Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2017

(LuatVietnam) Hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội như: Hướng dẫn mới về bổ nhiệm ngạch và xếp lương công chức; Nhà nước độc quyền kinh doanh xổ số kiến thiết, vàng miếng; Trẻ em được tư vấn, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản; Phải che mặt nạn nhân trẻ em khi đăng trên báo chí; Cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài qua mạng điện tử; Bãi bỏ Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chất lượng; Quy định việc chuyển cửa khẩu về cảng cạn ICD Mỹ Đình; Bỏ thẻ căn cước công dân trong hồ sơ vay vốn tạo việc làm… sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2017.

Hướng dẫn mới về bổ nhiệm ngạch và xếp lương công chức

Có hiệu lực từ ngày 01/10, Thông tư 05/2017/TT-BNV ngày 15/08/2017 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung về tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn, bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính quy định công chức được bổ nhiệm vào các ngạch công chức chuyên ngành hành chính được áp dụng bảng lương tương ứng tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ.

Theo đó, áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước đối với các ngạch công chức sau: Ngạch chuyên viên cao cấp áp dụng công chức loại A3 (nhóm I), có hệ số lương từ 6.20 - 8.00; Ngạch chuyên viên chính áp dụng công chức loại A2 (nhóm I), có hệ số lương từ 4.40 - 6.78; Ngạch chuyên viên áp dụng công chức loại A1, có hệ số lương từ 2.34 - 4.98; Ngạch cán sự áp dụng công chức loại A0, có hệ số lượng từ 2.10 - 4.89 và Ngạch nhân viên áp dụng công chức loại B, có hệ số lương từ 1.86 - 4.06.

Đối với Ngạch nhân viên lái xe cơ quan áp dụng Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ, hệ số lương dao động từ 2.05 - 4.03.

Không đầu tư quá 20% tổng giá trị tài sản của quỹ hưu trí vào quỹ đầu tư chứng khoán

Đây là nội dung được quy định tại Thông tư số 86/2017/TT-BTC ngày 15/08/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 88/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện.

Thông tư quy định, quỹ hưu trí được đầu tư không vượt quá 20% tổng giá trị tài sản của quỹ vào chứng chỉ của một quỹ đầu tư chứng khoán. Trường hợp đầu tư vào chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán của các quỹ do doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí quản lý thì các doanh nghiệp này chỉ được thu phí quản lý quỹ một lần.

Khi doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí xác định sai giá trị tài sản dòng của quỹ hưu trí, xác định sai giá trị tài khoản hưu trí cá nhân và có phát sinh thiệt hại thực tế cho người tham gia quỹ thì phải đền bù thiệt hại, mức thấp nhất bằng 0,75% giá trị ròng của quỹ.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/10/2017.

Nhà nước độc quyền kinh doanh xổ số kiến thiết, vàng miếng

Danh mục 20 hàng hóa, dịch vụ Nhà nước thực hiện độc quyền trên toàn lãnh thổ Việt Nam, gồm: Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; Vật liệu nổ công nghiệp; Vàng miếng; Vàng nguyên liệu; Xổ số kiến thiết; Thuốc lá điếu, xì gà; Hoạt động dự trữ quốc gia; Tiền; Tem bưu chính Việt Nam; Pháo hoa và các dịch vụ liên quan đến pháo hoa; Hệ thống điện quốc gia; Bảo đảm hoạt động bay; Xuất bản phẩm; Mạng bưu chính công cộng…

Như vậy, Nhà nước vẫn thực hiện độc quyền kinh doanh xổ số kiến thiết, vàng miếng, nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà… Việc thực hiện độc quyền được thực hiện qua hình thức trực tiếp hoặc chỉ định cho tổ chức, cá nhân thực hiện và được quyết định bằng văn bản.

Nội dung trên được quy định tại Nghị định số 94/2017/NĐ-CP ngày 10/08/2017 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 01/10/2017.

Trẻ em được tư vấn, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản

Ngày 01/08/2017, Bộ Y tế ban hành Thông tư 33/2017/TT-BYT quy định về tư vấn, hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi, có hiệu từ ngày 01/10/2017.

Theo đó, tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe, trẻ em sẽ được các cơ sở khám, chữa bệnh về nhi, sản phụ khoa; trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản; trung tâm phòng chống HIV/AIDS; trung tâm y tế huyện; cơ sở tiêm chủng; trạm y tế xã; y tế trường học… tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Cụ thể: Từ 0 - 6 tuổi, trẻ em được tư vấn cách chăm sóc và vệ sinh cơ quan sinh dục; phòng chống bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em; giáo dục giới tính; các bất thường ở cơ quan sinh dục. Từ 7 - 13 tuổi, trẻ được biết thêm về sự thay đổi thể chất, tâm sinh lý theo độ tuổi; giới tính; khuynh hướng tình dục. Từ 14 - 16 tuổi được giáo dục cách phòng tránh các bệnh phụ khoa, nam khoa; phòng tránh thai ngoài ý muốn; các biện pháp tránh thai phù hợp; các bệnh lây truyền qua đường tình dục; tình dục an toàn và kỹ năng thương thuyết, từ chối, xác định giá trị bản thân.

Phải che mặt nạn nhân trẻ em khi đăng trên báo chí

Ngày 23/06/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT quy định bắt buộc khi đăng, phát tin, bài, chương trình liên quan tới trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo.

Theo đó, khi đăng, phát tin, bài, chương trình liên quan tới trẻ em, về những vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật mà trẻ em là nạn nhân hoặc là người liên quan, phải làm mờ hoặc che mặt trẻ em và bảo đảm thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em. Khi sử dụng trẻ em, hình ảnh trẻ em làm nhân vật, hình ảnh minh họa trong các chương trình phản ánh về các vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật phải có sự đồng ý của trẻ, cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Đối với các cơ quan báo chí, nhà xuất bản phải thực hiện việc cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên các chương trình của kênh phát thanh, kênh truyền hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm. Trường hợp xuất bản phẩm giáo dục giới tính, chống bạo lực, xâm phạm thân thể trẻ em phải ghi dòng chữ “Cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn trẻ em đọc”.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/10/2017.

Người nhận Bằng khen của Thủ tướng được thưởng 3,5 lần lương cơ sở

Nội dung này được nêu tại Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/07/2017 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

Cụ thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng được thưởng 3,5 lần mức lương cơ sở; bằng khen cấp bộ, ban, ngành, tỉnh… được thưởng 1,0 lần mức lương cơ sở. Cá nhân nhận Huy chương các loại được thưởng 1,5 lần mức lương cơ sở. Đối với tập thể, mức thưởng gấp hai lần mức thưởng đối với cá nhân.

Cũng theo Nghị định, cá nhân được tặng hoặc truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động được thưởng 15,5 lần mức lương cơ sở. Trường hợp cá nhân được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ nhân nhân dân, mức thưởng là 12,5 lần mức lương cơ sở; với Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc ưu tú, Nghệ nhân ưu tú, mức thưởng 9,0 lần mức lương cơ sở.

Người nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ, văn học nghệ thuật được tặng thưởng 270 lần mức lương cơ sở; Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ, văn học nghệ thuật được tặng thưởng 170 lần mức lương cơ sở.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/10/2017.

Cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài qua mạng điện tử

Từ ngày 02/10/2017, việc cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử sẽ được áp dụng theo hướng dẫn của Thông tư số 23/2017/TT-BLĐTBXH do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành ngày 15/08/2017.

Theo đó, việc cấp, cấp lại giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài sẽ được thực hiện thông qua Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ: http//dvc.vieclamvietnam.gov.vn. Người sử dụng lao động phải đăng ký tài khoản để đăng nhập vào Cổng thông tin điện tử.

Trước ít nhất 07 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc, người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thông qua Cổng thông tin điện tử. Cơ quan cấp giấy phép sẽ trả lời kết quả qua thư điện tử trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ.

Khi nhận được kết quả thông báo hồ sơ hợp lệ, người sử dụng lao động nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện bản gốc hồ sơ để kiểm tra, đối chiếu. Trong tối đa 08 giờ làm việc, kể từ khi nhận được bản gốc hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép sẽ trả kết quả cho người sử dụng lao động.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 02/10/2017.

Quy định về việc chấm dứt thai kỳ vì dị tật

Đây là một trong những nội dung của Thông tư số 34/2017/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 18/08/2017 hướng dẫn việc tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh.

Cụ thể, việc chấm dứt thai kỳ chỉ được xem xét khi có bất thường nghiêm trọng về hình thái, cấu trúc của bào thai; có bất thường nhiễm sắc thể, bào thai có bệnh di truyền phân tử do đột biến gen mà chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu dẫn đến sau khi sinh có nguy cơ tàn phế cao. Đồng thời, việc chấm dứt thai kỳ vì lý do dị tật bào thai xem xét khi có sự đồng ý bằng văn bản của phụ nữ mang thai sau khi đã được nhân viên y tế tư vấn đầy đủ.

Cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện các kỹ thuật chấm dứt thai kỳ phải tổ chức hội chẩn các chuyên khoa liên quan để xem xét việc chấm dứt thai kỳ. Thành phần tham gia hội chẩn bao gồm bác sĩ chuyên khoa có ít nhất 05 năm kinh nghiệm thuộc các chuyên ngành: Sản khoa, nhi khoa, tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm và giải phẫu bệnh lý.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 02/10/2017.

Điều kiện đăng ký thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên

Ngày 18/08/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 20/2017/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Theo đó, giáo viên dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau: Cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí việc làm của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi và được cấp có thẩm quyền cử đi dự thi; Được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác 03 năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thi; Có đủ phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp; Có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi theo quy định…

Giáo viên dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải trải qua 04 môn thi: Kiến thức chung; Chuyên môn, nghiệp vụ; Ngoại ngữ và Tin học. Trong đó, miễn thi Ngoại ngữ đối với giáo viên có tuổi đời từ 55 tuổi trở lên (với nam) và 50 tuổi trở lên (với nữ); Giáo viên vùng dân tộc thiểu số và miền núi…

Thông tư có hiệu lực từ ngày 03/10/2017.

Cứu người là ưu tiên hàng đầu trong phòng cháy, chữa cháy

Tại Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/07/2017 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy, Chính phủ nhấn mạnh nguyên tắc đầu tiên trong hoạt động cứu nạn, cứu hộ là cứu người bị nạn.

Ngay khi sự cố, tai nạn xảy ra, cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, lực lượng dân phòng… có trách nhiệm tự tổ chức cứu nạn, cứu hộ, đồng thời báo ngay cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ biết về diễn biến sự cố, tai nạn; yêu cầu được hỗ trợ khi sự cố, tai nạn phức tạp, vượt quá khả năng của mình.

Phương tiện giao thông của cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được phát tín hiệu ưu tiên. Phương tiện giao thông cơ giới của cơ quan, tổ chức và cá nhân được huy động làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ được hưởng quyền ưu tiên trong khu vực cứu nạn, cứu hộ; được ưu tiên qua cầu, phà, được miễn phí lưu thông trên đường và được hoàn trả ngay sau khi kết thúc cứu nạn, cứu hộ; trường hợp bị mất, hư hỏng thì được bồi thường theo quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 04/10/2017.

Bãi bỏ Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chất lượng

Ngày 17/08/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 37/2017/QĐ-TTg về việc bãi bỏ Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07/03/2006 về việc ban hành Danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng.

Trước đây, Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng được quy định gồm các sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Thủy sản; Bộ Giao thông Vận tải…; trong đó có: Trang thiết bị và công trình y tế; Vắc xin phòng bệnh; Thuốc bảo vệ thực vật; Phân bón; Thức ăn chăn nuôi; Mũ bảo vệ cho người đi xe máy; Đồ chơi dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi…

Từ thời điểm ngày 05/10/2017 - ngày Quyết định này có hiệu lực - Danh mục nêu trên sẽ không còn được áp dụng.

Quy định việc chuyển cửa khẩu về cảng cạn ICD Mỹ Đình

Ngày 18/08/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 38/2017/QĐ-TTg quy định việc chuyển cửa khẩu đối với hàng nhập khẩu về làm thủ tục hải quan tại cảng cạn ICD Mỹ Đình, TP. Hà Nội; có hiệu lực từ ngày 05/10/2017.

Quyết định nêu rõ, hàng hóa nhập khẩu qua các cửa khẩu đường bộ quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không quốc tế, cảng biển được chuyển cửa khẩu về cảng cạn ICD Mỹ Đình để làm thủ tục hải quan là hàng hóa có trong Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập (quy định tại Quyết định số 15/2017/QĐ-TTg ngày 12/05/2017); trừ tàu bay, du thuyền, xăng các loại, tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp, phế liệu.

Tuyến đường, thời gian vận chuyển hàng hóa do người khai hải quan khai và được cơ quan hải quan chấp thuận; trong đó, thời gian vận chuyển tối đa 48 giờ, kể từ thời điểm hàng qua khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu.

Thời gian lưu giữ hàng hóa để hoàn thành thủ tục hải quan tại cảng cạn ICD Mỹ Đình tối đa là 30 ngày, kể từ thời điểm hàng về cảng. Đặc biệt, hàng hóa đã được chuyển cửa khẩu về cảng cạn ICD Mỹ Đình thì không được chuyển tiếp đến các địa điểm khác để làm thủ tục hải quan.

Xử lý tang vật bị chiếm đoạt để vi phạm hành chính

Ngày 18/08/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ quy định hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính với nhiều nội dung mới, có hiệu lực từ 05/10/2017.

