Quy định lắp đặt đèn chiếu sáng sự cố: 4 điều cần biết

Đèn chiếu sáng sự cố là một trong những phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn, được trang bị nhằm đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy tại các nhà, công trình. Dưới đây là những điều cần biết về quy định lắp đặt đèn chiếu sáng sự cố hiện nay.

1. Cần lắp đèn chiếu sáng sự cố tại những vị trí nào?

Quy định lắp đặt đèn chiếu sáng sự cố
Cần lắp đèn chiếu sáng sự cố tại những vị trí nào? (Ảnh minh hoạ)

Căn cứ theo tiểu mục 4.2 và 4.3 mục 4 Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 13456:2022 thì đèn chiếu sáng sự cố được xem là phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn.

Theo đó, phương tiện này được lựa chọn và trang bị phù hợp nhằm đảm bảo tầm nhìn thoát nạn, chỉ thị rõ đường thoát nạn cũng như cảnh báo những nơi có nguy cơ gây nguy hiểm cháy nổ trong quá trình thoát nạn, đồng thời để nhận biết các vị trí trang bị các thiết bị PCCC.

Đồng thời, tại tiết 5.1.1 tiểu mục 5.1 mục 5 TCVN 13456:2022, đèn chiếu sáng sự cố phải được lắp đặt tại các khu vực của nhà và công trình ở các vị trí sau đây:

  • Cầu thang bộ thoát nạn.

  • Đường thoát nạn, vị trí chuyển hướng thoát nạn và tại nút giao của hành lang.

  • Vị trí trên đường thoát nạn mà có thay đổi về cao độ.

  • Cửa và lối ra thoát nạn.

  • Gara để xe.

  • Trong gian phòng mà có người làm việc và khoảng cách tính từ điểm xa nhất của gian phòng đến lối ra thoát nạn gần nhất phải lớn hơn 13m. Trường hợp các gian phòng có bố trí đường thoát nạn thì có thể lắp đèn chiếu sáng sự cố ở đường thoát nạn đó.

  • Trong phòng đặt trạm biến áp, phòng kỹ thuật thang máy, phòng máy phát điện và gian để lánh nạn.

  • Trong phòng trực điều khiển chống cháy, phòng bơm chữa cháy và ở các vị trí trang bị phương tiện PCCC khác. Có thể không bố trí nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Sân vườn, khu vực sân thượng mà không có mái che.

  • Toà nhà cao 01 tầng, diện tích sàn dưới 200m2 và diện tích lỗ hở ở trên tường ngoài nhà đạt tối thiểu là 80%.

2. Nguồn điện dự phòng của hệ thống đèn chiếu sáng sự cố phải đảm bảo cho đèn hoạt động bao lâu?

Căn cứ theo tiểu mục 4.5 mục 4 TCVN 13456:2022 thì đèn chiếu sáng sự cố có nguồn điện dự phòng phải đảm bảo cho thời gian hoạt động ổn định và liên tục tối thiểu là 120min khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Như vậy, nguồn điện dự phòng của hệ thống đèn chiếu sáng sự cố phải đảm bảo cho đèn hoạt động tối thiểu 120min.

3. Số lượng đèn chiếu sáng sự cố có phụ thuộc vào diện tích tòa nhà không?

Quy định lắp đặt đèn chiếu sáng sự cố
Số lượng đèn chiếu sáng sự cố có phụ thuộc vào diện tích tòa nhà không? (Ảnh minh hoạ)

Tiêu chuẩn hiện hành không có quy định cụ thể hiện tích bao nhiêu thì phải bố trí tương ứng số lượng đèn chiếu sáng sự cố. 

Hiện nay, việc bố trí đèn chiếu sáng sự cố được quy định tại tiểu mục 4.3 mục 4 13456:2022, theo đó đèn chiếu sáng sự cố được lựa chọn, trang bị phù hợp nhằm đảm bảo tầm nhìn thoát nạn, chỉ thị rõ đường thoát nạn cũng như cảnh báo những nơi có nguy cơ gây nguy hiểm cháy nổ trong quá trình thoát nạn, đồng thời để nhận biết các vị trí trang bị các thiết bị PCCC.

4. Tiêu chuẩn thiết kế và lắp đặt đèn chiếu sáng sự cố cho nhà, công trình

Căn cứ theo tiểu mục 5.1 mục 5 TCVN 13456:2022, tiêu chuẩn thiết kế và lắp đặt đèn chiếu sáng sự cố cho nhà, công trình được quy định cụ thể như sau:

(i) Vị trí lắp đặt đèn chiếu sáng sự cố: Cụ thể theo nội dung nêu tại mục 1 nêu trên.

(ii) Về chiếu sáng sự cố đường thoát nạn:

Đối với đường thoát nạn có chiều rộng đến 2m, độ rọi trung bình theo phương nằm ngang ở trên mặt sàn dọc theo tâm của đường thoát nạn phải lớn hơn hoặc bằng 1lux; dải ở giữa có chiều rộng lớn hơn hoặc bằng một nửa chiều rộng đường thoát nạn phải được chiếu sáng tối thiểu là 50% giá trị đó.

Lưu ý: Các đường thoát nạn rộng hơn thì có thể được xem là một số dải rộng 2m hoặc xử lý như chiếu sáng khoảng trống.

(iii) Tỉ lệ giữa độ rọi lớn nhất và nhỏ nhất dọc đường tâm của đường thoát nạn, chiếu sáng khoảng trống: Không lớn hơn 40:1.

(iv) Đảm bảo giảm thiểu nguy cơ gây lóa tạm thời bằng cách hạn chế cường hộ sáng ở giai đoạn sáng cực đại trong chế độ hoạt động khi xảy ra sự cố của mỗi đèn thuộc phạm vi quan sát, cụ thể như sau:

- Đối với chiếu sáng đường thoát nạn theo phương ngang so với mặt sàn, chiếu sáng cho gian phòng, chiếu sáng cho các phương tiện PCCC, cường độ chiếu sáng của các đèn trong phạm vi dóc chiếu từ 60 - 90 độ không vượt quá giá trị quy định tại Bảng 1 dưới đây.

Bảng 1 - Giới hạn gây lóa tạm thời

Chiều cao lắp đặt từ mặt sàn

(m)

Cường độ chiếu sáng tối đa của đường thoát nạn, gian phòng

(cd)

H < 2,5

500

2,5 ≤ H < 3,0

900

3,0 ≤ H < 3,5

1 600

3,5 ≤ H < 4,0

2 500

4,0 ≤ H < 4,5

3 500

4,5 ≤ H

5 000

CHÚ THÍCH: Các giá trị được so sánh với dữ liệu của các đèn điện.

 

- Đối với các đường thoát nạn khác, cường độ chiếu sáng của các đèn không vượt quá giá trị nêu tại Bảng 1 nêu trên ở bất kỳ góc chiếu nào.

(v) Các tủ trung tâm báo cháy và nút ấn báo cháy, phương tiện PCCC phải luôn được chiếu sáng đầy đủ, có thể dễ dàng xác định được vị trí nếu không nằm trên đường thoát nạn/không nằm trong phạm vi khoảng trống thì phải được chiếu sáng mức tối thiểu là 5lux tại mặt sàn.

Trên đây là những thông tin về Quy định lắp đặt đèn chiếu sáng sự cố: 4 điều cần biết.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Yêu cầu lắp đặt biển báo an toàn tầm thấp mới nhất 2025

Yêu cầu lắp đặt biển báo an toàn tầm thấp mới nhất 2025

Yêu cầu lắp đặt biển báo an toàn tầm thấp mới nhất 2025

Biển báo an toàn tầm thấp được thiết kế và lắp đặt để hỗ trợ cho người sinh sống, làm việc ở trong toà nhà đến được các lối ra thoát nạn trong trường hợp bị khói che khuất các lối ra khi xảy ra sự cố cháy, nổ. Vậy yêu cầu lắp đặt biển báo an toàn tầm thấp mới nhất hiện nay được quy định thế nào?