Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 tới đây sẽ nghiêm cấm người uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Việc uống rượu, bia khi tham gia giao thông được siết chặt từ ngày 01/01/2020 (Ảnh minh họa)
Cụ thể, khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định:
Nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Tiếp đó, khoản 1 Điều 21 của Luật cũng khẳng định lại:
Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.
Phương tiện giao thông, theo định nghĩa của Luật Giao thông đường bộ 2008, gồm: Ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện); xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự…
Trước đây, tại khoản 8 Điều 8, Luật Giao thông đường bộ cũng chỉ nghiêm cấm:
- Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
- Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Như vậy, nếu như trước đây, người đi xe máy uống rượu, bia có nồng độ cồn dưới 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/lít khí thở; người đi xe đạp, xe xích lô... mà uống rượu, bia thì không bị coi là vi phạm pháp luật và không bị xử phạt.
Từ ngày 01/01/2020, theo tinh thần của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia như nêu trên, tất cả những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông (gồm tất cả các loại xe trên) đều bị nghiêm cấm uống rượu, bia. Chỉ có người đi bộ mới được tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia.
>> Cứ uống rượu lái xe là bị cấm, nhưng thiếu mức phạt!
Lan Vũ