Theo đó, Nghị định quy định tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu sẽ được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý… Người vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá vào ngân sách Nhà nước để thay thế cho việc thực hiện hình thức xử phạt tịch thu, nếu không nộp sẽ bị cưỡng chế.

Cũng theo Nghị định này, thời hạn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, ban hành quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định. Đồng thời, thời hạn thi hành quyết định sửa đổi, bổ sung, quyết định mới về xử phạt vi phạm hành chính là 10 ngày làm việc; riêng quyết định về áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì cá nhân vi phạm phải thi hành ngay khi nhận được quyết định.

Đối với việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cá nhân có thể nộp phạt vào Kho bạc Nhà nước thông qua dịch vụ bưu chính công ích; ngoài hình thức nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản qua ngân hàng đã quy định trước đây.

Bỏ thẻ căn cước công dân trong hồ sơ vay vốn tạo việc làm

Đây là nội dung được quy định tại Thông tư số 24/2017/TT-BLĐTBXH ngày 21/08/2017 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung Thông tư 45/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều về Quỹ quốc gia về việc làm.

Thông tư điều chỉnh hồ sơ vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm đối với người lao động và người sử dụng lao động theo hướng bỏ quy định về thẻ căn cước công dân.

Cụ thể, đối với người lao động là dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn, hồ sơ vay vốn là bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/10/2017.

4 biện pháp bảo đảm bắt buộc phải đăng ký

Ngày 01/09/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2017/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm, có hiệu lực từ ngày 15/10/2017.

Nghị định chỉ rõ, 04 biện pháp bảo đảm phải đăng ký bao gồm: Thế chấp quyền sử dụng đất; Thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; Thế chấp tàu biển.

Bên cạnh đó, 03 biện pháp bảo đảm được đăng ký khi có yêu cầu, bao gồm: Thế chấp tài sản là động sản khác; Thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; Bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; mua bán tàu bay, tàu biển; mua bán tài sản là động sản khác có bảo lưu quyền sở hữu.

Tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm bằng một trong các hình thức: Qua hệ thống đăng ký trực tuyến; Nộp trực tiếp; Qua đường bưu điện; Qua thư điện tử trong trường hợp tổ chức, cá nhân đã được cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm.

Người chơi casino được thanh toán bằng thẻ ngân hàng

Nội dung này được nêu tại Thông tư số 10/2017/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động kinh doanh casino do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 30/08/2017.

Cụ thể, doanh nghiệp kinh doanh casino chấp nhận thẻ ngân hàng của người chơi để đổi đồng tiền quy ước khi tham gia các trò chơi tại điểm kinh doanh casino. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ được nhận thanh toán bằng đồng Việt Nam từ ngân hàng thanh toán thẻ. Việc sử dụng thẻ ngân hàng do khách hàng và doanh nghiệp kinh doanh casino tự thỏa thuận.

Cũng theo Thông tư này, người chơi nước ngoài được nhận tiền trả thưởng bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam theo hình thức tiền mặt hoặc chuyển khoản. Người chơi nước ngoài có thể ủy quyền bằng văn bản cho doanh nghiệp kinh doanh casino liên hệ với ngân hàng để thực hiện các giao dịch nộp ngoại tệ, chuyển ngoại tệ, xin cấp Giấy xác nhận mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài. Người chơi Việt Nam chỉ được nhận tiền trả thưởng bằng đồng Việt Nam theo hình thức tiền mặt hoặc chuyển khoản.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/10/2017.

Được mua ngoại tệ để phục vụ KD trò chơi điện tử có thưởng

Ngày 30/08/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 11/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung quy định hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.

Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài được mua ngoại tệ để phục vụ hoạt động kinh doanh theo phạm vi thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác của doanh nghiệp trên cơ sở xuất trình chứng từ, giấy tờ đảm bảo giao dịch hợp pháp, hợp lệ.

Đồng thời, các doanh nghiệp đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện thu, chi ngoại tệ tiền mặt đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài trước ngày 06/09/2014 vẫn được tiếp tục thực hiện theo văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp có nhu cầu, doanh nghiệp làm thủ tục để chuyển đổi văn bản chấp thuận trước đây sang Giấy phép. 
Trước đây, quy định này là bắt buộc. Quá thời hạn, doanh nghiệp không làm thủ tục chuyển đổi phải chấm dứt việc thu, chi ngoại tệ và các hoạt động liên quan tới ngoại hối.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/10/2017.

Điều kiện cán bộ, công chức được cử đi đào tạo sau đại học

Nội dung này được Chính phủ quy định cụ thể tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/09/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Cụ thể, cán bộ, công chức được cử đi đào tạo sau đại học phải đáp ứng 04 điều kiện, gồm: Có thời gian công tác từ đủ 03 năm trở lên và 02 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ; Không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu; Có cam kết làm việc sau đào tạo ít nhất việc gấp 02 lần thời gian đào tạo; Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.

Viên chức được cử đi đào tạo phải đáp ứng 03 điều kiện, gồm: Đã kết thúc thời gian tập sự (nếu có); Có cam kết làm việc sau đào tạo ít nhất việc gấp 02 lần thời gian đào tạo; Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.

Trường hợp: Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo; Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp; Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp nhưng bỏ việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết nêu trên phải đền bù chi phí đào tạo.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 21/10/2017.

Ứng dụng CNTT trong tập huấn qua mạng cho giáo viên

Ngày 06/09/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 21/2017/TT-BGDĐT quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bồi dưỡng, tập huấn qua mạng Internet cho giáo viên.

Theo Thông tư này, để tổ chức tập huấn qua mạng, đơn vị chủ trì tập huấn phải đáp ứng 04 điều kiện: Có hệ thống quản lý học tập qua mạng; Có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; Có đầy đủ học liệu; Có đội ngũ cán bộ tổ chức tập huấn qua mạng đáp ứng yêu cầu.

Trong đó, hệ thống quản lý học tập qua mạng phải có các chức năng: Quản lý các khóa học, cho phép tổ chức lưu trữ và phân phối các nội dung học tới người học; Cho phép người học truy cập vào các nội dung học tập qua mạng như đã đăng ký và có thể tự học tập, tự đánh giá và nắm bắt được tiến trình, kết quả học tập của bản thân; Cho phép đơn vị chủ trì tập huấn quản lý điểm, tiến trình học tập, kết quả học của người học…

Toàn bộ bài giảng và học liệu điện tử được mở trên trang quản lý học tập qua mạng để người học có thể truy cập và học tập tối thiểu 06 tháng.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 23/10/2017.

Điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học

Theo Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT ngày 06/09/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các trường được mở ngành đào tạo trình độ đại học phải đáp ứng các điều kiện: Ngành đào tạo phải phù hợp với nhu cầu xã hội và người học; Đội ngũ giảng viên cơ hữu bảo đảm số lượng, chất lượng, trình độ, trong đó có ít nhất 01 tiến sĩ cùng ngành chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chương trình đào tạo; Cơ sở vật chất phải đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu, học tập.

Trường hợp đăng ký ngành đào tạo mới, các trường còn phải làm rõ: Luận cứ khoa học, nhu cầu của xã hội về ngành mới, trong đó có ít nhất 02 ý kiến về sự cần thiết đào tạo của 02 cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo; Thực tiễn và kinh nghiệm đào tạo của một số nước trên thế giới kèm theo 02 chương trình đào tạo tham khảo của các trường nước ngoài đã được công nhận về chất lượng.

Với các ngành đào tạo mới này, sau 02 khóa tốt nghiệp, các trường phải tổ chức đánh giá việc làm của người học, ý kiến của người sử dụng lao động làm cơ sở đề nghị Bộ cho phép tiếp tục đào tạo và bổ sung tên ngành mới vào Danh mục đào tạo.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 23/10/2017.

Ngoài ra, còn có quy định về Thành lập Khu kinh tế Thái Bình; Thẩm định nội dung báo chí lưu chiểu được trả thù lao 500.000 đồng/vấn đề; Xử lý các trường hợp không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính; Danh mục sản phẩm có khả năng gây mất an toàn; Chất lượng hàng hóa nhập khẩu được thông quan; Điều kiện đăng ký thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên; Giá kiểm nghiệm mẫu thuốc tối đa là 2 triệu đồng… cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 10/2017.

Khách hàng của LuatVietnam có thể xem thêm Danh sách các văn bản có hiệu lực trong tháng 10/2017 tại đây.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Quan tâm bố trí sử dụng cán bộ có năng lực nổi trội, có trách nhiệm, tâm huyết với công việc

Quan tâm bố trí sử dụng cán bộ có năng lực nổi trội, có trách nhiệm, tâm huyết với công việc

Quan tâm bố trí sử dụng cán bộ có năng lực nổi trội, có trách nhiệm, tâm huyết với công việc

Đây là nội dung tại Công văn 7968/BNV-CCVC về định hướng xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ Hợp đồng lao động khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính.