Bên cạnh thưởng Tết, trực Tết là một trong những vấn đề được nhiều giáo viên quan tâm. Vậy trực Tết có phải yêu cầu bắt buộc và nếu không muốn, giáo viên có quyền từ chối không?
Nghỉ Tết là quyền lợi cơ bản của mọi giáo viên
Tại Công văn số 8662/VPCP-KGVX ngày 03/11/2023, Văn phòng Chính phủ đã đồng ý phương án giáo viên được nghỉ liền 07 ngày trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023. Thời gian nghỉ từ thứ Năm ngày 08/02/204 đến hết thứ Tư ngày 14/02/2024 (tức là từ ngày 29 tháng chạp Quý Mão đến hết mùng 5 tháng giêng Giáp Thìn).
Điều 13 Luật Viên chức năm 2010 quy định giáo viên có quyền được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Nếu không sử dụng hoặc không dùng hết số ngày nghỉ hàng năm, giáo viên sẽ được thanh toán một khoản tiền cho những ngày không nghỉ.
Đồng thời, điểm b khoản 3 Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT quy định, nghỉ Tết Âm lịch là thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên.
Bên cạnh đó, tại Thông báo 5015/TB-LĐTBXH để cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và người sử dụng lao động thực hiện như sau:
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội được nghỉ tết Âm lịch năm 2024 từ thứ Năm ngày 08/02/2024 đến hết thứ Tư ngày 14/02/2024.
Như vậy, việc được nghỉ làm, hưởng nguyên lương trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 là quyền lợi cơ bản của mọi giáo viên.
Khi không muốn, giáo viên có được từ chối trực Tết?
Theo những phân tích ở trên, có thể khẳng định việc nghỉ Tết của giáo viên là quyền lợi chính đáng. Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 70 Luật Giáo dục, nhiệm vụ của nhà giáo là giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác.
Đặc biệt, nếu thầy cô giáo nào đồng ý trực Tết thì sẽ được trả tiền làm thêm giờ theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Viên chức 2010:
Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong đó, số tiền làm thêm được tính theo Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 với các mức:
- Ít nhất 400% tiền lương ngày bình thường nếu làm thêm vào ban ngày;
- Ít nhất 490% tiền lương ngày bình thường nếu làm thêm vào ban đêm.
Đồng thời, do chế độ nghỉ lễ, nghỉ Tết của giáo viên được quy định theo pháp luật lao động nên nếu xảy ra trường hợp Hiệu trưởng ép giáo viên phải trực Tết thì căn cứ vào tính chất, mức độ, Hiệu trưởng có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP:
- Phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng: Ép giáo viên làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của các thầy cô;
- Phạt tiền từ 25 - 50 triệu đồng: Ép giáo viên làm thêm giờ vượt quá 12 giờ/ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hằng năm…
Do đó, giáo viên không có nhiệm vụ phải trực Tết ở trường nên hoàn toàn có quyền từ chối khi không muốn. Nếu đã đồng ý trực thì giáo viên sẽ phải được trả thêm tiền làm thêm giờ theo quy định nêu trên.
Trên đây là giải đáp về vấn đề Giáo viên có được từ chối trực Tết không, nếu còn bất kỳ thắc mắc nào hãy liên hệ ngay đến tổng đài 19006192 để được giải đáp nhanh nhất.