Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2015

(LuatVietnam) Hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội như: Rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp còn 3 ngày; Được bán hàng miễn thuế trên chuyến bay đến Việt Nam; Doanh nghiệp bất động sản phải có vốn pháp định từ 20 tỷ đồng; Doanh nghiệp Nhà nước phải công bố lương, thưởng trên website; Không dùng đầu số điện thoại gọi tự do để gửi, nhận tin nhắn; Thu tiền tuyển dụng lao động bị phạt đến 3 triệu đồng... sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 11/2015.


Rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN còn 3 ngày

Theo Nghị định 78/2015/NĐ-CP, thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN) sẽ được rút ngắn từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Nghị định cũng cho phép cá nhân, tổ chức được lựa chọn đăng ký DN qua mạng điện tử. Hồ sơ đăng ký qua mạng điện tử có thể được xác thực bằng chữ ký số công cộng hoặc tài khoản đăng ký kinh doanh của người đại diện theo pháp luật của DN. Người thành lập DN hoặc DN chỉ phải nộp 1 bộ hồ sơ khi thực hiện thủ tục đăng ký DN. Quá 30 ngày từ khi nhận thông báo cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, DN không gửi bản giấy thì hồ sơ đăng ký điện tử sẽ không còn hiệu lực.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/11/2015.

Được bán hàng miễn thuế trên chuyến bay đến Việt Nam

Từ ngày 1/11/2015, các hãng hàng không thành lập tại Việt Nam được tổ chức bán hàng miễn thuế trên các chuyến bay từ nước ngoài về; hành khách mua hàng miễn thuế phải xuất trình hộ chiếu, thẻ lên tàu bay - Boarding pass.

Đây là nội dung đáng chú ý quy định tại Quyết định 39/2015/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2015.

Cũng theo Quyết định này, người nhập cảnh ngay sau khi hoàn thành thủ tục nhập cảnh được mua hàng miễn thuế ngay tại cửa khẩu quốc tế sân bay nhập cảnh; nghiêm cấm mua hàng miễn thuế sau khi đã ra khỏi khu vực quản lý, kiểm tra, kiểm soát của cơ quan hải quan tại cửa khẩu quốc tế sân bay nhập cảnh.

Sau 1/7/2016, mọi DN bất động sản phải có vốn pháp định từ 20 tỷ đồng

Tại Nghị định 76/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, Chính phủ khẳng định doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định tối thiểu là 20 tỷ đồng (trừ trường hợp kinh doanh dịch vụ bất động sản hoặc bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên). Những doanh nghiệp bất động sản chưa có đủ vốn pháp định được tiếp tục hoạt động, nhưng phải bổ sung đủ vốn trước ngày 1/7/2016.

Một nội dung nổi bật khác là quy định cho phép tổ chức, cá nhân chưa nộp hồ sơ cấp Sổ đỏ được chuyển nhượng tiếp hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Với các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản, chuyển nhượng dự án, các văn bản chuyển nhượng hợp đồng đã ký kết trước ngày 1/11/2015, được tiếp tục thực hiện mà không phải ký lại theo các hợp đồng mẫu và theo trình tự, thủ tục của Nghị định này.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2015.

Dạy không đủ số giờ học, phạt đến 10 triệu đồng

Đây là nội dung quy định tại Nghị định 79/2015/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/11/2015.

Cụ thể, cơ sở giáo dục sử dụng giáo trình, tài liệu không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng; phạt từ 300.000 đồng - 10 triệu đồng đối với hành vi dạy không đủ số giờ môn học hoặc mô-đun chương trình đào tạo.

Với hành vi sử dụng giáo viên, giảng viên dạy thêm giờ vượt quá ½ số giờ tiêu chuẩn của năm học hoặc quá 1/3 số giờ tiêu chuẩn của năm học đối với người làm công tác quản lý của cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia giảng dạy, mức phạt tiền dao động từ 10 - 15 triệu đồng.

Đặc biệt, cơ sở giáo dục tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi chưa được cấp Giấy chứng nhận hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ bị phạt tối đa đến 100 triệu đồng.

Từ 1/11, không dùng đầu số điện thoại gọi tự do để gửi, nhận tin nhắn

Từ 1/11/2015, các đầu số điện thoại gọi tự do, số điện thoại gọi giá cao chỉ được sử dụng để tiếp nhận cuộc gọi đến; không dùng để gọi đi, gửi và nhận tin nhắn là nội dung nổi bật tại Thông tư 25/2015/TT-BTTTT quy định về quản lý và sử dụng kho số viễn thông.

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định về việc phân bổ số dịch vụ tin nhắn ngắn và số dịch vụ giải đáp thông tin. Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ trực tiếp phân bổ các số dịch vụ này cho các doanh nghiệp thay vì doanh nghiệp viễn thông di động tự cấp số như trước đây.

Số dịch vụ tin nhắn ngắn được phân bổ cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông trên mạng viễn thông di động mặt đất. Số dịch vụ giải đáp thông tin được phân bổ cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có chức năng, nhiệm vụ hoặc đăng ký doanh nghiệp ngành nghề cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông.

Miễn, giảm án phí cho người lập công lớn

Theo Thông tư liên tịch 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC, người đã tích cực thi hành được một phần án phí nhưng lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài, bị giảm sút, mất thu nhập, mất toàn bộ hoặc phần lớn tài sản do tai nạn, ốm đau, thiên tai, hỏa hoạn hay sự kiện bất khả kháng khác dẫn đến không đảm bảo hoặc chỉ đảm bảo được cuộc sống tối thiểu cho bản thân và người họ có trách nhiệm nuôi dưỡng từ 12 tháng trở lên hoặc đã có hành động giúp cơ quan Nhà nước phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm, cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo, cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn hay sự kiện bất khả kháng khác… sẽ được miễn phần án phí, tiền phạt còn lại.

Để được xét miễn, giảm thi hành án, người đó phải thi hành được ít nhất một phần năm mươi khoản thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc khoản án phí phải thi hành theo bản án, quyết định của tòa án. Trường hợp đã được giảm một phần hình phạt tiền mà lại phạm tội mới thì chỉ được xét giảm tiếp khi đã thi hành được một phần hình phạt tiền chung theo quy định về giảm mức hình phạt tiền đã tuyên.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11/2015.

Từ 7/2016, nhà đầu tư đăng ký thông tin chậm không được tham dự thầu

Từ ngày 1/7/2016, trước thời điểm đóng thầu 2 ngày làm việc, nhà thầu, nhà đầu tư chưa có xác nhận đăng ký thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia sẽ không được tham dự thầu đối với các gói thầu, dự án có hình thức đấu thầu hạn chế, đấu thầu rộng rãi, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện và lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư liên tịch 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng, có hiệu lực từ ngày 1/11/2015.

Về bảo đảm dự thầu trong lựa chọn nhà thầu qua mạng, Thông tư quy định, nhà thầu tham gia đấu thầu qua mạng phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu với giá trị từ 1% - 1,5% giá gói thầu.

Đặc biệt, năm 2016, sẽ thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng với ít nhất 20% gói thầu chào hàng cạnh tranh, 10% gói thầu quy mô nhỏ, đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế; từ năm 2018 trở đi, thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng với tối thiểu 40% gói thầu chào hàng cạnh tranh, 35% gói thầu quy mô nhỏ, đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế.

Hộ gia đình trồng rừng được hỗ trợ vay vốn đến 15 triệu đồng/ha

Tại Nghị định 75/2015/NĐ-CP, Chính phủ khẳng định sẽ hỗ trợ từ 5 - 10 triệu đồng/ha để mua cây giống, phân bón, chi phí một phần nhân công bằng tiền (trường hợp trồng xây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ) cho hộ gia đình trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ.

Ngoài ra, hộ gia đình nghèo tham gia trồng rừng còn được được hỗ trợ vay vốn không có tài sản bảo đảm phần giá trị đầu tư còn lại từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tối đa 15 triệu đồng/ha với lãi suất 1,2%/năm từ khi trồng đến khi khai thác tính theo chu kỳ kinh doanh của loài cây trồng nhưng không quá 20 năm; được trợ cấp 15kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị 15kg gạo/khẩu/tháng tại thời điểm trợ cấp trong thời gian chưa tự túc được lương thực trong thời gian không quá 7 năm.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 2/11/2015,

DN Nhà nước phải công bố chế độ lương, thưởng trên website

Doanh nghiệp (DN) Nhà nước phải xây dựng báo cáo về chế độ tiền lương, thưởng, công bố định kỳ trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của DN là nội dung nổi bật tại Nghị định 81/2015/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 5/11/2015.

Tương tự với các thông tin về: Chiến lược phát triển; kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm và hàng năm; báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất tính đến năm báo cáo; báo cáo tài chính 6 tháng và cả năm của DN… cũng phải được công bố định kỳ trên trang điện tử của DN.

Cũng theo Nghị định này, DN phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước thông tin về các sự kiện bất thường như: Tài khoản của DN bị phong tỏa; tạm ngừng hoạt động kinh doanh; bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký DN, Giấy phép thành lập; thay đổi người quản lý DN… trong vòng 24 giờ và công bố trên cổng hoặc trang điện tử của DN, ấn phẩm (nếu có), niêm yết công khai tại trụ sở chính, địa điểm kinh doanh của DN trong 36 giờ kể từ thời điểm xảy ra sự kiện.

Thay đổi mức bồi dưỡng với luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý

Từ ngày 10/11/2015, luật sư trợ giúp pháp lý theo yêu cầu của Nhà nước bằng hình thức tham gia tố tụng sẽ được bồi dưỡng 500.000 đồng/buổi làm việc hoặc được khoán chi theo vụ việc với mức bồi dưỡng bằng từ 3 - 10 tháng lương cơ sở tùy từng vụ việc là nội dung quy định tại Nghị định 80/2015/NĐ-CP.

Cũng từ ngày này, Học viện Tư pháp sẽ cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho người có bằng cử nhân luật, đã tốt nghiệp khóa đào tạo nghề luật sư và người đã từng là luật sư hoặc được miễn khóa đào tạo nghề luật sư, đang làm việc tại các Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, được cử tham dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý thay vì Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp như trước đây.

Khuyến khích doanh nghiệp lắp đặt phòng vắt, trữ sữa

Có hiệu lực từ ngày 15/11/2015, Nghị định 85/2015/NĐ-CP khuyến khích chủ doanh nghiệp tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc; lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của doanh nghiệp.

Nghị định cũng khuyến khích doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng, sử dụng phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ. Doanh nghiệp sử dụng từ 10 đến dưới 100 lao động nữ, trong đó nữ chiếm từ 50%; từ trên 100 đến dưới 1.000 lao động nữ, trong đó nữ chiếm từ 30% hoặc sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên sẽ được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; được trừ các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm tại Hà Nội và TP.HCM

Tại Quyết định 38/2015/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ khẳng định sẽ thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 5 quận, 10 phường của Hà Nội và TP.HCM trong 1 năm, kể từ ngày 15/11/2015.

Trong đó, cuộc thanh tra chuyên ngành do Chủ tịch UBND cấp quận quyết định tiến hành kéo dài không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp có thể lâu hơn, nhưng tối đa là 45 ngày. Tương tự, với các cuộc thanh tra chuyên ngành do Chủ tịch UBND cấp phường quyết định tiến hành, thời hạn thanh tra tối đa là 20 ngày; không quá 30 ngày đối với trường hợp phức tạp.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2015.

Miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Tại Nghị định 82/2015/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15/11/2015, Chính phủ quy định người nhập cảnh Việt Nam thăm người thân, giải quyết riêng sẽ được cấp Giấy miễn thị thực với thời hạn tối đa 5 năm, ngắn hơn thời hạn sử dụng của hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế của người được cấp ít nhất 6 tháng.

Trong đó, Giấy miễn thị thực được cấp riêng cho từng người; riêng trẻ em có chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ được cấp chung với cha hoặc mẹ.

Đặc biệt, người nhập cảnh bằng Giấy miễn thị thực sẽ được cấp Giấy chứng nhận tạm trú 6 tháng cho mỗi lần nhập cảnh thay vì tối đa 90 ngày như quy định hiện hành; nếu Giấy miễn thị thực còn thời hạn dưới 6 tháng thì cấp chứng nhận tạm trú bằng thời hạn đó.

Tương tự, thời gian gia hạn tạm trú trong trường hợp người nhập cảnh có nhu cầu ở lại thêm, có lý do chính đáng và được cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam bảo lãnh cũng được tăng thêm đáng kể, từ 90 ngày lên tối đa 6 tháng.

Miễn thuế tài nguyên với hoạt động khai thác nước để sinh hoạt

Có hiệu lực từ ngày 20/11/2015, Thông tư 152/2015/TT-BTC quy định các hoạt động khai thác hải sản tự nhiên, khai thác nước tự nhiên để phục vụ sinh hoạt và hoạt động khai thác nước thiên nhiên dùng cho hoạt động sản xuất thủy điện để phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân… sẽ được miễn thuế tài nguyên.

Với những người nộp thuế tài nguyên gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ gây tổn thất tài nguyên đã kê khai, nộp thuế, sẽ được xét miễn, giảm thuế phải nộp cho số tài nguyên bị tổn thất; trường hợp đã nộp thuế thì được hoàn trả số thuế đã nộp hoặc trừ vào số thuế tài nguyên phải nộp của kỳ sau.

Công dân có quyền giám sát các dự án đầu tư

Theo Nghị định 84/2015/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư, công dân được trao cho quyền giám sát các dự án đầu tư, thông qua Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, được lập bởi Ủy ban Mặt trận tổ quốc cấp xã.

Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có quyền yêu cầu các cơ quan Nhà nước cung cấp các thông tin về quy hoạch phát triển - kinh tế, xã hội, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch xây dựng chi tiết các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp và kế hoạch đầu tư có liên quan trên địa bàn xã và yêu cầu chủ chương trình, chủ đầu tư trả lời, cung cấp các thông tin phục vụ việc giám sát đầu tư như: Quyết định đầu tư; thông tin về chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, địa chỉ liên hệ; tiến độ và kế hoạch đầu tư; diện tích chiếm đất và sử dụng đất; phương án đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định cư; phương án xử lý chất thải và bảo vệ môi trường…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/11/2015.

Thu tiền tuyển dụng lao động bị phạt đến 3 triệu đồng

Người sử dụng lao động khi thu tiền của người lao động tham gia tuyển lao động; không thông báo công khai về nhu cầu tuyển lao động hoặc thông báo ít hơn 5 ngày làm việc trước khi nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển của người lao động hoặc thông báo không đầy đủ các nội dung cơ bản theo quy định; không thông báo công khai kết quả tuyển lao động hoặc thông báo sau 5 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả tuyển lao động… sẽ bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng. Đây là nội dung quy định tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11/2015.

Cũng từ ngày 25/11/2015, mức phạt đối với người sử dụng lao động không trả chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ của người lao động; không trả chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 15 ngày, từ ngày nhận được quyết định chi trả của cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tăng đáng kể, từ 200.000 - 500.000 đồng lên 1 - 2 triệu đồng.

Đối với hành vi trả lương không đúng hạn; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định…, mức phạt dao động từ 5 - 50 triệu đồng.

Kéo dài thời hạn cho vay hỗ trợ đóng mới tàu lên đến 16 năm

Từ ngày 25/11/2015, thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất với chủ tàu đặt hàng đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên là 16 năm thay vì 11 năm như quy định hiện hành.

Riêng đối với đóng mới tàu vỏ gỗ hoặc nâng cấp tàu có tổng công suất máy chính dưới 400CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên; nâng cấp công suất máy của tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên khai thác hải sản xa bờ, thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất vẫn là 11 năm như trước đây. Trong đó, năm đầu tiên kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên, chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc, ngân sách Nhà nước cấp bù số lãi vay của chủ tàu được miễn năm đầu cho các ngân hàng thương mại.

Nội dung trên đây được quy định tại Nghị định 89/2015/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/11/2015.

Ngoài ra, còn nhiều quy định về lệ phí chứng thực bản sao từ bản chính; Cấp Giấy chứng nhận là lương y; Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông công lập; Ưu đãi trong giáo dục đào tạo với con người có công với cách mạng; Cung ứng dịch vụ bưu chính công ích; Chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô công… cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 11/2015.

Khách hàng của LuatVietnam có thể xem thêm Danh sách các văn bản có hiệu lực trong tháng 11/2015 tại đây.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

4 tiêu chí đánh giá là người có phẩm chất, năng lực nổi trội theo Nghị định 178

4 tiêu chí đánh giá là người có phẩm chất, năng lực nổi trội theo Nghị định 178

4 tiêu chí đánh giá là người có phẩm chất, năng lực nổi trội theo Nghị định 178

Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được Chính phủ ban hành.

Doanh nghiệp kinh doanh cảng hàng không phải có vốn tối thiểu 100 tỷ đồng

Doanh nghiệp kinh doanh cảng hàng không phải có vốn tối thiểu 100 tỷ đồng

Doanh nghiệp kinh doanh cảng hàng không phải có vốn tối thiểu 100 tỷ đồng

Tại Nghị định số 102/2015/NĐ-CP ban hành ngày 20/10/2015 về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, Chính phủ quy định thành lập doanh nghiệp cảng hàng không kinh doanh tại cảng hàng không quốc tế phải có vốn tối thiểu 200 tỷ đồng hoặc 100 tỷ đồng nếu kinh doanh tại cảng hàng không nội địa… 

Hạn chế sở hữu chéo giữa các doanh nghiệp

Hạn chế sở hữu chéo giữa các doanh nghiệp

Hạn chế sở hữu chéo giữa các doanh nghiệp

Các công ty không có cổ phần, phấn vốn góp Nhà nước nắm giữ đã thực hiện góp vốn, mua cổ phần trước ngày 01/07/2015 được mua bán, chuyển nhượng, tăng, giảm phần vốn góp, số cổ phần nhưng không được làm tăng tỷ lệ sở hữu chéo hiện có là nội dung nổi bật tại Nghị định số 96/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 19/10/2015 quy định một số điều của Luật Doanh nghiệp… 

Sẽ thiết lập Cổng dịch vụ công Quốc gia

Sẽ thiết lập Cổng dịch vụ công Quốc gia

Sẽ thiết lập Cổng dịch vụ công Quốc gia

Ngày 14/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và cung cấp dịch vụ công. Trong đó, đề ra mục tiêu đến hết năm 2016, các bộ, ngành Trung ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ…