Quốc hội là gì? Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội

Quốc hội là cơ quan quan trọng và có tầm ảnh hướng lớn trong hệ thống chính trị của mỗi quốc gia. Vậy Quốc hội là gì? Quốc hội có vai trò như thế nào trong hệ thống chính trị của Việt Nam. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin tổng quát về Quốc hội.

1. Quốc hội là gì?

Quốc hội (tiếng Anh là Congress) là cơ quan thực hiện quyền lập pháp của một quốc gia. Theo nghĩa Hán Việt, Quốc hội là đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (hay còn gọi là quốc dân đại hội).

Quốc hội ra đời khi có sự xuất hiện của nhà nước tư sản với mục đích giải quyết, điều hoà mâu thuẫn giữa các giai cấp thông qua Hiến pháp và pháp luật.

Tại Việt Nam, Quốc hội ra đời cùng với nhà nước Việt Nam vào ngày mùng 06 tháng 01 năm 1946, sau cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên với tên gọi ban đầu là Quốc dân Đại hội hay Quốc dân Đại biểu Đại hội.

Tên gọi Quốc hội chính thức được công bố tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa I, diễn ra vào ngày 01 tháng 01 năm 1960.

Từ năm 1946 đến nay, Việt Nam đã trải qua tổng cộng 15 lần bầu cử Quốc hội. Hiện nay đang là kỳ Quốc hội khoá  XV (2021 - 2026).

Ở một số nước trên thế giới, cơ quan nắm quyền lập pháp được gọi là Nghị viện. Nghị viện đơn nhất và Nghị viện lưỡng viện là hai mô hình được đa số các quốc gia lựa chọn.

  • Nghị viện đơn nhất: có duy nhất một viện thực hiện toàn quyền theo Hiến pháp và hệ thống pháp luật, ví dụ như Phần Lan, Đan Mạch, Hy Lạp, Thuỵ Điển,...

  • Nghị viện lưỡng viện: được chia thành 2 viện đó là Thượng nghị viện và Hạ nghị viện.

  • Thượng nghị viện: đại biểu được bầu ra đại diện cho các đơn vị hành chính lãnh thổ hoặc tầng lớp quý tộc.

  • Hạ nghị viện (hay viện dân cử): đại biểu được bầu ra theo tỷ lệ dân cư.

Một số quốc gia có chế độ hai viện có thể kể đến như Anh, Mỹ, Pháp, Nhật,...

Theo Điều 69 của Hiến pháp 2013:

“Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Quốc hội là gì
Quốc hội là gì? (Ảnh minh họa)

“Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” vì:

  • Theo quy định của Hiến pháp, tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, nhân dân bầu ra Quốc hội.

  • Quốc hội thực hiện quyền lập pháp, quy định về các vấn đề cơ bản và quan trọng của đất nước. Các hoạt động của Nhà nước được Quốc hội giám sát chặt chẽ. Các cơ quan được thành lập bởi Quốc hội và những người được Quốc hội bầu ra, phê chuẩn để nắm giữ các chức vụ phải chịu trách nhiệm, báo cáo công tác và chịu sự giám sát của Quốc hội.

“Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân” vì:

  • Việc các cử tri bầu ra Quốc hội phải tuân theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Quốc hội là cơ quan đại diện cho Nhân dân cả nước về ý chí và nguyện vọng, được Nhân dân dành sự tin tưởng, uỷ thác quyền lực nhà nước, quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước thay mặt nhân dân và chịu trách nhiệm trước Nhân dân cả nước.

  • Quốc hội được cấu thành bởi các đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội là những công dân ưu tú được chọn lọc kỹ lưỡng trong mọi lĩnh vực của Nhà nước và xã hội, đại diện cho tầng lớp nhân dân. Quốc hội là biểu trưng của sức mạnh, trí tuệ dân tộc Việt Nam.

  • Quốc hội là cơ quan đại diện, hiện thực hóa ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Nhiệm vụ của Quốc hội là phục vụ cho lợi ích chung của nhân dân và dân tộc.

Như vậy, nhân dân là người có quyền bầu ra Quốc hội. Theo quy định, công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên thì có quyền bầu cử, còn từ 21 tuổi trở lên thì có quyền ứng cử vào Quốc hội.

Tuy nhiên với một số trường hợp dưới đây, người dân không được thực hiện quyền bầu cử:

  • Chưa đủ 18 tuổi.

  • Mất năng lực hành vi dân sự.

  • Bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của toà án và bản án, quyết định đó đã có hiệu lực pháp luật.

  • Bị kết án tử hình, đang trong thời gian chờ để thi hành án.

  • Người đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù và không được hưởng án treo.

Căn cứ Điều 70 Hiến pháp 2013, Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật;

2. Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập;

3. Quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;

4. Quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước;

5. Quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước;

6. Quy định tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước, chính quyền địa phương và cơ quan khác do Quốc hội thành lập;

7. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, Hội đồng bầu cử quốc gia.

Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp;

8. Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;

9. Quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; thành lập, bãi bỏ cơ quan khác theo quy định của Hiến pháp và luật;

10. Bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội;

11. Quyết định đại xá;

12. Quy định hàm, cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân, hàm, cấp ngoại giao và những hàm, cấp nhà nước khác; quy định huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự nhà nước;

13. Quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia;

14. Quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và điều ước quốc tế khác trái với luật, nghị quyết của Quốc hội;

15. Quyết định trưng cầu ý dân.

Bên cạnh câu hỏi “Quốc hội là gì?”, rất nhiều người dân thắc mắc về vấn đề “Quốc hội gồm có những ai?”.

Cơ cấu tổ chức của Quốc hội theo quy định bao gồm: Lãnh đạo Quốc hội (Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội); Uỷ ban thường vụ Quốc hội; Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội.

4.1. Lãnh đạo Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội và các Phó chủ tịch Quốc hội là những người đảm nhiệm chức năng lãnh đạo Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội và các Phó chủ tịch Quốc hội đều được bầu bởi Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội.

  • Chủ tịch Quốc hội:

Theo Điều 72 Hiến pháp 2013, Chủ tịch Quốc hội có những vai trò sau:

  • Là chủ toạ có vai trò tổ chức, điều hành các phiên họp của Quốc hội;

  • Là người ký chứng thực Hiến pháp, luật và các nghị quyết của Quốc hội;

  • Lãnh đạo công tác, hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

  • Giữ vai trò tổ chức thực hiện quan hệ đối ngoại và đối nội (giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội) của Quốc hội.

  • Phó chủ tịch Quốc hội:

  • Thực hiện những nhiệm vụ dưới sự phân công của Chủ tịch Quốc hội.

  • Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội khi Chủ tịch Quốc hội vắng mặt (Chủ tịch Quốc hội sẽ uỷ nhiệm cho một Phó chủ tịch Quốc hội).

4.2. Uỷ ban thường vụ Quốc hội

Cơ cấu Ủy ban thường vụ Quốc hội như sau:

  • Chủ tịch Quốc hội;

  • Các Phó Chủ tịch Quốc hội;

  • Các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội (Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội làm Phó Chủ tịch).

Quốc hội là gì
Số lượng thành viên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do Quốc hội quyết định (Ảnh minh họa)

Thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội là những đại biểu Quốc hội, thực hiện nhiệm vụ, chức năng đúng chuyên môn của mình, không được đồng thời là thành viên Chính phủ. Quốc hội quyết định số lượng Phó chủ tịch Quốc hội và Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Nhiệm kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được dựa theo nhiệm kỳ của Quốc hội, thường là 5 năm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm nhiệm vụ khi Quốc hội hết nhiệm kỳ cho đến khi Ủy ban Thường vụ mới được Quốc hội khóa mới bầu ra.

4.3. Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội

Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội là những cơ quan trực thuộc Quốc hội, vì vậy phải chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội nếu Quốc hội không họp.

  • Hội đồng dân tộc:

Cơ cấu tổ chức của Hội đồng dân tộc bao gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch; Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác.

Các vấn đề dân tộc của Quốc hội là lĩnh vực chính mà Hội đồng dân tộc cần quan tâm và chịu trách nhiệm. Những chức năng cụ thể của Hội đồng dân tộc là:

  • Giám sát hoạt động của Chính phủ và Nhà nước về các vấn đề dân tộc.

  • Tham mưu về các chính sách hoặc nghị định cho Ủy ban Dân tộc và Chính phủ.

  • Giám sát hoạt động của Ban Dân tộc tại địa phương về ngân sách, chính sách, quyết định của Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân các cấp tỉnh và thành phố.

  • Uỷ ban của Quốc hội:

Ủy ban của Quốc hội gồm:

  • Chủ nhiệm (do Quốc hội bầu).

  • Các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên (được bầu ra bởi Ủy ban thường vụ Quốc hội).

Chức năng:

  • Thẩm tra, kiến nghị về các dự án luật và dự án khác, báo cáo được giao bởi Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội;

  • Giám sát trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn được pháp luật quy định;

  • Kiến nghị những vấn đề trong phạm vi hoạt động của Ủy ban.

Chủ tịch Quốc hội là người có thẩm quyền cao nhất và đứng đầu Quốc hội - cơ quan lập pháp của Việt Nam và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cũng đồng thời là Chủ tịch của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch Quốc hội thường kéo dài 5 năm.

Trước năm 1981, tên gọi của Chủ tịch Quốc hội là Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Thời điểm đó, hoạt động của Quốc hội còn yếu và khá mờ nhạt, do đó quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội cũng bị hạn chế.

Hiện nay, theo Hiến pháp Việt Nam, Quốc hội là cơ quan lập pháp, đại diện cho toàn thể nhân dân và có quyền lực cao nhất. Từ đó, củng cố địa vị và quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội trong hệ thống chính trị của Việt Nam.

Từ khi ra đời đến nay, Quốc hội đã trải qua 15 khoá làm việc với 13 đời Chủ tịch Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam là Nguyễn Văn Tố. Trường Chinh là Chủ tịch Quốc hội thứ 4 và là người tại nhiệm lâu nhất. Chủ tịch Quốc hội hiện nay (khóa XV 2021 - 2026) là ông Vương Đình Huệ.

Chu-tich-quoc-hoi-Vuong-Dinh-Hue
Chủ tịch Quốc hội khoá XV (2021 - 2026) Vương Đình Huệ (Ảnh minh họa)

Trong số các đời Chủ tịch Quốc hội Việt Nam từ trước đến nay, bà Nguyễn Thị Kim Ngân là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất nắm giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội khoá XI. Qua đó cho thấy Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng vai trò của người phụ nữ trong xã hội, khẳng định việc bình đẳng nam nữ luôn được duy trì trong các hoạt động của Nhà nước và tổ chức bộ máy chính quyền.

Có thể thấy, Quốc hội là cơ quan nắm giữ vai trò quyết định trong việc xây dựng đất nước trên mọi lĩnh vực như kinh tế, chính trị, giáo dục, y tế, quốc phòng,...Trải qua hàng chục năm đổi mới, đến nay Quốc hội Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện về tổ chức và vai trò. Thách thức đặt ra của các cấp lãnh đạo đó là bản lĩnh chính trị vững vàng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là đại biểu của nhân dân.

Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin cần thiết về Quốc hội, giúp bạn trả lời được câu hỏi Quốc hội là gì? Hiểu được vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội trong hệ thống chính trị của Việt Nam. Mọi vấn đề còn vướng mắc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp cụ thể.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục