1. Sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10, quy định phòng cháy chữa cháy là trách nhiệm đối với mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình trên lãnh thổ nước Việt Nam.
Đồng thời, theo quy định tại tiểu mục 3.15 mục 3 Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 13456:2022 về Yêu cầu thiết kế, lắp đặt Phòng cháy chữa cháy - Phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn quy định về chiều cao lắp đặt biển báo an toàn có quy định thuật ngữ “sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn” được định nghĩa là sơ đồ chỉ dẫn lối ra, đường thoát nạn khi có sự cố, cháy nổ xảy ra.
Bên cạnh đó, theo quy định tại tiểu mục 4.2 mục 4 Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 13456:2022 thì sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cũng được xem là một trong những phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn, được lựa chọn và trang bị phù hợp để đảm bảo tầm nhìn thoát nạn, chỉ thị rõ đường thoát nạn.
Đồng thời cảnh báo những bị trí có nguy cơ gây ra nguy hiểm trong quá trình thoát nạn và giúp mọi người có thể nhận biết được vị trí đặt các thiết bị phòng cháy chữa cháy khi xảy ra sự cố về cháy nổ.
Sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn được đặt ở những nơi dễ nhìn thấy, có nhiều người thường xuyên qua lại, ví dụ như: thang máy, cầu thang bộ, cửa ra vào,... trong các toà nhà, khu vực công cộng để đảm bảo cho tất cả mọi người khi bước vào sẽ dễ dàng thấy được sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn.
2. Tiêu chuẩn thiết kế và lắp đặt sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn 2025
Căn cứ theo tiết 5.2.9 tiểu mục 5.2 mục 5 Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 13456:2022 quy định về tiêu chuẩn thiết kế và lắp đặt sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cụ thể như sau:
- Cần phải bố trí sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn trong các trường hợp dưới đây:
Tại các tầng mà có diện tích lớn hơn 1000m2 hoặc có từ 02 lối ra thoát nạn trở lên thì bắt buộc phải có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn.
Trong các phòng nghỉ ngơi của khách sạn, phòng nghỉ của các cơ sở lưu trí, cho thuê phòng ở đảm bảo phải đảm bảo lắp đặt sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn.
- Sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn gồm có 02 phần, đó là: Phần chỉ dẫn bằng chữ và phần ký hiệu bằng hình học. Sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn phải được niêm yết tại các vị trí để dễ nhận biết và dễ thấy, vị trí mà thường xuyên có người quay lại. Trong đó:
Phần ký hiệu hình học phải bao gồm: mặt bằng của tầng; lối ra và chỉ hướng đường thoát nạn; vị trí của sơ đồ tại tầng; cầu thang bộ; vị trí đặt phương tiện và thiết bị phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.
Phần chỉ dẫn bằng chữ bao gồm: nội dung và trình tự để xử lý khi có cháy xảy ra.
- Kích thước của sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn phụ thuộc vào đặc tính và tính chất hoạt động; diện tích của tầng và phòng; phương án thoát nạn nhưng kích thước không được nhỏ hơn:
600x400mm - đối với sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn được lắp đặt tại tầng.
400x300mm - đối với sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn được lắp đặt tại phòng.
- Sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn phải được lắp đặt sao cho mép bên dưới của sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn nằm ở độ cao 1,5m ± 0,2 m so với mặt sàn.
3. Sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn phải thể hiện những nội dung gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Thông tư 149/2020/TT-BCA, sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn phải thể hiện được những nội dung đó là: Đường, lối thoát nạn; vị trí đặt phương tiện phòng cháy chữa cháy ở các khu vực và tầng nhà.
Lưu ý: Tùy theo tính chất và đặc điểm hoạt động cụ thể của cơ sở mà sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn có thể được tách thành các sơ đồ chỉ dẫn riêng để thể hiện một hay một số các nội dung được nêu trên.
Việc thể hiện rõ ràng những nội dung chỉ dẫn theo yêu cầu trên sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn nhằm mục đích khi có sự cố cháy nổ xảy ra thì tất cả mọi người đều có thể nhanh chóng tìm được lối thoát nạn hay phương án để có thể di chuyển ra bên ngoài.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn phải thể hiện được những nội dung: Đường, lối thoát nạn; vị trí đặt phương tiện PCCC ở các khu vực, tầng nhà. Nếu sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn không thể hiện được đầy đủ các nội dung này thì được xem là không đảm bảo đúng quy định pháp luật.