Trưởng thôn vi phạm kỷ luật có bị miễn nhiệm không?

Trưởng thôn là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, là lực lượng gần gũi nhất với người dân. Trưởng thôn được bình bầu phải là người có năng lực, gương mẫu. Vậy, nếu trưởng thôn vi phạm kỷ luật thì có bị miễn nhiệm không?

Trưởng thôn vi phạm kỷ luật có bị miễn nhiệm không?

Theo khoản 9 Điều 1 Thông tư 14/2018/TT-BNV thì việc miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố được thực hiện theo quy định của Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN. Theo đó, Điều 10 Nghị quyết liên tịch này hướng dẫn về điều kiện miễn nhiệm trưởng thôn.

Theo đó, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố được miễn nhiệm trong các trường hợp:

- Do sức khoẻ.

- Do hoàn cảnh gia đình.

- Vì lý do khác.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 13 Thông tư 04/2012/TT-BNV quy định về chế độ, chính sách đối với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và Phó Trưởng thôn, Tổ phó tổ dân phố.

Cụ thể, trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và Phó Trưởng thôn, Tổ phó tổ dân phố được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn những kiến thức, kỹ năng cần thiết.

- Nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì được biểu dương, khen thưởng.

- Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, có vi phạm khuyết điểm, không được nhân dân tín nhiệm thì sẽ bị miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật tùy theo mức độ sai phạm.

Như vậy, nếu trưởng thôn, có vi phạm khuyết điểm, vi phạm kỷ luật và không được nhân dân tín nhiệm thì tùy theo mức độ sai phạm sẽ bị miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc truy cứu trách nhiệm tùy theo mức độ vi phạm.

trưởng thôn vi phạm kỷ luật có bị miễn nhiệm không
Trưởng thôn vi phạm kỷ luật có bị miễn nhiệm không? (Ảnh minh họa)

Các chế độ đối với trưởng thôn theo quy định hiện hành

Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 3 chức danh bao gồm:

  • Bí thư chi bộ,
  • Trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố,
  • Trưởng Ban công tác Mặt trận.

Và các chế độ đối với trưởng thôn hiện nay được quy định như sau:

(1) Được hưởng tất cả các chế độ khi tham gia BHXH bắt buộc

Khoản 2 Điều 35 Nghị định 33/2023/NĐ-CP (hiệu lực từ 01/8/2023) quy định:

2. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Như vậy, trưởng thôn được thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc. Thế nhưng, theo quy định hiện hành tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì chế độ thai sản không dành cho người hoạt động không chuyên trách.

Tuy nhiên, theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (hiệu lực ngày 01/7/2025) cụ thể tại khoản 1 Điều 50 Luật này đã bổ sung thêm các đối tượng được hưởng chế độ thai sản trong đó có người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (bao gồm cả trưởng thôn khi thuộc một trong các trường hợp như: mang thai; sinh con; mang thai hộ; nhờ mang thai hộ;

Tại khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có quy định về các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo đó, khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trưởng thôn sẽ được hưởng đầy đủ các các chế độ sau: Ốm đau; thai sản; hưu trí; tử tuất; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.

(2) Được hưởng phụ cấp/phụ cấp kiêm nhiệm

Căn cứ theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 07/2024/TT-BNV quy định đối với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, quỹ phụ cấp được ngân sách Nhà nước khoán đối với mỗi thôn, tổ dân phố quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 34 Nghị định 33/2023/NĐ-CP, và được tính theo mức lương cơ sở 2.340.000 đồng/tháng (theo quy định tại Nghị định 73/2024/NĐ-CP)

Hiện ngân sách Trung ương khoán quỹ phụ cấp để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố tùy theo quy mô, đặc điểm đơn vị hành chính mà có mức khoán từ 4,5 - 6,0 lần lương cơ sở (tức từ 10.530.000 đồng/tháng - 14.040.000 đồng/tháng).

Mức phụ cấp này là không giống nhau giữa các tỉnh, thành, bởi căn cứ vào quỹ phụ cấp và đặc thù của từng cấp xã, yêu cầu quản lý, tỷ lệ chi thường xuyên của cấp xã và nguồn thu ngân sách của địa phương mà UBND cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định mức phụ cấp của từng chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố được hưởng.

Bên cạnh đó, theo khoản 4 Điều 34 Nghị định 33/2023/NĐ-CP thì người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách khác ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp quy định của chức danh kiêm nhiệm.

Trên đây là thông tin về việc Trưởng thôn vi phạm kỷ luật có bị miễn nhiệm không?

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục