Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2015

(LuatVietnam) Hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội như: Từ năm học 2015-2016, tăng mạnh mức học phí đại học; Không xếp hàng cao quá 1,5m trên xe máy; Sau 10/6/2016, cấm kinh doanh tại căn hộ chung cư; DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp được ưu tiên vay vốn; Được vay đến 80% để mua nhà ở xã hội; Hướng dẫn mới về quản lý, sử dụng con dấu doanh nghiệp; Cấm nhập khẩu laptop, điện thoại di động cũ… sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 12/2015.

 

Từ năm học 2015-2016, tăng mạnh mức học phí đại học

Tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/12/2015, Chính phủ quyết định tăng mức trần học phí đối với các trường đại học công lập ở tất cả các ngành học, từ năm học 2015 - 2016

Cụ thể, trong năm học 2015 - 2016, năm học 2016 - 2017 và năm học 2017 - 2018, mức trần học phí tại các trường đại học công lập tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư là 1,750 triệu đồng/tháng/sinh viên với ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản; 2,050 triệu đồng/tháng/sinh viên với ngành khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch và với khối ngành y, dược là 4,4 triệu đồng/tháng/sinh viên.

Trong khi đó, tại năm học 2014 - 2015, mức học phí ở các ngành học này chỉ tương ứng với mức 550.000 đồng/tháng/sinh viên; 650.000 đồng/tháng/sinh viên và 800.000 đồng/tháng/sinh viên.

DN Nhà nước không được đầu tư vào bất động sản, chứng khoán

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp (DN) và quản lý sử dụng vốn, tài sản tại DN, có hiệu lực từ ngày 01/12/2015.

Nghị định quy định DN Nhà nước được quyền sử dụng tài sản, tiền vốn thuộc quyền quản lý, sử dụng để đầu tư ra ngoài DN; tuy nhiên, không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản; không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp DN Nhà nước đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực nêu trên và không thuộc trường hợp được Thủ tướng cho phép đầu tư phải thực hiện phương án cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư theo quy định.

Ưu tiên sử dụng lao động Việt Nam trong khai thác dầu khí 

Theo Nghị định số 95/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí, tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí được phép tuyển dụng người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, nhưng vẫn phải ưu tiên sử dụng lao động là người Việt Nam.

Đồng thời, tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí phải mua bảo hiểm đối với công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí, bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bên thứ ba, bảo hiểm con người… theo quy định của pháp luật và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế; khuyến khích mua bảo hiểm của công ty bảo hiểm có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực dầu khí đang hoạt động tại Việt Nam.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/12/2015.

Hộ chiếu công vụ còn giá trị dưới 1 năm được gia hạn 1 lần

Nếu như trước đây, chỉ hộ chiếu ngoại giao, công vụ còn giá trị dưới 06 tháng mới được gia hạn một lần thì từ ngày 01/12/2015, việc gia hạn một lần sẽ được áp dụng đối với hộ chiếu ngoại giao, công vụ còn giá trị dưới 01 năm; thời gian gia hạn tối đa 03 năm. Đây là nội dung mới được quy định tại Nghị định số 94/2015/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 01/12/2015.

Cũng theo Nghị định, hộ chiếu phổ thông có giá trị tối đa 10 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn. Trẻ em dưới 09 tuổi được cấp chung vào hộ chiếu phổ thông của cha hoặc mẹ nếu có đề nghị; trong trường hợp này, hộ chiếu có giá trị tối đa 05 năm và không được gia hạn.

Miễn lệ phí trước bạ với tàu, thuyền chở khách tốc độ cao 

Cũng có hiệu lực từ ngày 01/12/2015, Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định nhiều nội dung đáng chú ý về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa.

Quyết định chỉ rõ, phương tiện thủy nội địa chở khách tốc độ cao và phương tiện thủy nội địa vận tải công-ten-nơ sẽ được miễn lệ phí trước bạ. Dự án đóng mới phương tiện thủy chở khách ngang sông tại những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn; phương tiện thủy nội địa tự hành và chuyên dụng có trọng tải 800 tấn trở lên vận chuyển hàng hóa… được hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng.

Cũng tại Quyết định này, UBND cấp tỉnh được giao trách nhiệm thực hiện trợ giá hoặc hỗ trợ chi phí cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy nội địa; miễn tiền vé đối với trẻ em dưới 06 tuổi; giảm giá vé đối với người có công với cách mạng, người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi, học sinh, sinh viên là công dân Việt Nam.

Không xếp hàng cao quá 1,5m trên xe máy

Một trong những nội dung nổi bật tại Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, có hiệu lực từ ngày 01/12/2015, là quy định giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ.

Theo đó, với xe mô tô, xe gắn máy, chủ xe hoặc người điều khiển xe không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3m, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5m; chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5m. Với ô tô chở khách, không được xếp hàng hóa, hành lý nhô ra quá kích thước bao ngoài của xe. Tương tự với xe thô sơ, không được xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau quá 1/3 chiều dài thân xe và không quá 1,0m; không vượt quá 0,4m về mỗi bên bánh xe.

Về xe quá khổ giới hạn, Thông tư quy định xe tải có chiều dài lớn hơn 20m hoặc 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe; chiều rộng lớn hơn 2,5m và chiều cao tính từ mặt đường bộ trở lên lớn hơn 4,2m (trừ xe chở container) được coi là xe quá khổ giới hạn. Chủ xe hoặc người điều khiển xe quá khổ giới hạn phải có Giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Ưu tiên tuyển chọn sinh viên xuất sắc làm cảnh sát môi trường

Theo Nghị định số 105/2015/NĐ-CP của Chính phủ, cảnh sát môi trường được ưu tiên tuyển chọn những sinh viên, học sinh xuất sắc tốt nghiệp các học viện, trường đại học có đủ tiêu chuẩn để đào tạo, bổ sung vào lực lượng cảnh sát môi trường.

Cảnh sát môi trường được tiến hành các hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi trực tiếp phát hiện có dấu hiệu tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; khi có tố giác, tin báo về tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm hoặc khi có yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 05/12/2015.

Hướng dẫn mới về quản lý, sử dụng con dấu doanh nghiệp

Một số nội dung của Luật Doanh nghiệp 2015 đã được hướng dẫn chi tiết bởi Nghị định số 96/2015/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 08/12/2015; trong đó đáng chú ý là nội dung về quản lý, sử dụng con dấu doanh nghiệp.

Theo Nghị định, các doanh nghiệp đã thành lập trước ngày 01/07/2015 được tiếp tục sử dụng con dấu đã được cấp, không phải thông báo mẫu con dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh; nếu làm thêm con dấu, thay đổi màu mực dấu phải thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu theo quy định về đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp làm con dấu mới, phải nộp lại con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho cơ quan công an nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu.

Số lượng, hình thức, nội dung và mẫu con dấu do chủ doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty hoặc Hội đồng quản trị quyết định; mỗi doanh nghiệp có 01 mẫu con dấu thống nhất về nội dung, hình thức và kích thước. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể bổ sung thêm ngôn ngữ, hình ảnh khác vào nội dung mẫu con dấu nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật.

Sau 10/6/2016, cấm kinh doanh tại căn hộ chung cư

Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ cho phép cá nhân, tổ chức được kinh doanh dịch vụ nhà hàng, karaoke, quán bar… trong phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư; tuy nhiên, không được kinh doanh tại căn hộ chung cư, kể từ sau ngày 10/06/2016.

Như vậy, với trường hợp trong giấy tờ đăng ký kinh doanh có ghi sử dụng căn hộ chung cư làm địa điểm kinh doanh trước ngày 01/07/2015, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày 10/12/2015.

Ngoài nội dung nêu trên, Nghị định cũng quy định cấp Giấy chứng nhận cho chủ sở hữu của từng căn hộ trong nhà ở riêng lẻ được xây dựng có từ 02 tầng trở lên, tại mỗi tầng có từ 02 căn hộ, được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín, mỗi căn hộ có diện tích sàn tối thiểu từ 30m2 trở lên.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/12/2015.

Được vay đến 80% để mua nhà ở xã hội

Nội dung này được nêu tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và phát triển nhà ở xã hội, có hiệu lực từ ngày 10/12/2015.

Cụ thể, người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo ở thành thị; người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức… sẽ được vay tối đa 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên; nếu muốn vay với thời hạn ngắn hơn có thể thỏa thuận với ngân hàng.

Để được vay vốn, các đối tượng nêu trên phải có đủ hồ sơ theo quy định; có nguồn thu nhập và khả năng trả nợ theo cam kết; có hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư; thực hiện đảm bảo tiền vay bằng tài sản hình thành bằng vốn vay; có đủ vốn tối thiểu tham gia vào phương thức vay vốn theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định…

Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải thực hiện theo dự án

Việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải triển khai thực hiện theo dự án, không thực hiện việc xây dựng lại đơn lẻ từng nhà, trừ trường hợp chung cư độc lập là nội dung nổi bật của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 10/12/2015.

Theo đó, mỗi khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại có thể triển khai một hoặc nhiều dự án phù hợp với quy hoạch đô thị. Trường hợp dự án đã được phê duyệt, chủ đầu tư không triển khai thực hiện sau 12 tháng từ ngày được phê duyệt hoặc đã triển khai nhưng bị chậm quá 24 tháng so với tiến độ mà nguyên nhân chủ quan được xác định do chủ đầu tư gây ra thì UBND cấp tỉnh ra quyết định thu hồi dự án để giao cho chủ đầu tư khác đảm nhận.

Cũng theo Nghị định này, chủ căn hộ chung cư cũ bị xây dựng lại có từ 02 hộ khẩu trở lên được mua thêm căn hộ tại cùng địa điểm tái định cư theo giá kinh doanh do hai bên thỏa thuận.

Kinh doanh cảng hàng không phải có vốn tối thiểu 100 tỷ đồng

Tại Nghị định số 102/2015/NĐ-CP có hiệu lực ngày 12/12/2015, Chính phủ quy định thành lập doanh nghiệp cảng hàng không kinh doanh tại cảng hàng không quốc tế phải có vốn tối thiểu 200 tỷ đồng hoặc 100 tỷ đồng nếu kinh doanh tại cảng hàng không nội địa. 

Doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ hàng không như khai thác nhà ga hành khách; khai thác khu bay; khai thác nhà ga, kho hàng hóa; cung cấp xăng dầu hàng không; cung cấp suất ăn hàng không… phải có vốn tối thiểu là 30 tỷ đồng; mức vốn tối thiểu 10 tỷ đồng được áp dụng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị hàng không; dịch vụ kỹ thuật hàng không và dịch vụ an ninh hàng không. 

Đặc biệt, Nghị định này cũng nhấn mạnh, tổ chức, cá nhân nước ngoài không được phép góp vốn đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay với tỷ lệ vượt quá 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp dự án hoặc tổng vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư.

DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp được ưu tiên vay vốn

Từ ngày 13/12/2015, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ ưu tiên cho vay vốn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi thuộc một trong các lĩnh vực: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải.

Để được ưu tiên vay vốn, các doanh nghiệp nêu trên phải đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí như: Sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, vật liệu mới, năng lượng mới; Đổi mới trang thiết bị kỹ thuật làm tăng năng suất lao động, chế tạo, sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao; Tạo nhiều việc làm mới, sử dụng nhiều lao động nữ; Sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường…

Nội dung nêu trên được thể hiện tại Thông tư số 13/2015/TT-BKHĐT, có hiệu lực từ ngày 13/12/2015.

Kéo dài thời hạn thẻ đi lại của doanh nhân APEC

Có hiệu lực từ ngày 15/12/2015, Quyết định số 54/2015/QĐ-TTg quy định thẻ đi lại của doanh nhân APEC có thời hạn sử dụng là 05 năm, tính từ ngày được cấp và không được gia hạn; khi thẻ hết thời hạn sử dụng sẽ được cấp thẻ mới. Trong khi trước đây, thời hạn của thẻ được quy định là 03 năm.

Các đối tượng được cấp thẻ bao gồm: Doanh nhân Việt Nam đang làm việc tại các doanh nghiệp Nhà nước; Doanh nhân Việt Nam đang làm việc tại các doanh nghiệp được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam; Cán bộ, công chức, viên chức có nhiệm vụ tham gia các hoạt động của APEC.

Khi bị mất thẻ, doanh nhân phải thông báo cho cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an biết để hủy giá trị sử dụng và thông báo cho các nước hoặc vùng lãnh thổ về việc hủy giá trị của thẻ bị mất.

Ngân hàng được mở, sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài

Từ ngày 15/12/2015, các nội dung về việc mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài của người cư trú là tổ chức sẽ được áp dụng theo Thông tư số 20/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thông tư này quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động ngoại hối ở nước ngoài theo Giấy phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để thực hiện các hoạt động ngoại hối mà không phải làm thủ tục xin cấp phép mở và sử dụng ngoại tệ ở nước ngoài theo quy định.

Tổ chức kinh tế cũng được mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để đáp ứng các điều kiện xin cấp phép thành lập và hoạt động cho chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định của nước sở tại; để phục vụ cho hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài;  thực hiện các cam kết, thỏa thuận, hợp đồng với bên nước ngoài…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/12/2015.

Cấm nhập khẩu laptop, điện thoại di động cũ

Tại Thông tư số 31/2015/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 15/12/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những hướng dẫn rất cụ thể về việc nhập khẩu các sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng.

Theo đó, các sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng như: Máy tính xách tay; điện thoại di động hoặc điện thoại dùng cho mạng không dây khác; loa thùng; tai nghe có khung choàng đầu; bộ micro/loa kết hợp; camera truyền hình, camera kỹ thuật số khác; radio cát sét loại bỏ túi; ổ đĩa mềm, ổ đĩa quang, kể cả ổ CD-ROM, ổ DVD và ổ CD có thể ghi được (CD-R); màn hình LCD, LED và kiểu màn hình dẹt khác… sẽ bị cấm nhập khẩu.

