10 ngày nữa: Cứ uống rượu lái xe là bị cấm, nhưng thiếu mức phạt!

Chỉ còn đúng 10 ngày nữa (ngày 01/01/2020), Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia chính thức có hiệu lực. Từ thời điểm này, quy định nghiêm cấm lái xe sau khi uống rượu, bia sẽ được áp dụng trên thực tế.

Uống ít hay nhiều đều bị cấm lái xe

Khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chỉ rõ: “Nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Để làm rõ hơn quy định nêu trên, khoản 1 và khoản 3 Điều 21 của Luật quy định:

Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông;

Cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông đang tham gia giao thông hoặc gây ra tai nạn giao thông.

Nói tóm lại, khi Luật này có hiệu lực, mọi trường hợp lái xe khi đã uống rượu, bia đều bị nghiêm cấm hoàn toàn, cho dù là uống ít hay uống nhiều, cho dù là đi xe đạp hay lái ô tô, xe máy.

10 ngày nữa: Cứ uống rượu lái xe là bị cấm, nhưng thiếu mức phạt!

Từ ngày 01/01/2020, uống rượu lái xe bị cấm hoàn toàn! (Ảnh minh họa)


Vẫn còn “lỗ hổng” trong quy định xử phạt!

Dù chỉ còn vài ngày nữa quy định cấm lái xe sau khi uống rượu, bia tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức được áp dụng trên thực tế, nhưng Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ vẫn chưa được kịp thời sửa đổi để theo kịp quy định mới của Luật.

Cụ thể, Nghị định 46 mới chỉ quy định:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (khoản 6 Điều 5);

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở (khoản 6 Điều 6).

Theo các quy định nêu trên, với người lái ô tô, dù uống ít hay nhiều, chỉ cần trong hơi thở hoặc trong máu có nồng độ cồn thì đều bị xử phạt.

Tuy nhiên, với người lái xe máy, phải có nồng độ cồn quá 50 miligam/100 millít máu hoặc quá 0,25 miligam/1 lít khí thở thì mới bị xử phạt.

Với người đi xe đạp sau khi uống rượu, bia thì hoàn toàn chưa có quy định xử phạt.

Trong khi đó, theo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia nêu trên, mọi trường hợp lái xe sau khi uống rượu, bia đều là phạm luật. Như vậy, pháp luật hiện hành vẫn đang trống quy định xử phạt với:

- Người lái xe máy mà có nồng độ cồn dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở hoặc  miligam hoặc dưới 50 miligam/100 mililit máu;

- Người đi xe đạp uống rượu, bia.

Được biết, hiện tại Bộ Giao thông Vận tải đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 46 với việc khắc phục những “lỗ hổng” nêu trên. Tuy nhiên, hiện dự thảo này vẫn chưa được thông qua.

Ngoài nghiêm cấm lái xe sau khi uống rượu, bia, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia còn có nhiều quy định khác như: Nghiêm cấm ép buộc, lôi kéo, kích động người khác uống rượu bia; Nghiêm cấm người dưới 18 tuổi uống rượu, bia… Thế nhưng pháp luật hiện hành vẫn đang “trống” quy định xử phạt với các hành vi này.


>> Từ 2020, nhiều người phải mang theo CMND khi đi mua rượu, bia


Lan Vũ

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục