(LuatVietnam) Hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội như: Mọi học sinh đã tốt nghiệp THCS đi học trung cấp đều được giảm 50% học phí; Chưa đủ tuổi vẫn được học trước để nâng hạng Giấy phép lái xe ô tô; Hộ cận nghèo được vay tối đa 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài; Lao động dôi dư tại công ty Nhà nước được hưởng 3 tháng lương/năm nghỉ hưu sớm; Sắp tăng mức phí công chứng hợp đồng; Bộ trưởng được đi xe công không quá 1,1 tỷ đồng; … sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 09/2015.
Ngân hàng được mua nợ khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%
Với việc ban hành Thông tư số 09/2015/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định siết chặt hơn các điều kiện về mua, bán nợ. Cụ thể, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua nợ khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép và có tỷ lệ nợ xấu dưới 03%, trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Đồng thời, tổ chức tín dụng không được bán nợ cho công ty con của mình, trừ trường hợp bán nợ cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng mẹ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt; và đặc biệt, không được mua lại các khoản nợ đã bán.
Về đồng tiền giao dịch trong mua bán nợ, Thông tư quy định phải là đồng Việt Nam; việc sử dụng ngoại tệ làm đồng tiền thanh toán chỉ được thực hiện trong trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán khoản nợ bằng ngoại tệ cho bên mua nợ là người không cư trú.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/09/2015.
Mọi học sinh đã tốt nghiệp THCS đi học trung cấp đều được giảm 50% học phí
Nội dung mới này được thể hiện tại Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/09/2015. Cụ thể, Thông tư liên tịch quy định tất cả học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) đi học trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp đều được giảm 50% học phí thay vì chỉ học sinh tốt nghiệp THCS trong thời gian 03 năm kể từ ngày tốt nghiệp đi học trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp mới được hưởng quyền lợi này.
Ngoài ra, Thông tư liên tịch này cũng hướng dẫn cụ thể hơn về phương thức chi trả tiền hỗ trợ chi phí học tập. Trong đó, Phòng giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm chi trả trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em học mẫu giáo, học sinh tiểu học, học sinh THCS; Sở giáo dục và đào tạo chi trả cho cha mẹ học sinh (hoặc học sinh) trung học phổ thông, học viên học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, học sinh tại các cơ sở giáo dục khác hoặc ủy quyền cho cơ sở giáo dục chi trả.
Chưa đủ tuổi vẫn được học trước để nâng hạng Giấy phép lái xe ô tô
Tại Thông tư số 30/2015/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/09/2015, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép người chưa đủ tuổi vẫn được học trước để nâng hạng Giấy phép lái xe ô tô; tuy nhiên chỉ được dự sát hạch khi đủ tuổi theo quy định.
Đồng thời, để nâng hạng Giấy phép lái xe C, D, E lên FC, người học phải có thời gian hành nghề từ 01 năm và có từ 50.000km lái xe an toàn trở lên. Thời gian đào tạo với trường hợp nâng hạng Giấy phép lái xe hạng C, D, E lên FC là 272 giờ, trong đó có 48 giờ lý thuyết và 224 giờ thực hành lái xe. Các trường hợp còn lại vẫn thực hiện theo quy định hiện hành.
Xác định chi phí tiền lương trong giá sản phẩm
Có hiệu lực từ ngày 01/09/2015, Thông tư số 26/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn cụ thể về xác định chi phí tiền lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
Theo Thông tư này, tiền lương được xác định căn cứ vào định mức lao động và tiền lương của lao động trực tiếp sản xuất, lao động chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ và lao động quản lý tham gia thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích.
Trong đó, tiền lương của lao động trực tiếp sản xuất và lao động chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ bình quân xác định trên cơ sở hệ số lương cấp bậc, chuyên môn, nghiệp vụ, hệ số phụ cấp lương của lao động nhân với mức lương cơ sở và hệ số điều chỉnh tăng thêm theo từng vùng. Tiền lương của lao động quản lý được xác định trên cơ sở mức lương cơ bản theo hạng tổng công ty và công ty đòi hỏi để thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích.
Hộ cận nghèo được vay tối đa 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài
Rất nhiều chính sách mới về hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động (NLĐ) được quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, trong đó nổi bật là quy định NLĐ thuộc hộ cận nghèo hoặc là thân nhân của người có công với cách mạng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được vay tối đa 100% chi phí. Đối với mức vay trên 50 triệu đồng, NLĐ phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định.
Thời hạn vay vốn không được vượt quá thời hạn làm việc ở nước ngoài của NLĐ ghi trong hợp đồng ký kết giữa NLĐ và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Lãi suất vay vốn được áp dụng trong trường hợp này bằng với lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Chính phủ quy định; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất vay vốn.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/09/2015.
Khám, chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngày lễ vẫn được hưởng BHYT
Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BYT-BTC của Liên bộ Y tế và Tài chính có hiệu lực từ ngày 01/09/2015 đã điều chỉnh nội dung về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) vào ngày nghỉ, ngày lễ.
Nếu như trước đây, chỉ trong trường hợp quá tải, cơ sở y tế phải tổ chức khám, chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ, người khám, chữa bệnh mới được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT; thì kể từ tháng 09/2015, cơ sở y tế tổ chức khám, chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ mà không phải vì lý do quá tải, người khám, chữa bệnh vẫn hưởng quyền lợi này.
Tuy nhiên, trước khi tổ chức thực hiện khám, chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngày lễ, cơ sở y tế phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm xã hội. Đồng thời, có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn và công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng của người bệnh tham gia BHYT.
Không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty đại chúng
Đây là nội dung rất được chú ý tại Nghị định số 60/2015/NĐ-CP. Theo đó, kể từ ngày 01/09/2015, Chính phủ đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được có tỷ lệ sở hữu không hạn chế tại các công ty đại chúng, trừ trường hợp có quy định khác. Riêng với công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%.
Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài cũng được đầu tư không hạn chế vào chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán, cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán, cổ phiếu không có quyền biểu quyết của công ty đại chúng, chứng khoán phái sinh, chứng chỉ lưu ký, trừ trường hợp điều lệ của tổ chức phát hành có quy định khác. Tương tự, việc đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp… cũng không hạn chế đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/09/2015.
Đã khai thuế điện tử phải thực hiện các giao dịch khác bằng phương thức điện tử
Hướng dẫn của Bộ Tài chính về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế được nêu chi tiết tại Thông tư số 110/2015/TT-BTC, có hiệu lực ngày 10/09/2015. Thông tư quy định người nộp thuế đã thực hiện khai thuế điện tử phải thực hiện các giao dịch khác với cơ quan thuế cũng bằng phương thức điện tử, trừ trường hợp xảy ra sự cố kỹ thuật trong quá trình thực hiện; khi đã hoàn thành giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, người nộp thuế không phải thực hiện các phương thức giao dịch khác và được công nhận đã hoàn thành thủ tục thuế tương ứng.
Để thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, người nộp thuế phải có chứng thư số đang còn hiệu lực, trừ trường hợp thực hiện đăng ký thuế và cấp mã số thuế; trường hợp đang sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử vì chưa được cấp chứng thư số hoặc trường hợp thực hiện nộp thuế điện tử bằng giao dịch ngân hàng thông qua các hình thức thanh toán điện tử như Internet banking, Mobile banking, ATM…
Mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng tối đa 5 lần lương tối thiểu
Đây là nội dung nổi bật của Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH. Theo đó, trường hợp người lao động (NLĐ) đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng của NLĐ là tối đa 05 lần lương tối thiểu. Trường hợp NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì mức hưởng này tối đa không quá 05 lần lương cơ sở.
Ngoài ra, Thông tư này cũng yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm lập và nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của NLĐ cho tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động của NLĐ thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/09/2015; tuy nhiên các chế độ quy định tại Thông tư được áp dụng từ ngày 01/01/2015.
Lao động dôi dư tại công ty Nhà nước được hưởng 3 tháng lương/năm nghỉ hưu sớm
Khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, người lao động dôi dư sẽ không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu sớm; được hưởng trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu sớm và 01 tháng lương cơ sở cho mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, để được hưởng những quyền lợi này, người lao động phải đáp ứng các điều kiện như: Được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 21/04/1998 hoặc trước ngày 26/04/2002; có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội; từ đủ 55 - 59 tuổi đối với nam hoặc từ đủ 50 - 54 tuổi đối với nữ.
Riêng với lao động nam dôi dư trên 59 tuổi - dưới 60 tuổi, lao động nữ trên 54 tuổi - dưới 55 tuổi, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng sẽ không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi và được hưởng 0,5 tháng lương cơ sở cho mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội.
Nội dung trên được nêu rõ tại Nghị định số 63/2015/NĐ-CP; có hiệu lực từ ngày 15/09/2015.
Phải công khai thông tin của bưu gửi không phát được trong 3 tháng
Từ 15/09/2015, các quy định về xử lý bưu gửi không có người nhận được áp dụng theo Thông tư liên tịch số 18/2015/TTLT-BTTTT-BTC. Thông tư liên tịch này quy định, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính phải công khai thông tin đối với bưu gửi không phát được cho người nhận và không hoàn trả cho người gửi tại bưu cục giao dịch trung tâm tỉnh, thành phố và trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp (nếu có) trong thời hạn tối thiểu 03 tháng.
Sau thời hạn nêu trên, việc xử lý bưu gửi được thực hiện bởi Hội đồng xử lý bưu gửi không có người nhận. Trường hợp bưu gửi là tiền sẽ được bàn giao cho doanh nghiệp hạch toán theo quy định của pháp luật; nếu bưu gửi là vật phẩm, hàng hóa, doanh nghiệp được quyền bán, tiêu hủy, làm từ thiện hoặc xử lý theo hình thức khác.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/09/2015.
Sắp tăng mức phí công chứng hợp đồng
Từ ngày 29/09/2015, mức phí công chứng hợp đồng ủy quyền, phí công chứng di chúc sẽ tăng từ 40.000 đồng/trường hợp lên 50.000 đồng/trường hợp; tương tự, phí công chứng việc hủy bỏ hợp đồng, giao dịch cũng tăng từ 20.000 đồng/trường hợp lên 25.000 đồng/trường hợp so với quy định cũ.
Ngoài ra, mức phí công chứng bản dịch là 50.000 đồng/trang đối với bản dịch thứ nhất; trường hợp người yêu cầu công chứng cần nhiều bản dịch thì từ bản dịch thứ hai trở lên thu 5.000 đồng/trang đối với trang thứ nhất và trang thứ hai; từ trang thứ ba trở lên thu 3.000 đồng/trang nhưng mức tối đa không quá 200.000 đồng/bản.
Nội dung nêu trên được quy định tại Thông tư liên tịch số 115/2015/TTLT-BTC-BTP.
Bộ trưởng được đi xe công không quá 1,1 tỷ đồng
Theo Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 21/09/2015, ngoài Bộ trưởng, các chức danh khác như Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ; Bí thư tỉnh ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh… cũng sẽ được sử dụng thường xuyên trong thời gian công tác 01 xe ô tô với giá mua tối đa 1,1 tỷ đồng/xe.
Bên cạnh đó, các chức danh Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao… được sử dụng thường xuyên 01 xe ô tô trong thời gian công tác, không hạn chế mức giá. Riêng với chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội… được sử dụng thường xuyên 01 xe ô tô không hạn chế mức giá kể cả sau khi đã nghỉ công tác.
Khi người tiền nhiệm nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác mà xe ô tô đã trang bị chưa đủ điều kiện để thay thế thì người kế nhiệm tiếp tục sử dụng xe ô tô đó mà không được mua thêm xe mới.
Thu hẹp các dự án được xét cấp bảo lãnh Chính phủ
Có hiệu lực từ 30/09/2015, Quyết định số 34/2015/QĐ-TTg cho thấy Danh mục các chương trình, dự án ưu tiên được xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ đã được thu hẹp so với quy định trước đây.
Cụ thể, việc xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ chỉ dành cho các dự án trong lĩnh vực năng lượng, khai thác và chế biến khoáng sản thuộc nhóm A theo Luật Đầu tư công; dự án xây dựng đường cao tốc có tổng vốn đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên; đầu tư mua máy bay theo chương trình được Thủ tướng duyệt; các dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ xuất khẩu đáp ứng tiêu chí là dự án quan trọng quốc gia và thuộc lĩnh vực, địa bàn được khuyến khích đầu tư.
Trong khi trước đây, các chương trình tín dụng có mục tiêu của Nhà nước; dự án đầu tư xây dựng cảng và khai thác cảng biển nước sâu; xây dựng cầu giao thông quốc gia; mua sắm đầu máy toa xe trong dự án đầu tư hệ thống đường sắt quốc gia… cũng thuộc diện được xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ.
Ngoài ra, còn nhiều quy định về Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội; Hướng dẫn phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước; Chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo; Thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ; Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự… cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 09/2015.
Khách hàng của LuatVietnam có thể xem thêm Danh sách các văn bản có hiệu lực trong tháng 09/2015 tại đây.