Nếu nhập khẩu sản phẩm thuộc Danh mục nêu trên để nghiên cứu khoa học, làm mẫu phục vụ hoạt động thiết kế, nghiên cứu - phát triển sản phẩm và kiểm thử trong hoạt động sản xuất phải làm hồ sơ đề nghị gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong vòng 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, Bộ có văn bản trả lời cho phép nhập khẩu; trường hợp không đồng ý, Bộ sẽ có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Thời gian chào bán chứng khoán ra công chúng tối đa 90 ngày/đợt

Thông tư số 162/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/12/2015 của Bộ Tài chính quy định thời gian chào bán dự kiến của từng đợt chào bán cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng không được kéo dài quá 90 ngày.

Trước mỗi đợt phát hành, tổ chức phát hành phải bổ sung hồ sơ các tài liệu về tình hình công ty, tình hình sử dụng số tiền thu được từ các đợt phát hành trước nếu thời điểm của đợt phát hành sau cách đợt phát hành trước từ 06 tháng trở lên. Khoảng cách giữa đợt chào bán sau với đợt chào bán trước tối đa là 12 tháng.

Về việc phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động, Thông tư nêu rõ, công ty đại chúng phải có chương trình lựa chọn và kế hoạch phát hành cổ phiếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua; tổng số cổ phiếu phát hành theo chương trình trong 01 năm không được vượt quá 5% số cổ phần đang lưu hành của công ty.

DN chế xuất được bán vào thị trường nội địa tài sản thanh lý

Với việc ban hành Nghị định số 114/2015/NĐ-CP, Chính phủ đã điều chỉnh một số nội dung quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế; trong đó cho phép doanh nghiệp chế xuất được bán vào thị trường nội địa tài sản thanh lý của doanh nghiệp và các hàng hóa khác theo quy định của pháp luật về đầu tư và thương mại. Trong trường hợp này, không áp dụng chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Đặc biệt, Nghị định cũng không buộc doanh nghiệp chế xuất kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa phải thành lập chi nhánh riêng nằm ngoài doanh nghiệp như trước đây. Theo đó, từ ngày 25/12/2015, doanh nghiệp có thể bố trí khu vực lưu giữ hàng hóa ngăn cách với khu vực lưu giữ hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất của mình hoặc thành lập chi nhánh riêng nằm ngoài doanh nghiệp để thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa tại Việt Nam.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/12/2015. 

Ngoài ra, còn có quy định về Đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; Quy định về quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; Tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam; Hệ thống tài khoản kế toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 12/2015.

Khách hàng của LuatVietnam có thể xem thêm Danh sách các văn bản có hiệu lực trong tháng 12/2015 tại đây.

 

 

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

4 tiêu chí đánh giá là người có phẩm chất, năng lực nổi trội theo Nghị định 178

4 tiêu chí đánh giá là người có phẩm chất, năng lực nổi trội theo Nghị định 178

4 tiêu chí đánh giá là người có phẩm chất, năng lực nổi trội theo Nghị định 178

Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được Chính phủ ban hành.

Mức ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư từ 1%-3%

Mức ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư từ 1%-3%

Mức ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư từ 1%-3%

 Theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, có hiệu lực từ ngày 27/12/2015, nhà đầu tư phải ký quỹ khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trừ trường hợp trúng đấu thầu thực hiện dự án;…

Bắt đặt cọc khi tham gia bán hàng đa cấp, phạt từ 3 - 5 triệu đồng

Bắt đặt cọc khi tham gia bán hàng đa cấp, phạt từ 3 - 5 triệu đồng

Bắt đặt cọc khi tham gia bán hàng đa cấp, phạt từ 3 - 5 triệu đồng

Người tham gia bán hàng đa cấp có hành vi yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp trả một khoản tiền nhất định, nộp tiền đặt cọc hoặc phải mua một lượng hàng nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp sẽ bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng là nội dung nổi bật tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP… 

Tăng lương tối thiểu vùng lên 3,5 triệu/tháng từ 2016

Tăng lương tối thiểu vùng lên 3,5 triệu/tháng từ 2016

Tăng lương tối thiểu vùng lên 3,5 triệu/tháng từ 2016

 Nghị định số 122/2015/NĐ-CP ngày 14/11/2015 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng…

Chế độ thai sản với người nhờ và người mang thai hộ

Chế độ thai sản với người nhờ và người mang thai hộ

Chế độ thai sản với người nhờ và người mang thai hộ

Ngày 11/11/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc; trong đó đáng chú ý là những nội dung về chế độ thai sản của lao động mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ…