Công chức đang tập sự có được hưởng chế độ thai sản không?

Việc mang thai không ảnh hưởng đến việc trúng tuyển công chức. Tuy nhiên, nếu đã trúng tuyển và đang trong thời gian tập sự mà sinh con thì có được hưởng chế độ thai sản không?


Nghỉ thai sản không được tính vào thời gian tập sự

Khi được tuyển dụng vào công chức, người trúng tuyển phải thực hiện chế độ tập sự để làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng:

- Nắm vững các quy định của Luật Cán bộ, công chức về quyền, nghĩa vụ của công chức, những việc công chức không được làm;

- Nắm vững cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình đang công tác cùng với nội quy, quy chế làm việc và chức trách, nhiệm vụ của vị trí việc làm mà mình được tuyển dụng;

- Trau dồi kiến thức và kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng;

- Tập giải quyết, thực hiện các công việc của vị trí được tuyển dụng;

Theo đó, căn cứ vào Nghị định 161 năm 2018, công chức phải tập sự trong thời gian:

- 12 tháng nếu được tuyển dụng vào công chức loại C;

- 06 tháng nếu được tuyển dụng vào công chức loại D.

Đặc biệt: Nếu là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ sau khi được tuyển dụng có thể được tập sự trong thời gian ít nhất là 03 tháng và không quá 12 tháng (Điều 10 Nghị định số 140/2017/NĐ-CP).

Cũng tại Nghị định 161/2018, thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) không được tính vào thời gian tập sự.

Do đó, nếu nghỉ thai sản trong thời gian tập sự thì thời gian nghỉ sinh đó sẽ không được tính vào thời gian tập sự. Sau đó, người này sẽ phải tiếp tục thực hiện tập sự cho đến khi đủ thời gian theo quy định mà không phải tập sự lại từ đầu.

công chức tập sự có được hưởng chế độ thai sản

Công chức đang tập sự có được hưởng chế độ thai sản không? (Ảnh minh họa)

Đang tập sự mà sinh con vẫn được hưởng thai sản?

Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội mới nhất năm 2014, người lao động sẽ được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Lao động nữ mang thai; sinh con;

- Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

- Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

- Lao động nữ đặt vòng tránh thai, thực hiện biện pháp triệt sản;

- Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.

Trong đó, nếu sinh con thì người mẹ phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Đặc biệt: Nếu phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bệnh viện khi đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Như vậy, mặc dù thời gian nghỉ sinh con không được tính vào thời gian tập sự, nhưng nếu công chức có đóng BHXH thì khi nghỉ sinh công chức vẫn được hưởng chế độ thai sản.

>> Chế độ thai sản 2019: Thông tin cần biết khi sinh con

Nguyễn Hương

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Từ 14/02/2025, để tổ chức dạy thêm, giáo viên phải đăng kí kinh doanh, sau đó niêm yết trên cổng thông tin điện tử hoặc tại nơi dạy thêm. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm cách viết mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm để thực hiện niêm yết.