Làm chủ lô đề - coi chừng “bóc lịch”

Trở thành chủ lô, chủ đề là cách làm giàu của không ít người. Dù đã có những chế tài xử phạt nghiêm khắc nhưng nhiều người vẫn muốn làm giàu nhanh bằng con đường ghi lô đề.

Làm chủ lô đề bị phạt đến 20 triệu đồng

Ở nhiều nơi trên cả nước, rất dễ dàng bắt gặp cảnh ghi lô, ghi đề. Tại những điểm bán vé số hay quán nước, những con bạc khát nước hướng sự theo dõi của mình theo những con số. Những chủ lô, chủ đề lại có dịp được làm giàu nhờ những người ham mê trò chơi đỏ đen này.

Pháp luật hiện hành đã có những chế tài hết sức nghiêm khắc dành cho chủ lô, đề.

Khoản 5 Điều 26 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với các hành vi:

“a) Làm chủ lô, đề;

b) Tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề;

c) Tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề;

d) Tổ chức cá cược trong hoạt động thi đấu thể dục thể thao, vui chơi giải trí hoặc dưới các hoạt động khác để đánh bạc, ăn tiền.”
 

Làm chủ lô đề bị xử phạt như thế nào?

Làm chủ lô đề bị xử phạt thế nào? (Ảnh minh họa)

Chủ lô, đề còn có thể bị đi tù

Không chỉ bị xử lý hành chính, chủ lô đề còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 322 Bộ luật Hình sự 2015 nêu rõ khung hình phạt về Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc:

“1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tổ chức, sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;

b) Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần có giá trị 20.000.000 đồng trở lên;

c) Tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; phân công người canh gác, người phục vụ, sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;

d) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Như vậy, nếu thuộc các trường hợp nêu trên, chủ lô, đề có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng – phạt tù đến 10 năm.



LuatVietnam

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục