Kiểm tra an toàn về PCCC: Đối tượng, nội dung và thủ tục 2025

Kiểm tra an toàn về PCCC là hoạt động được thực hiện bởi cơ quan công an để đánh giá tính khả thi, hiệu quả và tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy định về phòng cháy chữa cháy của cơ sở. Dưới đây là những thông tin cần biết về kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy.

1. 4 đối tượng kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy

Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy
4 đối tượng kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy (Ảnh minh hoạ)

Căn cứ theo khoản 1 Điều 16 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, có quy định 04 đối tượng kiểm tra về phòng cháy chữa cháy, cụ thể gồm có:

- Các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy.

- Khu dân cư, hộ gia đình, rừng, phương tiện giao thông cơ giới hay hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến việc phòng cháy chữa cháy của đô thị, khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất.

- Công trình xây dựng trong quá trình thi công thuộc danh mục tại Phụ lục V Nghị định số 50/2024/NĐ-CP như: Nhà làm việc của các cơ quan nhà nước từ 7 tầng trở lên hoặc khối tích từ 5.000m3 trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo cao từ 3 tầng trở lên hoặc khối tích từ 3.000m3 trở lên; bệnh viện cao 3 tầng trở lên hoặc khối tích từ 3.000m3 trở lên; nhà hát, rạp xiếc, rạp chiếu phim từ 300 chỗ trở lên; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng khối tích từ 3.000m3 trở lên,... trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ cho mục đích quân sự.

- Cơ sở kinh doanh về dịch vụ phòng cháy chữa cháy.

2. Nội dung kiểm tra an toàn về PCCC gồm có những gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 8 Điều 1 Nghị định số 50/2024/NĐ-CP, nội dung kiểm tra an toàn về PCCC gồm có những nội dung sau đây:

- Điều kiện về an toàn PCCC đối với các cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình, phương tiện giao thông cơ giới theo quy định tại Điều 5, 6, 7 và Điều 8 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, cụ thể:

  • Đối với cơ sở: Có nội quy, biển báo, biển cấm, cơ đồ chỉ dẫn PCCC, thoát nạn phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC; có phương án PCCC được cấp thẩm quyền phê duyệt; Có lực lượng PCCC cơ sở; có hệ thống giao thông, cấp nước và thông tin liên lạc phục vụ cho chữa cháy;...

  • Đối với khu dân cư: Có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và tổ chức sẵn sàng để chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ; có phương án PCCC được cấp thẩm quyền phê duyệt; có nội quy về PCCC, sử dụng điện, các chất dễ cháy nổ;...

  • Đối với hộ gia đình: Có nội quy về PCCC, sử dụng điện, sử dụng lửa, các chất dễ cháy nổ; có giải pháp để thoát nạn, ngăn cháy lan và ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực kinh doanh;…

  • Đối với phương tiện giao thông cơ giới: Có nội quy, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn PCCC; hệ thống điện, vật tư, hàng hoá, nhiên liệu được bố trí và sắp xếp trên phương tiện phải đảm bảo an toàn về PCCC; có phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất và đặc điểm của phương tiện; có quy định và phân công nhiệm vụ PCCC, tổ chức sẵn sàng cho chữa cháy,...

- Điều kiện về an toàn PCCC rừng theo quy định tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP.

- Điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy đối với các công trình xây dựng đang trong quá trình thi công, gồm có:

  • Nội quy về phòng cháy chữa cháy, biển chỉ dẫn thoát nạn; quy định về việc phân công trách nhiệm để đảm bảo an toàn về PCCC của chủ đầu tư, đơn vị thi công trong phạm vi thuộc thẩm quyền, nhiệm vụ và chức trách của người được phân công thực hiện nhiệm vụ PCCC;

  • Việc sử dụng hệ thống, các thiết bị điện, sinh nhiệt, sinh lửa, nguồn nhiệt, nguồn lửa;

  • Trang bị phương tiện và các thiết bị để chữa cháy ban đầu phù hợp với tính chất và đặc điểm của công trình xây dựng đó.

Nội dung kiểm tra an toàn về PCCC gồm có những gì?
Nội dung kiểm tra an toàn về PCCC gồm có những gì? (Ảnh minh hoạ)

- Việc thực hiện các trách nhiệm về PCCC của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông cơ giới, chủ rừng theo quy định.

- Điều kiện của các cơ sở kinh doanh dịch vụ PCCC theo quy định tại Điều 41 Nghị định 136/2020/NĐ-CP; việc thực hiện các hoạt động dịch vụ về PCCC của cơ sở tương ứng với ngành nghề đã được cấp bởi cơ quan Công an có thẩm quyền.

- Hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến việc PCCC của đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao theo quy định nêu tại Điều 10 và Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.

3. Thủ tục kiểm tra an toàn về PCCC mới nhất

Theo quy định tại khoản 5 Điều 16 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại điểm d khoản 8 Điều 1 Nghị định số 50/2024/NĐ-CP, thủ tục kiểm tra an toàn về PCCC hiện nay được thực hiện như sau:

*Đối với trường hợp kiểm tra về an toàn phòng cháy chữa cháy:

- Kiểm tra định kỳ: 

  • Cơ quan/người có thẩm quyền trước khi thực hiện kiểm tra định kỳ phải thông báo cho đối tượng được kiểm tra trước 03 ngày làm việc về: nội dung, thời gian và thành phần của đoàn kiểm tra.

  • Khi tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở cấp dưới quản lý thì phải thông báo cho cấp quản lý của cơ sở đó biết. Trong trường hợp cần thiết, có thể yêu cầu cấp quản lý của cơ sở đó tham gia đoàn kiểm tra và cung cấp các tài liệu, tình hình liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy của cơ sở được kiểm tra đó. Kết quả kiểm tra phải được thông báo cho cấp quản lý của cơ sở biết.

- Kiểm tra đột xuất: 

  • Cơ quan/người có thẩm quyền trước khi thực hiện việc kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy đột xuất phải thông báo rõ ràng lý do cho đối tượng được kiểm tra.

  • Cán bộ và chiến sĩ công an nhân khi thực hiện việc kiểm tra đột xuất phải xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan quản lý trực tiếp.

  • Đối tượng được kiểm tra phải chuẩn bị đầy đủ nội dung kiểm tra về an toàn phòng cháy chữa cháy đã được thông báo và phải bố trí người có thẩm quyền, trách nhiệm để làm việc cùng với cơ quan/người có thẩm quyền kiểm tra.

*Đối với trường hợp kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ về phòng cháy chữa cháy:

- Kiểm tra định kỳ: Cơ quan Công an đã cấp Giấy xác nhận về việc đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy trước khi thực hiện việc kiểm tra định kỳ phải thông báo trước cho đối  tượng được kiểm tra 03 ngày làm việc về: nội dung, thời gian và thành phần của đoàn kiểm tra.

- Kiểm tra đột xuất: 

  • Cơ quan/người có thẩm quyền trước khi thực hiện việc kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy đột xuất phải thông báo rõ ràng lý do cho đối tượng được kiểm tra.

  • Cán bộ và chiến sĩ công an nhân khi thực hiện việc kiểm tra đột xuất phải xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan quản lý trực tiếp.

  • Đối tượng được kiểm tra phải chuẩn bị đầy đủ nội dung kiểm tra điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ về phòng cháy chữa cháy, việc thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy đã được thông báo và phải bố trí người có thẩm quyền, trách nhiệm để làm việc cùng với cơ quan/người có thẩm quyền kiểm tra.

Trên đây là những thông tin về: Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Người dưới 16 tuổi tham gia cá độ bóng đá online, phạt thế nào?

Người dưới 16 tuổi tham gia cá độ bóng đá online, phạt thế nào?

Người dưới 16 tuổi tham gia cá độ bóng đá online, phạt thế nào?

Mỗi mùa bóng đá tới, bên cạnh tinh thần cuồng nhiệt say mê bóng đá, không ít người (trong đó có cả người dưới 16 tuổi) lên mạng dùng tiền để đặt cược vào đội bóng mình yêu thích. Vậy người dưới 16 tuổi tham gia cá độ bóng đá online bị phạt thế nào?