Đang hưởng chế độ theo NĐ 116, có tiếp tục được hưởng theo NĐ 76?

Đây là băn khoăn của nhiều người, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 76/2019/NĐ-CP về chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng đặc biệt khó khăn thay thế cho Nghị định 116/2010/NĐ-CP.

Đối tượng, điều kiện hưởng không có nhiều thay đổi

Để xác định những người đang hưởng chế độ theo Nghị định 116 có tiếp tục được hưởng theo Nghị định 76 hay không, cùng so sánh các quy định về đối tượng, điều kiện hưởng tại 2 Nghị định này.

- Về đối tượng hưởng:

So với Nghị định 116, Nghị định 76 mở rộng các đối tượng được hưởng chế độ khi đến công tác tại vùng đặc biệt khó khăn.

Cụ thể, ngoài giữ nguyên các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp… đã được quy định tại Nghị định 116, Nghị định mới tiếp tục bổ sung thêm 02 đối tượng nữa, gồm:

  • Người làm việc trong tổ chức cơ yếu;
  • Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động.

- Về điều kiện hưởng:

Theo Nghị định 76, các đối tượng nêu trên đang công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi. Trong đó, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm:

- Huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1;

- Các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (có 1.935 xã theo Quyết định 582/QĐ-TTg).

          Trước đây tại Nghị định 116 là các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

- Các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp... đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (có 20.176 thôn theo Quyết định 582/QĐ-TTg);

          Trước đây tại Nghị định 116 là các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp,… (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

So với quy định tại Nghị định 116, các địa bàn được coi là vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn đã có ít nhiều thay đổi.

Như vậy, các cán bộ, công chức, viên chức đang hưởng các chế độ theo Nghị định 116 để biết chính xác mình có còn thuộc diện được hưởng chế độ theo Nghị định 76 hay không, cần căn cứ cụ thể vào các quy định về đối tượng, điều kiện hưởng nêu trên.

Tuy nhiên, nhìn chung các quy định này tại Nghị định 76 không có nhiều thay đổi so với Nghị định 116.

Đang hưởng chế độ theo NĐ 116, có tiếp tục được hưởng theo NĐ 76?

Đang hưởng chế độ theo NĐ 116 có tiếp tục được hưởng theo NĐ 76 là băn khoăn của nhiều người (Ảnh minh họa)


Các chế độ phụ cấp, trợ cấp về cơ bản vẫn được giữ nguyên

Nhiều người bày tỏ băn khoăn về việc các khoản phụ cấp, trợ cấp được quy định trước đây tại Nghị định 116 và các văn bản khác liên quan có còn tiếp tục được quy định tại Nghị định 76 hay không?

Trước đây, các chế độ phụ cấp, trợ cấp được quy định rải rác tại Nghị định 116/2010, Nghị định 64/2009, Nghị định 61/2006, Nghị định 19/2013, nay được quy định tập trung trong Nghị định 76.

Thế nhưng, các khoản phụ cấp, trợ cấp này tại Nghị định 76 gần như vẫn được giữ nguyên so với quy định cũ.

Chỉ có một số sự điều chỉnh như sau:

- Trợ cấp lần đầu: Cán bộ, công chức, viên chức lần đầu đến công tác tại vùng đặc biệt khó khăn được nhận ngay khoản trợ cấp này (10 tháng lương cơ sở). Trong khi trước đây, phải đáp ứng điều kiện có tối thiểu 03 năm công tác với nữ và 05 năm công tác với nam tại vùng đặc biệt khó khăn mới được hưởng.

- Trợ cấp nước sạch: Chỉ những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thiếu nước ngọt và sạch theo mùa từ 01 tháng liên tục trở lên trong năm mới được khoản trợ cấp này (trước đây không quy định)…

>> Toàn bộ chế độ với công chức, viên chức vùng đặc biệt khó khăn

 
Lan Vũ

Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục