Pháp luật bảo vệ hình ảnh, thông tin và bí mật đời tư của người khác
Theo quy định của Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, mỗi cá nhân đều có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc người nào đó muốn sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác phải có sự đồng ý của người đó.
Đặc biệt đó lại là những hình ảnh có tính đặc biệt riêng tư, bí mật như “ảnh nóng”. Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 cũng có quy định, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Mặc dù vậy, có một số trường hợp đặc biệt không cần sự đồng ý của bản thân người sở hữu hình ảnh, người khác vẫn có thể sử dụng. Đó là:
- Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
- Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh
Như vậy có thể thấy, những hành vi vi phạm quyền bí mật riêng tư, quyền hình ảnh của người khác đều bị pháp luật xử lý nghiêm minh.
Tung “ảnh nóng” của bạn gái cũ lên mạng, chàng trai bị lãnh án tù (Ảnh minh họa)
Mức phạt với hành vi tung “ảnh nóng” của bạn gái cũ lên mạng
Căn cứ vào mức độ và tính chất hành vi của người phạm tội, pháp luật có những quy định chi tiết như sau:
Xử lý hành chính
Nếu người bạn trai tung ảnh nóng của bạn gái cũ lên mạng không được sự đồng ý của người đó thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Bởi những vi phạm:
- Thu thập, sử dụng thông tin của cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.
- Sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác.
Nội dung này được quy định tại Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Bồi thường dân sự
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, một khi quyền về hình ảnh, quyền về bí mật đời tư của người khác bị xâm phạm thì người bị hại có quyền:
- Buộc người vi phạm phải thu hồi, gỡ bỏ, tiêu hủy hình ảnh
- Yêu cầu người đưa ra hình ảnh phải xin lỗi, cải chính công khai
- Buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại
Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 quy định mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp này như sau:
- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút
- Một khoản bồi thường khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
- Thiệt hại khác do luật quy định
Luật xử nghiêm khi xâm phạm quyền hình ảnh của con người (Ảnh minh họa)
Chịu trách nhiệm hình sự
Hành vi tung ảnh nóng của bạn gái cũ lên mạng có thể khiến người vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự.
- Khi hành vi tung ảnh nóng lên mạng nhằm truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy với mức phạt cao nhất là 15 năm tù và mức phạt tiền có thể lên đến 100 triệu đồng (Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015)
- Khi hành vi phạm tội này nhằm mục đích làm nhục người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác với mức phạt lên đến 05 năm và mức tiền phạt cao nhất là 30 triệu. (Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015)
- Nếu hành vi phạm tội nhằm mục đích cưỡng đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng đoạt tài sản với mức phạt cao nhất là 20 năm tù và mức tiền phạt có thể lên đến 100 triệu đồng (Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015)
Xem thêm:
Các mức xử phạt hành vi làm nhục người khác
Chế” ảnh bôi nhọ người khác bị phạt thế nào?
Luật quy định thế nào về quyền hình ảnh của cá nhân?