Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 09/2017

(LuatVietnam) Hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội như: Mức trợ cấp hàng tháng với cán bộ xã già yếu nghỉ việc; Bồi dưỡng đến 10 triệu đồng cho người cung cấp thông tin liệt sĩ; Người dân được đánh giá sự hài lòng khi thực hiện TTHC tại cấp xã; Tổ chức kiểm tra sức khỏe cho trẻ em mỗi năm một lần; Nhà mạng phải thông báo việc tự động gia hạn dịch vụ định kỳ… sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 09/2017.


Mức thu tiền cấp quyền khai thác nước

Tại Nghị định số 82/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/09/2017, Chính phủ đã quy định cụ thể về mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Theo đó, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được quy định theo mục đích khai thác nước, cụ thể: Khai thác nước dùng cho sản xuất thủy điện là 1%; Khai thác nước dùng cho kinh doanh dịch vụ là 2%; Khai thác nước dùng cho sản xuất phi nông nghiệp, trừ nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi là 1,5%; Khai thác nước dưới đất dùng cho tưới cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác là 0,2%; Khai thác nước dưới đất dùng cho nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc là 0,1%.

Căn cứ khả năng của mình, tổ chức, cá nhân được lựa chọn phương thức nộp tiền theo tháng, quý hoặc theo năm tại Kho bạc Nhà nước địa phương nơi có công trình khai thác tài nguyên nước.

Tiêu chí cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập

Cũng có hiệu lực từ ngày 01/09/2017, Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ về các tiêu chí cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập.

Trước tiên, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cổ phần hóa phải hoạt động trong các ngành, lĩnh vực như: Khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch; Thoát nước và xử lý nước thải; Vệ sinh môi trường; Chiếu sáng; Dịch vụ tư vấn trong các lĩnh vực; Thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm; Quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa; Quản lý, bảo trì bến tàu, bến xe; Kiểm định xây dựng; Hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe…

Bên cạnh đó, đơn vị sự nghiệp công lập còn phải đáp ứng thêm các tiêu chí: Tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi hoặc có khả năng tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên sau khi chuyển đổi; Có phương án tiếp tục cung cấp dịch vụ với chất lượng tốt.

Mức trợ cấp hàng tháng với cán bộ xã già yếu nghỉ việc

Theo Thông tư số 04/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ, từ ngày 01/07/2017, mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã già yếu nghỉ việc bằng mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 06/2017 nhân (x) với 1,0744.

Như vậy, mức trợ cấp đối với cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã là 1.846.000 đồng/tháng; nguyên là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký UBND, Thư ký Hội đồng nhân dân xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã là 1.786.000 đồng/tháng; Đối với các chức danh còn lại, mức trợ cấp là 1.653.000 đồng/tháng.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/09/2017.

Trường học phải có đường dây nóng tiếp nhận thông tin của học sinh

Nhằm tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện cho học sinh, Chính phủ yêu cầu các cơ sở giáo dục phải thiết lập kênh thông tin như hộp thư góp ý, đường dây nóng và các hình thức khác để tiếp nhận, xử lý các thông tin của học sinh nhưng phải bảo mật cho người cung cấp thông tin. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục còn phải thường xuyên trao đổi thông tin với phụ huynh trong việc bảo đảm an toàn tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của học sinh.

Với học sinh có nguy cơ bị bạo lực học đường, cần phải phát hiện kịp thời; Đánh giá mức độ nguy cơ, hình thức bạo lực có thể xảy ra để có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ cụ thể; Thực hiện tham vấn, tư vấn cho học sinh có nguy cơ bị bạo lực và gây ra bạo lực…

Nội dung trên được nêu tại Nghị định số 80/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 05/09/2017.

Phát sai dự báo thiên tai bị phạt tới 50 triệu đồng

Tại Nghị định số 84/2017/NĐ-CP, Chính phủ đã công bố một loạt mức phạt mới đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ.

Cụ thể, mức phạt tiền 40 - 50 triệu đồng được áp dụng với hành vi truyền, phát sai lệch bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn hoặc không truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn… Với hành vi truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn chậm so với thời gian quy định, mức phạt từ 20 - 30 triệu đồng; Truyền, phát không đầy đủ nội dung bản tin, mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Cũng theo Nghị định này, đốt lửa, phun nước ảnh hưởng đến công trình thuộc trạm khí tượng bị phạt đến 01 triệu đồng; Trồng cây lâu năm trong hành lang kỹ thuật che chắn công trình khí tượng thủy văn bị phạt đến 03 triệu đồng; Đổ rác thải, chất thải vào lòng sông, hai bên bờ sông trong hành lang kỹ thuật của công trình thuộc trạm thủy văn bị phạt đến 07 triệu đồng…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/09/2017.

Bồi dưỡng đến 10 triệu đồng cho người cung cấp thông tin liệt sĩ

Từ ngày 10/09/2017, mức bồi dưỡng đối với người cung cấp thông tin về liệt sĩ sẽ được điều chỉnh theo Quyết định số 35/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, bồi dưỡng 03 triệu đồng cho người cung cấp thông tin chính xác để tìm kiếm, quy tập được 01 hài cốt liệt sĩ; 05 triệu đồng đối với thông tin chính xác về mộ tập thể có từ 02 - 05 hài cốt liệt sĩ và 10 triệu đồng đối với thông tin chính xác về mộ tập thể có từ 06 hài cốt liệt sĩ trở lên. Trong khi trước đây, mức bồi dưỡng trong trường hợp này được quy định chỉ 02 triệu đồng.

Ngoài ra, Quyết định này còn tăng mức bồi dưỡng đối với đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Cụ thể, tăng mức bồi dưỡng khi trực tiếp làm nhiệm vụ khảo sát, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ ở trong nước từ 100.000 đồng/người/ngày thực tế làm nhiệm vụ lên 220.000 đồng/người/ngày thực tế làm nhiệm vụ; tăng mức bồi dưỡng sức khỏe từ 280.000 đồng/người lên mức 500.000 đồng/người (không quá 02 lần/năm).

Quy định về tạm nhập, tái xuất hàng hóa

Thông tư số 11/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

Việc tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới chỉ được thực hiện tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trong khu kinh tế cửa khẩu hoặc cửa khẩu phụ ngoài khu kinh tế cửa khẩu nhưng có đầy đủ cơ quan kiểm soát chuyên ngành theo quy định và cơ sở kỹ thuật bảo đảm quản lý Nhà nước.

Hàng hóa tạm nhập, tái xuất chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan từ cửa khẩu tạm nhập cho tới khi hàng hóa thực tái xuất ra nước ngoài; Không chia nhỏ hàng hóa vận chuyển bằng công-ten-nơ trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa. Hàng thực phẩm đông lạnh, hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt, hàng hóa đã qua sử dụng không được phép chuyển loại hình từ kinh doanh tạm nhập, tái xuất sang nhập khẩu để tiêu thụ nội địa.

Thông tư này có hiệu lực ngày 11/09/2017.

Giấy phép hoạt động điện lực có thời hạn tối đa 20 năm

Theo Thông tư số 12/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương, thời hạn tối đa của giấy phép tư vấn chuyên ngành điện lực là 05 năm; giấy phép phân phối điện; bán buôn điện, bán lẻ điện và xuất, nhập khẩu điện đều có thời hạn tối đa là 10 năm; giấy phép truyền tải điện có thời hạn tối đa là 20 năm. Riêng giấy phép phát điện, thời hạn tối đa là 20 năm đối với nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; 10 năm đối với các nhà máy điện còn lại.

Thông tư cũng quy định cụ thể về 04 trường hợp miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, gồm: Phát điện để tự sử dụng, không bán cho tổ chức, cá nhân khác; Phát điện có công suất lắp đặt dưới 01 MW để bán cho tổ chức, cá nhân khác; Mua điện với công suất nhỏ hơn 50 kVA từ lưới điện phân phối để bán trực tiếp tới khách hàng sử dụng điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo; Điều độ hệ thống điện quốc gia và điều hành giao dịch thị trường điện lực.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 14/09/2017.

Không tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, phạt đến 800.000 đồng

Từ ngày 15/09/2017, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y sẽ được áp dụng theo quy định của Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Đáng chú ý, Nghị định quy định phạt từ 600.000 đồng - 800.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Ngoài ra, Nghị định còn chỉ rõ, phạt từ 20 - 25 triệu đồng đối với hành vi ngâm, tẩm hóa chất vào sản phẩm động vật; Phạt từ 15 - 20 triệu đồng với hành vi giết mổ động vật, thu hoạch động vật thủy sản dùng làm thực phẩm trước thời gian ngừng sử dụng thuốc thú y không theo hướng dẫn sử dụng hoặc hành vi đưa nước, các loại chất khác vào động vật trước khi giết mổ. Với hành vi sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật có chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, thú y; Giết mổ động vật mắc bệnh, kinh doanh sản phẩm động vật mang mầm bệnh, mức phạt được quy định từ 25 - 30 triệu đồng.

Nghị định này có hiệu lực ngày 15/09/2017.

Cơ chế tài chính đặc thù với Thành phố Hải Phòng

Cũng giống như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay TP. Đà Nẵng, TP. Hải Phòng là địa phương được hưởng cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù.

Theo Nghị định số 89/2017/NĐ-CP của Chính phủ, TP. Hải Phòng được vay vốn đầu tư trong nước thông qua các hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức huy động khác; mức dư nợ vay của ngân sách Thành phố không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân sách Nhà nước hàng năm.

