đăng ký thường trú (Xem thêm: Xóa đăng ký thường trú ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống).
3. Đăng ký tạm trú để không bị phạt
Theo Điều 27 của Luật Cư trú 2020, việc đăng ký tạm trú là thủ tục bắt buộc đối với mỗi công dân đến sinh sống tại chỗ ở ngoài phạm vi đơn vi hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú từ 30 ngày trở lên.
Do đó, người dân thuộc trường hợp nêu trên, cần phải đi làm thủ tục đăng ký tạm trú ngay. Điểm b khoản 1 Điều 8 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định: Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký tạm trú sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng.
Theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 167, mức phạt trên dự kiến sẽ được tăng lên 300.000 - 500.000 đồng.
4. Thủ tục đăng ký tạm trú dễ dàng hơn
Theo Luật Cư trú 2020, từ ngày 01/7/2021, khi đi đăng ký tạm trú, người dân chỉ cần chuẩn bị: Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp và nộp hồ sơ đăng ký tạm trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình dự kiến tạm trú.
Trong khi trước đây có quy định, trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý;
Như vậy, từ 01/7/2021, đăng ký tạm trú không cần chủ nhà đồng ý, đây là một quy định mới rất thuận lợi cho người đi đăng ký tạm trú.
Trên đây là 4 lý do nên đi làm tạm trú ngay từ ngày 01/7/2021. Còn rất nhiều thay đổi liên quan đến đăng ký tạm trú, thường trú từ thời điểm này, bạn đọc có thể tham khảo video Review Luật Cư trú của LuatVietnam. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ: 1900.6192.
>> Nhiều thay đổi về đăng ký tạm trú từ ngày 01/7/2021