Nghị định 48/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm và xổ số sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 10/5.
Theo đó, nhiều quy định mới về xử phạt hành chính lĩnh vực bảo hiểm sẽ chính thức được áp dụng.
Ép người khác mua bảo hiểm bị phạt đến 100 triệu
Đây là nội dung mới được bổ sung vào Nghị định 48/2018/NĐ-CP. Cụ thể, hành vi ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe dưới mọi hình thức sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu - 50 triệu đồng. Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm; nếu là tổ chức, mức phạt sẽ tăng gấp đôi, tức là từ 80 triệu – 100 triệu đồng.
Có thể thấy, với áp lực doanh số và mục tiêu lợi nhuận, không ít nhân viên bán bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe tìm mọi cách để tiếp cận khách hàng; trong đó có cả việc chèo kéo, dụ dỗ, ép buộc người khác mua bảo hiểm. Do đó, việc ban hành chế tài xử phạt nặng đối với hành vi ép người khác mua bảo hiểm được cho là cần thiết và lẽ ra phải có từ lâu.
Từ 10/5, ép người khác mua bảo hiểm bị phạt đến 100 triệu (Ảnh minh họa)
Tự gây thiệt hại để nhận bảo hiểm phạt đến 200 triệu
Tình trạng người tham gia bảo hiểm tự gây thiệt hại cho bản thân để nhận tiền bảo hiểm không còn là chuyện hiếm. Còn nhớ, thời điểm năm 2016 đã xảy ra trường hợp một thanh niên thuê người chặt chân và tay mình để chiếm đoạt 3,5 tỷ đồng của công ty bảo hiểm…
Nghị định 48/2018/NĐ-CP đã bổ sung quy định về hành vi này với mức phạt rất cao. Cụ thể, người tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm có thể bị phạt từ tiền từ 90 triệu – 100 triệu đồng.
Nếu là tổ chức tự gây thiệt hại về tài sản để hưởng tiền bảo hiểm, mức phạt sẽ là 180 triệu - 200 triệu đồng.
Tăng mức phạt với hành vi thông đồng để nhận bồi thường bảo hiểm
Nếu như trước đây, Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định hành vi thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật chỉ bị phạt từ 60 triệu - 70 triệu đồng, thì từ 10/5, mức phạt này sẽ tăng lên đến 90 triệu – 100 triệu đồng; nếu là tổ chức vi phạm, mức phạt sẽ tăng gấp đôi.
Đáng chú ý, mức phạt nêu trên cũng được áp dụng đối với hành vi giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm.
Bãi bỏ một số mức phạt về môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm
Trước đây, Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định hành vi hợp tác với cá nhân, tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn của quá trình môi giới bảo hiểm gốc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác bị phạt từ 50 triệu – 60 triệu đồng. Tuy nhiên, Nghị định 48/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ quy định này.
Tương tự, Nghị định 48 cũng bãi bỏ quy định cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm không tuân thủ nội dung, chương trình đào tạo; cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm không đúng quy định… phải đình chỉ hoạt động đào tạo đại lý từ 01 - 03 tháng.
LuatVietnam