Thành phố cũng sẽ được ưu tiên hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách trung ương để tham gia thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công - tư phục vụ cấp vùng và các dự án lớn, quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố.

Đồng thời, Thành phố được thực hiện cơ chế hỗ trợ một phần lãi suất cho các tổ chức, cá nhân khi vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, có khả năng thu hồi vốn trong phạm vi và khả năng của ngân sách Thành phố.

Nghị định này có hiệu lực ngày 15/09/2017.

Đánh giá công chức trước khi bình xét thi đua, khen thưởng

Nghị định số 88/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định thời điểm đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức được tiến hành trong tháng 12 hàng năm, trước khi thực hiện việc bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và một số lĩnh vực khác có thời điểm kết thúc năm công tác trước tháng 12 hàng năm, thời điểm đánh giá, phân loại công chức, viên chức do người đứng đầu quyết định.

Về việc đánh giá, phân loại đối với người đứng đầu, cấp phó tại cơ quan, đơn vị, Nghị định yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp quyết định đánh giá, phân loại đối với người đứng đầu tại cơ quan, đơn vị. 

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị đánh giá, phân loại đối với cấp phó do mình bổ nhiệm. Trường hợp cấp phó không do mình bổ nhiệm thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhận xét bằng văn bản và đề nghị người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định việc đánh giá, phân loại đối với cấp phó của mình.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/09/2017.

Điều chỉnh hồ sơ xóa nợ thuế với doanh nghiệp phá sản

Đây là nội dung của Thông tư số 79/2017/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/09/2017.

Cụ thể, đối với trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, hồ sơ xóa nợ tiền thuế bao gồm: Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Tòa án; Tài liệu phân chia tài sản của chấp hành viên thể hiện số nợ thuế thu hồi được và không thu hồi được; Quyết định về việc đình chỉ thi hành quyết định tuyên bố phá sản của cơ quan thi hành án dân sự. Các tài liệu này phải là bản chính hoặc sao y bản chính.

Trước đây, hồ sơ xóa nợ tiền thuế của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản chỉ bao gồm: Quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản kèm theo phương án phân chia tài sản và Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Tòa án. Đồng thời, các tài liệu chỉ cần là bản sao có công chứng hoặc chứng thực.

Người dân được đánh giá sự hài lòng khi thực hiện TTHC tại cấp xã

Tại Thông tư số 07/2017/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 15/09/2017, Bộ Tư pháp đã đề cập đến việc đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) tại cấp xã.

Cụ thể, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, phân công công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã chủ trì, phối hợp công chức Tư pháp - Hộ tịch tổ chức đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC bằng Phiếu lấy ý kiến.

Đối tượng tham gia đánh giá là tổ chức, cá nhân có yêu cầu thực hiện TTHC thuộc trách nhiệm của UBND cấp xã và đã được trả kết quả giải quyết trong năm đánh giá hoặc năm trước liền kề. Số lượng đối tượng tham gia hàng năm phải đạt tối thiểu 15% trở lên số lượt TTHC tại cấp xã đã được giải quyết và trả kết quả của năm trước liền kề năm đánh giá.

Việc đánh giá được thực hiện nhiều lần vào cuối tháng, cuối quý hoặc 06 tháng một lần tùy theo điều kiện thực tế của địa phương.

Phương tiện tránh thai thuộc nhóm hàng có khả năng gây mất an toàn

Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế đã được Bộ này ban hành tại Thông tư số 31/2017/TT-BYT, có hiệu lực từ ngày 15/09/2017.

Danh mục gồm 06 nhóm: Thuốc thành phẩm, vắc-xin, sinh phẩm điều trị; Nguyên liệu làm thuốc, bao bì tiếp xúc trực tiếp vào thuốc; Trang thiết bị y tế thuộc loại B, C và D quy định tại Nghị định số 36/2016/NĐ-CP; Phương tiện tránh thai; Chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; Thiết bị y học cổ truyền. Như vậy, Phương tiện tránh thai là nhóm sản phẩm được thêm mới vào Danh mục này, thay cho nhóm Vị thuốc đông y có độc tính trước đây.

Phương tiện tránh thai bao gồm: Các phương tiện tránh thai sử dụng qua đường cấy/ghép; Các phương tiện tránh thai đặt trong buồng tử cung; Bao cao su và các chất bôi trơn; Các phương tiện tránh thai dán trên da…

Tổ chức kiểm tra sức khỏe cho trẻ em mỗi năm một lần

Nhằm phát hiện bệnh tật, các nguy cơ về bệnh tật để tư vấn, xử trí hoặc điều trị thích hợp cho trẻ em, Bộ Y tế yêu cầu tổ chức khám tổng quát và kiểm tra sức khỏe cho trẻ em mỗi năm một lần.

Cụ thể, trẻ từ khi sinh đến trước khi vào học mầm non và trẻ dưới 6 tuổi không đi học được khám sức khỏe định kỳ tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn về các nội dung: Đo chiều cao, cân nặng để đánh giá về phát triển thể lực; Khám toàn diện để đánh giá về phát triển tinh thần, vận động, phát hiện bệnh tật, các dấu hiệu bất thường và nguy cơ về bệnh tật; Kiểm tra tiêm chủng theo lịch và tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đối với trẻ em chưa tiêm và có nhu cầu…

Trẻ em từ 07 đến dưới 16 tuổi không đi học được khám sức khỏe định kỳ tại Trạm y tế xã theo nội dung ghi trong Hồ sơ quản lý sức khỏe. Trẻ là học sinh từ mầm non đến hết trung học cơ sở được kiểm tra sức khỏe, khám sức khỏe tại trường vào đầu năm học.

Trên đây là nội dung của Thông tư số 23/2017/TT-BYT, có hiệu lực từ ngày 15/09/2017.

Nhà mạng phải thông báo việc tự động gia hạn dịch vụ định kỳ

Thông tư số 08/2017/TT-BTTTT cho thấy Bộ Thông tin và Truyền thông đã siết chặt hơn quy định về trách nhiệm của các nhà mạng di động trong việc thông báo gia hạn dịch vụ nội dung thông tin.

Theo đó, các nhà mạng di dộng phải gửi tin nhắn ngắn SMS tới các thuê bao đã đăng ký sử dụng dịch vụ định kỳ để thông báo về việc tự động gia hạn. Nội dung thông báo gồm các thông tin: Tên dịch vụ, mã, số cung cấp dịch vụ, chu kỳ cước, giá cước, cách hủy, tổng đài hỗ trợ tư vấn khách khàng.

Với các dịch vụ định kỳ ngày, tuần, nhà mạng phải thông báo 07 ngày/lần kể từ ngày đăng ký thành công; với các dịch vụ định kỳ tháng, năm, phải thông báo 30 ngày/lần kể từ ngày đăng ký thành công. Thời gian gửi thông báo từ 07 giờ đến 22 giờ. Trường hợp thuê bao đã nhắn tin ngắn SMS theo cú pháp để hủy dịch vụ, nhà mạng phải có tin nhắn thông báo về kết quả xử lý yêu cầu hủy này.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 21/09/2017.

Quy định mới về bảo đảm an toàn vốn của tổ chức tín dụng

Một trong những nội dung mới, đáng chú ý tại Nghị định số 93/2017/NĐ-CP của Chính phủ là quy định về việc bảo đảm an toàn vốn của tổ chức tín dụng.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn vốn trong hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định khác có liên quan. Trường hợp không đạt hoặc không có khả năng đạt tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, trong tối đa 01 tháng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các giải pháp khắc phục, như: Chuyển nhượng vốn đầu tư ra bên ngoài; Tăng vốn điều lệ, vốn được cấp…

Để bảo đảm an toàn vốn, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài còn phải mua bảo hiểm tài sản với những tài sản pháp luật quy định; Tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi và công khai việc tham gia đó tại trụ sở, chi nhánh; Xử lý giá trị tài sản tổn thất theo đúng quy định; Hạch toán vào chi phí hoạt động kinh doanh khoản dự phòng rủi ro…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/09/2017.

Kiểm soát thủ tục hành chính ngay khi đề nghị xây dựng văn bản

Thay vì thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính từ khi dự thảo quy định về thủ tục hành chính như trước đây, Nghị định số 92/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc kiểm soát thủ tục hành chính phải được thực hiện ngay từ khi đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và tiến hành thường xuyên, liên tục trong quá trình tổ chức thực hiện thủ tục hành chính.

Cũng theo Nghị định này, việc quy định một thủ tục hành chính hoàn thành khi đáp ứng đầy đủ 07 bộ phận tạo thành cơ bản: Tên thủ tục hành chính; Trình tự thực hiện; Cách thức thực hiện; Thành phần, số lượng hồ sơ; Thời hạn giải quyết; Đối tượng thực hiện; Cơ quan giải quyết; không còn bao gồm Kết quả thực hiện thủ tục hành chính như quy định cũ.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/09/2017.

Ngoài ra, còn có quy định về Cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống tổ chức thống kê tập trung và thống kê bộ, cơ quan ngang bộ; Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến; Quy chế ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán; Quy định tiêu chuẩn và sử dụng xe ô tô cứu thương… cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 09/2017.

Khách hàng của LuatVietnam có thể xem thêm Danh sách các văn bản có hiệu lực trong tháng 09/2017 tại đây.

 

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Phải che mặt nạn nhân trẻ em khi đăng trên báo chí

Phải che mặt nạn nhân trẻ em khi đăng trên báo chí

Phải che mặt nạn nhân trẻ em khi đăng trên báo chí

Ngày 23/06/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm…